Góp ý của đại biểu Quốc hội Võ Thị Dễ – Long An

Thứ Ba 10:13 03-11-2009


Kính thưa Quốc hội,

Tôi đồng tình với Báo cáo giải trình và tiếp thu, chỉnh lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tuy nhiên tôi xin có một số ý kiến bổ sung như sau:

Trước hết tôi xin có ý kiến về vấn đề đối với cán bộ viên chức hành nghề y tế tư nhân, tôi đồng tình với dự thảo luật đã ghi, chúng ta cũng biết không phải chỉ cán bộ viên chức hành nghề y mà ở ngành nghề khác như giáo dục hoặc một số ngành khác sau khi hoàn thành nhiệm vụ ở tại cơ quan có thể làm thêm được ngoài giờ. Đối với ngành y tế, cán bộ y tế làm ngoài giờ theo hợp đồng với các cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân hoặc thành lập các cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân, tôi cho là hoàn toàn chính đáng, vừa đáp ứng được nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân và cũng góp phần khắc phục việc thiếu cán bộ y tế hiện nay. Như chúng ta cũng đã biết trong báo cáo của cuối năm nay số lượng cán bộ y tế/vạn dân của chúng ta chỉ đạt 6,5. Muốn phân biệt được rạch ròi y tế công, tư thì cần phải mất một thời gian nữa.

Thứ hai, cũng góp phần tạo điều kiện để cải thiện đời sống cán bộ viên chức ngành y tế. Hiện tại bây giờ một số chế độ lương và phụ cấp cũng đang còn rất bấp cập. Tôi cũng đồng tình với dự thảo luật về việc phải phân biệt rạch ròi một số lĩnh vực giữa công và tư và phải làm sao Luật khám bệnh, chữa bệnh phù hợp với quy định của Luật phòng, chống tham nhũng và Luật cán bộ, công chức trong đó có ghi cấm cán bộ y tế tham gia thành lập và quản lý điều hành bệnh viện tư nhân hoặc các cơ sở khám, chữa bệnh được thành lập và hoạt động theo Luật doanh nghiệp và Luật hợp tác xã. Tuy nhiên, về lĩnh vực này tôi xin đề nghị với Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét thêm 2 việc:

Việc thứ nhất, tôi đề nghị cần quy định lộ trình thời gian có thể đến năm 2020 để có thời gian đào tạo đội ngũ thày thuốc đáp ứng được nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân được tốt hơn. Và đến năm 2020 tình hình kinh tế, xã hội của nước ta lúc đó phát triển, đặc biệt lúc này mô hình hoạt động của bác sỹ gia đình sẽ tương đối hoàn chỉnh, lúc đó việc chúng ta quy định rạch ròi giữa hoạt động của y tế Nhà nước và y tế tư nhân sẽ có đủ điều kiện hơn.

Việc thứ hai, tôi xin kính đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Ban soạn thảo là cũng cần thiết xem xét, thiết kế một điều quy định nội dung thể hiện sự ngăn ngừa sai phạm. Đó là việc cán bộ y tế Nhà nước không được đưa bệnh nhân về phòng khám tư nhân của mình.

Kính thưa Quốc hội!

Một số nơi cũng đã xảy ra vấn đề này và đôi lúc làm phiền lòng người bệnh và thân nhân. Theo tôi có thể thiết kế ý tưởng này thêm ở Khoản 7, Điều 37 ghi là không được kê đơn, chỉ định sử dụng các dịch vụ khám, chữa bệnh vì mục đích trục lợi và không được đưa bệnh nhân bằng các hình thức về phòng mạch tư nhân của mình.

Vấn đề thứ hai, tôi xin phát biểu là về vấn đề đào tạo bác sỹ gia đình. Như chúng ta cũng đã biết một số quốc gia thì hình thức hoạt động của bác sỹ gia đình là hết sức cần thiết, phổ biến và rất có hiệu quả trong việc quản lý chăm sóc sức khỏe tại nhà, tại cộng đồng, đây là đầu mối lọc bệnh kịp thời và giúp phát hiện sớm hướng dẫn bệnh nhân đi khám đúng tuyến, đúng chuyên khoa là mô hình đưa y tế gần dân, sát dân góp phần có ý nghĩa tích cực trong việc giảm tải các bệnh viện tuyến trên. Tuy nhiên, theo như chúng tôi được biết thì cả nước của chúng ta hiện tại chỉ có 300 bác sỹ gia đình được đào tạo. Trong dự thảo ở Điều 41cũng đã xác định bác sỹ gia đình là một hình thức tổ chức khám, chữa bệnh, tôi nghĩ đây là một vấn đề hết sức chiến lược, để phát huy có hiệu quả nhất hình thức này đề nghị tại Điều 83 thêm một khoản nói về khuyến khích đào tạo bác sỹ gia đình và giao cho Chính phủ qui hoạch đào tạo để sớm có được loại hình này phát huy trong 5 - 10 năm tới, góp phần công tác khám, chữa bệnh và giảm tải tại các bệnh viện.

Thứ ba, tôi xin có ý kiến về việc định kỳ cấp lại giấy phép hoạt động đối với các cơ sở khám, chữa bệnh. Tôi cho rằng việc quy định có thời hạn định kỳ cấp lại hay gia hạn giấy phép hoạt động cho các cơ sở khám, chữa bệnh là cần thiết. Bởi vì qua thời gian trang thiết bị cơ sở vật chất sẽ xuống cấp, sẽ không đảm bảo được chất lượng và nếu định kỳ xem xét cấp lại hay gia hạn được thực hiện đúng nghĩa sẽ góp phần mạnh mẽ thúc đẩy sự đầu tư một cách chủ động để nâng cấp sau một thời gian hoạt động tại các cơ sở khám, chữa bệnh, đồng thời cũng góp phần nâng cao trách nhiệm của cơ sở y tế trong việc tiếp tục giữ vững thương hiệu của mình và phục vụ tốt hơn cho người bệnh. Đặt ngược lại nếu chỉ định kỳ thanh kiểm tra hàng năm như hiện tại ngành y tế của chúng tôi cũng đang làm thì tôi cho rằng chưa đủ mạnh để có thể tạo một sự chuyển biến như mong muốn trong lĩnh vực này.

Nếu được chấp nhận quy định định kỳ cấp lại thì tôi nghĩ rằng trong luật không nên quy định cứng thời hạn cấp lại hay gia hạn là 5 năm. Mà nên giao cho Chính phủ quy định về thời gian và thủ tục, tất nhiên là thủ tục cấp lại sẽ gọn nhẹ hơn để thuận tiện cho tổ chức quản lý và điều hành. Chính phủ sẽ xây dựng tiêu chuẩn cụ thể và có phân cấp mạnh mẽ cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố để quy định này khả thi mang lại hiệu quả và hạn chế hình thức ngăn ngừa tiêu cực.

Thứ tư, theo tôi nghĩa vụ nên đi đôi với quyền của người hành nghề y trong dự thảo luật có nêu 5 điều thể hiện nghĩa vụ và 5 điều thể hiện quyền của cán bộ y tế. Tuy nhiên, kính thưa Quốc hội, theo tôi dự thảo luật của chúng ta sẽ trọn vẹn hơn và thỏa đáng hơn nếu Thường vụ Quốc hội và Ban soạn thảo thiết kế thêm một khoản nói về chế độ, chính sách của cán bộ y tế, thể hiện được quan điểm của Đảng đã trong Nghị quyết 46 của Bộ Chính trị.

Nghề y là một nghề đặc biệt cần phải có sự đãi ngộ đặc biệt, bởi lẽ quá trình đào tạo khá dài, công việc luôn căng thẳng vì trực tiếp tác động đến sức khỏe, sinh mạng của người bệnh và môi trường độc hại rất dễ lây nhiễm bệnh tật cho bản thân mình và cho gia đình. Tôi thiết nghĩ rất cần chính sách đãi ngộ phù hợp với sức lao động và sự cống hiến của người thầy thuốc.

Một số vấn đề khác tôi xin tham gia.

Thứ nhất, về tên luật tôi thống nhất với tên gọi là Luật khám bệnh, chữa bệnh vì thể hiện được bao quát rất nhiều vấn đề đáp ứng được nhu cầu của cử tri và nhân dân trong cả nước.

Thứ hai, về cấp chứng chỉ hành nghề, tôi thống nhất như dự thảo luật. Về thẩm quyền cấp chứng chỉ hàng nghề khám, chữa bệnh tôi xin thống nhất theo hướng quy định nguyên tắc và giao Chính phủ hướng dẫn cho phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội để cấp chứng chỉ hàng nghề cho cán bộ y tế toàn quốc.

Cuối cùng, tôi cho rằng Luật khám bệnh, chữa bệnh đủ điều kiện đề nghị cho thông qua tại kỳ họp này. Xin trân trọng cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan