Góp ý của đại biểu Quốc hội Lý Kim Khánh – Cà Mau

Thứ Ba 10:23 03-11-2009


Kính thưa Quốc hội.

Cơ bản tôi cũng tán thành với Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Tuy nhiên thì tôi cũng tham gia một số vấn đề để góp ý vào Dự thảo Luật.

Vấn đề thứ nhất, là về cán bộ công chức, viên chức hành nghề y tư nhân thì tôi cũng nhất trí như dự thảo Luật là cho phép công chức, viên chức y tế làm ngoài giờ, thành lập các cơ sở khám chữa bệnh tư nhân, chỉ cấm không được thành lập và quản lý điều hành bệnh viện tư nhân. Về vấn đề này, các đại biểu trước đã phân tích rất kỹ nên tôi không nói gì thêm.

Tuy nhiên, tôi cũng thấy rất băn khoăn về vấn đề này vì đây cũng là một vấn đề nhạy cảm và rất được xã hội quan tâm. Người hành nghề y là người trực tiếp khám chữa bệnh, là những người lao động có trình độ chuyên môn, kỹ thuật đặc thù liên quan trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng của con người. Làm việc nhiều nơi thì có thể không đảm bảo được hiệu quả việc làm, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của cán bộ, nhân viên y tế, vì quỹ thời gian làm việc rất có hạn, sau giờ làm việc phải đi làm việc thêm, vì vậy ảnh hưởng đến sức khỏe, đến công việc. Đồng thời xảy ra tình trạng làm việc ở bệnh viện nhà nước chỉ thoáng qua, chủ yếu làm thêm ngoài giờ để tăng thêm thu nhập và thêm việc kéo bệnh nhân về phòng khám tư nhân. Do đó trong dự thảo luật cần quy định chặt chẽ và cụ thể về việc khám, chữa bệnh ngoài giờ, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra cho các cơ sở khám chữa bệnh tư nhân để tất cả cán bộ y tế, cơ sở khám chữa bệnh này vừa đảm bảo giờ giấc và nâng cao được trách nhiệm y đức trong ngành nghề y của mình.

Thứ hai, vấn đề cấp chứng chỉ hành nghề cho cán bộ y tế, quy định thời hạn 5 năm cấp lại một lần, theo hướng nào theo tôi cũng không ổn, sẽ gây trở ngại, ách tắc không cần thiết. Nếu sau 5 năm việc cấp chứng chỉ hành nghề chỉ là hình thức xét cấp căn cứ vào các văn bản chứng nhận, không thi sát hạch, không kiểm tra, không đánh giá, người hành nghề y làm sao có thể chuẩn hóa việc người hành nghề y phải đảm bảo các điều kiện về chuyên môn, giữ gìn y đức và cập nhật kiến thức trong từng giai đoạn nhất định. Nếu như quy định 5 năm sẽ cấp lại thì trong điều kiện của chúng ta hiện nay về cơ quan quản lý nhà nước chưa thể đáp ứng được.

Trong thực tế thương hiệu của bác sĩ là do người bệnh quyết định, xã hội thừa nhận. Một bác sĩ có giỏi, có uy tín hay không thì được người bệnh tín nhiệm, tin tưởng và hoàn toàn phụ thuộc vào kết quả khám chữa bệnh với y đức của bác sĩ đó. Vì vậy, chúng ta không nên quá nặng về thủ tục giấy tờ để từ đó có những quy định không cần thiết, không phù hợp với thực tế và xu hướng cải cách hành chính hiện nay. Do đó tôi cũng tán thành với dự thảo Luật cấp chứng chỉ hành nghề một lần, đồng thời phải tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra của cơ quan quản lý Nhà nước.

Vấn đề thứ ba, về quy định cấp giấy phép hoạt động cho các cơ sở khám, chữa bệnh. Về vấn đề này, về đối tượng được cấp giấy phép hoạt động, tôi nhất trí cấp giấy phép hoạt động cho cả các cơ sở khám, chữa bệnh Nhà nước và tư nhân, vấn đề này các đại biểu phát biểu trước cũng đã phân tích rất kỹ tôi cũng không nói gì thêm.

Về việc định kỳ cấp lại giấy phép hoạt động, tôi tán đồng với ý kiến giải trình tiếp thu và cũng như các đại biểu phát biểu trước là chỉ cấp giấy phép một lần và đồng tình cao với Điều 48 của dự thảo luật quy định về việc thu hồi giấy phép hoạt động và đình chỉ một phần hoặc toàn bộ hoạt động chuyên môn của cơ sở khám, chữa bệnh mà có hành vi vi phạm pháp luật. Tôi xin hết ý kiến, cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan