Một số ý kiến của LS Vũ Hương Giang

Thứ Ba 14:19 16-12-2008

Trong thời gian qua với sự phát triển mạnh mẽ của các loại hình doanh nghiệp, đặc biệt là làn sóng các công ty cổ phần “chen chân” trên sàn chứng khoán bằng cách tăng vốn điều lệ đã tạo ra không ít những khó khăn trong công tác quản lý vốn tại các Công ty cổ phần và tiềm ẩn những rủi ro đối với chính các cổ đông của Công ty đó.

Việc tăng, giảm vốn điều lệ được thực hiện trong những trường hợp chia, tách, hợp nhất, sát nhập doanh nghiệp quy định tại 151, 152, 153 Luật Doanh nghiệp năm 2005 và để hạn chế tình trạng việc một số các công ty dùng quỹ đầu tư, quỹ phúc lợi phát hành cổ phiếu thưởng cho cán bộ chủ chốt, công nhân viên hoặc dành một phần cổ phiếu trong đợt phát hành ra công chúng bán cho người thân quen hoặc để làm công tác “đối ngoại” nên ngày 20/3/2003 Bộ Tài chính đã ban hành thông tư số 19/2003/TT-BTC về việc hướng dẫn tăng, giảm vốn điều lệ và quản lý cổ phiếu quỹ trong Công ty cổ phần. Tuy nhiên thông tư này chưa giải quyết triệt để các vấn đề của từng tình huống xảy ra trong thực tế dẫn đến trường hợp các doanh nghiệp bối rối khi áp dụng, cơ quan quản lý nhà nước không thống nhất khi thực hiện.

So với thông tư số 19/2003/TT-BTC ngày 20/3/2003 của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn tăng, giảm vốn điều lệ và quản lý cổ phiếu quỹ trong Công ty cổ phần thì Dự thảo Hướng dẫn lần này quy định cụ thể, đầy đủ và chi tiết hơn, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có thể áp dụng đúng tinh thần của điều luật trên cơ sở nền tảng của Thông tư 19.

Các trường hợp tăng, giảm vốn điều lệ được liệt kê một cách rõ ràng, các điều kiện để tăng, giảm vốn được xác định cụ thể tránh trường hợp các công ty tăng vốn ồ ạt làm ảnh hưởng đến quyền lợi của các cổ đông, cho phép Công ty cổ phần sử dụng nguồn thặng dư vốn và Quỹ đầu tư phát triển và quỹ dự trữ bổ sung để tăng vốn điều lệ. Việc tăng, giảm vốn điều lệ phải đảm bảo nguyên tắc công bằng giữa các cổ đông góp vốn, trên cơ sở quy mô của doanh nghiệp và phải đảm bảo tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn điều lệ được Đại hội đồng cổ đông thông qua,…

Còn việc mua bán cổ phiếu quỹ đã rõ nét từ dự thảo này, nó không đơn thuần là hoạt động kinh doanh của công ty cổ phần. Chính những xác định này sẽ tạo điều kiện cho hoạt động kiểm soát các cổ phiếu quỹ tại các công ty cổ phần được thực hiện một cách dễ dàng và thuận tiện hơn.

Về cơ bản chúng tôi đồng ý với các quy định của Dự thảo,

Tuy nhiên, theo chúng tôi nên xem xét các vấn đề sau:

- Đối với trường hợp (d) phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động để tăng vốn điều lệ yêu cầu người lao động phải cam kết làm việc lâu dài và không được chuyển nhượng số cổ phần được mua trong thời gian ít nhất là 03 năm. Đây có được hiểu là cổ phiếu phổ thông nhưng bị hạn chế chuyển nhượng hay không trong khi Khoản 5 Điều 84 Luật Doanh nghiệp quy định Sau thời hạn ba năm, kể từ ngày công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, các hạn chế đối với cổ phần phổ thông của cổ đông sáng lập đều được bãi bỏ? Nên chăng Dự thảo chỉ quy định Hội đồng quản trị công khai các tiêu chuẩn và danh sách người lao động được tham gia chương trình, nguyên tắc xác định giá bán,… và quy định các điều kiện hạn chế chuyển nhượng.

- Cần làm rõ mục 5 phần IV về việc báo cáo tăng, giảm vốn điều lệ cho Ủy ban chứng khoán nhà nước và công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng tối thiểu 10 ngày trước khi thực hiện việc phát hành là để báo cáo hay là để xin phép và công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng được hiểu là bao nhiêu phương tiện thông tin đại chúng? Nếu chỉ báo cáo thì Công ty không cần đợi sự đồng ý của Ủy ban chứng khoán mới phát hành?

Từ thực tế hỗ trợ doanh nghiệp và áp dụng thông tư 19, chúng tôi xin được đưa ra một số ý kiến cá nhân liên quan đến dự thảo Thông tư Hướng dẫn Điều chỉnh tăng, giảm vốn điều lệ và quản lý cổ phiếu quỹ trong Công ty Cổ phần.

Các văn bản liên quan