Góp ý của đại biểu Quốc hội Bùi Thị Lệ Phi – TP Cần Thơ

Thứ Ba 10:24 03-11-2009


Kính thưa Quốc hội.

Tôi xin góp ý thẳng vào một số vấn đề theo gợi ý của Đoàn thư ký và một số vấn đề mà tôi quan tâm.

Thứ nhất, về quy định công chức, viên chức, y tế hành nghề khám chữa bệnh tư nhân tại Khoản 11, Điều 5. Mặc dù có nhiều ý kiến khác nhau về vấn đề này song tôi tán thành như dự thảo luật là chỉ cấm cán bộ y tế tham gia thành lập và quản lý điều hành bệnh viện tư nhân hoặc các cơ sở khám, chữa bệnh được thành lập và hoạt động theo Luật doanh nghiệp, Luật hợp tác xã. Bởi vì từ khi có Pháp lệnh hành nghề y dược tư nhân ra đời, cho phép cán bộ y tế được mở phòng bệnh tư nhân đến nay cả nước ta có hơn 30.000 phòng khám ra đời và trong đó có gần 2/3 phòng khám này là do các cán bộ y tế tại các cơ sở y tế công lập đăng ký mở thêm khám bệnh ngoài giờ, các phòng khám này đã giải quyết được một số lượng lớn bệnh nhân đến khám và điều trị các bệnh thông thường góp phần giảm tình trạng quá tải tại các bệnh viện công. Tuy nhiên trong quá trình hoạt động một số ít thày thuốc vì chạy theo lợi nhuận đồng tiền mà quên đi y đức, còn đại đa số cán bộ y tế đăng ký làm ngoài giờ họ vẫn chấp hành tốt những quy định của pháp luật. Theo tôi không vì một số ít người vi phạm mà ta cấm đoán, mà vấn đề ở đây chúng ta cần giáo dục thường xuyên cho người hành nghề và tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra giám sát đồng thời xử lý nghiêm minh những người vi phạm chứ không nên để tình trạng con sâu bỏ dầu nồi canh như đại biểu Sa Duyên đã nói, tôi e rằng khi cấm đoán không chỉ có hiện tượng chuyển cán bộ y tế từ công sang tư mà sẽ còn có hiện tượng hành nghề lén lút làm cho ngành y tế quản lý khó khăn và phát sinh nhiều hậu quả khó lường.

Vấn đề thứ hai, việc cấp giấy chứng nhận hành nghề khám chữa bệnh cho cán bộ y tế tại Điều 17 nên bổ sung thêm đối tượng hành nghề là y sỹ chuyên khoa bởi vì tôi thấy còn thiếu đối tượng này. Ngoài ra tôi tán thành việc cấp giấy chứng nhận hành nghề khám chữa bệnh một lần vì, trong xu thế cải cách hành chính hiện nay ta không nên quá nặng vấn đề thủ tục hành chính mà tập trung vào quản lý có chất lượng các hoạt động của người hành nghề và cập nhật kiến thức mới cho họ. Về thẩm quyền cấp giấy chứng nhận hành nghề và giá trị của giấy chứng nhận hành nghề, theo tôi cần mạnh dạn quy định phân cấp cho sở y tế tỉnh thành cấp giấy chứng chỉ hành nghề cho người hành nghề khám chữa bệnh, kể cả người hành nghề ở những cơ sở y tế do trung ương quản lý trên địa bàn của mình và chứng chỉ này có giá trị trên toàn quốc. Bộ Y tế chỉ cần ban hành các tiêu chuẩn, điều kiện, trình tự thủ tục để cấp mới và thu hồi chứng chỉ hành nghề theo quy định của pháp luật. Riêng đối với những lĩnh vực hành nghề đặc thù có tính chất phức tạp, có yếu tố người nước ngoài thì sẽ do Bộ Y tế cấp. Tuy nhiên trong vấn đề này sẽ phát sinh ra trường hợp cán bộ y tế muốn có chứng chỉ hành nghề để có thể ra nước ngoài làm chuyên gia hoặc đi hành nghề khi có sự thừa nhận chứng chỉ lẫn nhau của các nước. Thực tế thì số lượng này không nhiều, trong trường hợp này thì người hành nghề nộp hồ sơ lên Sở Y tế xác nhận và Sở Y tế chuyển về Bộ Y tế cấp giấy cho họ.

Thứ ba, việc cấp giấy phép hoạt động đối với các cơ sở khám chữa bệnh tại Điều 24 tôi thống nhất với dự thảo Luật là nên quy định cấp giấy phép hoạt động một lần cho các cơ sở khám chữa bệnh. Tuy nhiên, trong hồ sơ cấp giấy phép tại Điều 46 có 2 quy định mà Ban Soạn thảo cần xem lại là phải có bản sao hợp pháp chứng chỉ hành nghề của từng người tại cơ sở khám chữa bệnh và phải có danh mục kê khai trang thiết bị y tế. Trong vấn đề này tôi thấy rằng nếu như cơ sở khám chữa bệnh nhỏ hoặc trung bình có số giường bệnh ít, nhân lực ít, trang thiết bị ít thì việc này có khả năng thực hiện. Còn nếu như những cơ sở có quy mô giường bệnh lớn từ 500 giường trở lên, có hơn 500 nhân lực và nhiều trang thiết bị y tế thì việc phô tô bằng, chứng chỉ hành nghề hay kê khai hết các thiết bị thật là nhiêu khê.

Do vậy tôi đề nghị Chính phủ đối với những bệnh viện có những quy mô giường bệnh lớn thì chỉ photo chứng chỉ hành nghề từ cấp trưởng, phó khoa, phòng trở lên và chỉ kê khai những trang thiết bị có giá trị.

Vấn đề thứ tư, về xác định thời gian thực hành của người hành nghề tại Điều 24 để được cấp giấy chứng nhận hành nghề. Tôi chỉ đồng ý thời gian thực hành là 12 tháng đối với điều dưỡng viên, hộ sinh viên và kỹ thuật viên, 18 tháng đối với y sỹ đa khoa và chuyên khoa. Tôi không thống nhất với quy định 18 tháng đối với bác sỹ đa khoa và chuyên khoa, tôi đề nghị quy định thời gian thực hành đối với bác sỹ là 24 tháng. Bởi vì từ năm 1988 trở về trước sinh viên y khoa sau khi ra trường được phân công về các cơ sở y tế thực hành 2 năm. Sau thời gian thực hành 2 năm được thủ trưởng cơ quan đánh giá tốt về đạo đức và tay nghề thì mới được trở về trường đại học nhận bằng tốt nghiệp bác sỹ. Từ năm 1989 trở về sau sinh viên y ra trường được nhận bằng tốt nghiệp ngay, do vậy tôi đề nghị nên quy định thời gian thực hành đối với bác sỹ là 24 tháng, như vậy bác sỹ mới đảm bảo đủ năng lực chuyên môn và cũng tự tin khi giải quyết bệnh tật, nhằm tránh những trường hợp gây tai biến cho người bệnh.

Vấn đề thứ năm, về quyền của người bệnh, tôi thấy dự thảo luật có đến 6 điều và 14 khoản quy định về quyền của người bệnh, trong đó có những quyền đáng lẽ ra phải do người thầy thuốc quyết định. Tại Điều 10, Khoản 1 nói về quyền lựa chọn trong khám, chữa bệnh, tôi đồng ý với quy định người bệnh được cung cấp thông tin, giải thích tư vấn đầy đủ về tình trạng bệnh, kết quả rủi ro có thể xảy ra còn quyền quyết định phương pháp chẩn đoán và điều trị nên để cho người thầy thuốc quyết định. Vì khi bị bệnh người bệnh đã phó thác tính mạng của mình cho người thầy thuốc và người thầy thuốc phải có kiến thức sâu rộng để quyết định nhân mạng của người bệnh. Nếu để người bệnh có quyền quyết định phương pháp chẩn đoán và điều trị thì sẽ gây áp lực rất lớn cho người thầy thuốc khi thi hành nhiệm vụ. Xin cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan