Quy định gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc tăng vốn điều lệ

Thứ Ba 14:22 16-12-2008

 

          Trong xu hướng hội nhập kinh tế quốc hiện nay, khi mà loại hình công ty cổ phần là một hình thức thu hút nguồn vốn đầu tư rất lớn từ các tổ chức và cá nhân trong và ngoài nước mang lại hiệu quả cao cho nền kinh tế. Trong quá trình hoạt động kinh doanh, việc linh động tạo quyền tự chủ cho doanh nghiệp trong việc tăng giảm vốn điều lệ, việc mua lại cổ phiếu quỹ của công ty mang lại những hiệu quả thiết thực cho công ty  trong hoạt động kinh doanh của mình  đảm bảo quyền và lợi ích tôi đa cho nhà đầu tư. Bên cạnh, những lợi ích thiết thực đó, cũng không ít các công ty dựa vào đó để tăng hoặc giảm vốn một cách tuỳ tiện gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của cổ đông đặc biệt là cổ đông thiểu số, gây phương hại đến lợi ích của các chủ nợ, gây khó khăn cho việc quản lý của các cơ quan nhà nước, tạo ra tính không minh bạch trong hoạt động kinh doanh. Vì vậy, việc cần có một văn bản pháp luật để điều chỉnh hoạt động này là thật sự cần thiết và cấp bách. 
            
Năm 2003 đã có một văn bản pháp luật quy định về vấn đề này, đó là thông tư số 19/2003/TT-BTC ngày 20 tháng 03 năm 2003 hướng dẫn tăng, giảm vốn điều lệ và quản lý cổ phiếu Quỹ trong công ty cổ phần. Văn bản pháp này đã tạo ra cơ sở pháp lý cho hoạt động tăng giảm vốn điều lệ và quản lý cổ phiếu quỹ trong công ty cổ phần. Tuy nhiên, sau khi Luật Doanh nghiệp năm 2005 được ban hành và có hiệu lực, cũng như Việt Nam đã chính thức trở thành thành viên của tổ chức thương mại thế giới (WTO) thì văn bản này đã bộc lộ những khiếm khuyết đòi hỏi phải thay đổi để phù hợp với tình hình mới. Vì vậy, chúng tôi cho rằng việc Bộ Tài chính ban hành một thông tư mới để thay thế Thông tư 19/2003/TT-BTC là một chủ trương đúng đắn và thật sự cần thiết. 

          So với Thông tư số 19/2003/TT-BTC thì dự thảo thông tư được đưa ra góp ý lần này là khá đầy đủ và chi tiết. Những quy định của Dự thảo Thông tư đã kế thừa và phù hợp những quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2005, Luật chứng khoán 2006, Nghị định 14/2007/NĐ_CP ngày 19 tháng 01 năm 2007 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán. Chúng tôi cho rằng đây là một sự thành công rất lớn từ phía ban soạn thảo cần được ghi nhận. Vì vậy, về cơ bản chúng tôi rất đồng tình và ủng hộ việc ban hành thông tư này. Tuy nhiên, để góp thêm một số ý kiến của mình nhằm góp phần cho sự hoàn thiện văn bản pháp luật này hơn nữa, chúng tôi xin có một số ý kiến sau đây:

          I. Những yêu cầu đối với Thông tư:

          Thứ nhất, Thông tư do Bộ tài chính ban hành để hướng dẫn thi hành Luật Doanh nghiệp năm 2005, Luật chứng khoán 2006 nhất thiết phải phù hợp và không được với Luật Doanh nghiệp năm 2005 và Luật Chứng khoán 2006 cũng như các văn bản có liên quan.

          Thứ hai, chúng tôi cho rằng quy định việc tăng giảm vốn điều lệ và quản lý cổ phiếu quỹ của công ty cổ phần nhằm tạo điều kiện cho công ty linh động trong hoạt động sản xuất kinh doanh của mình nhưng phải đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của công ty, của cổ đông trong công ty, chủ nợ, người lao động trong trong ty.

          Thứ ba, Quy định việc tăng giảm vốn điều lệ của công ty phải bảo tính minh bạch trong hoạt động kinh doanh, tạo diều kiện thuận lợi cho cơ quan quản lý nhà nước, nhưng đảm bảo thủ tục đơn giản cho công ty, đảm bảo tính công bằng bình đẳng cho các cổ đông.

Từ những yêu cầu trên, chúng tôi xin có một vài ý kiến trong dự thảo thông tư như sau:

II. Một số ý kiến cụ thể:

1. Tại mục 2: Điều kiện để công ty cổ phần phát hành cổ phiếu mới thực hiện dự án đầu tư, mở rộng quy mô, ngành nghề kinh doanh, thực hiện lại cơ cấu tài chính.

Trong phần 2.1 điều kiện chung: Chúng tôi cho rằng việc quy định điều kiện này là không phù hợp với Luật Doanh nghiệp cũng như gây khó khăn cho các doanh nghiệp trong việc tăng vốn điều lệ.

Tại mục a,

- Chúng tôi cho rằng việc quy định để được “ tăng vốn thì hoạt động kinh doanh đang có hiệu quả”( năm liền trước thời điểm kinh doanh tăng vốn phải có lãi), chúng tôi cho rằng việc quy định này gây khó khăn cho doanh nghiệp, vì trong hoạt động kinh doanh lãi lỗ là việc bình thường, đồng thời cũng có thể doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ, nhưng cần mở rộng quy mô, sản xuất hay đầu tư sang lĩnh vực khác nếu không cho tăng vốn sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp.

          - Có dự án đầu tư có ý kiến chấp thuận của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền? Quy định này không phù hợp trên thực tế tạo ra một thủ tục phiền phức cho các doanh nghiệp.

          -  Riêng các công ty cổ phần có phần vốn góp của Nhà nước thì phải có ý kiến bằng văn bản của cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Quy định này là không phù hợp và trái với Luật Doanh nghiệp  2005 vì cổ đông nhà nước trong doanh nghiệp có quyền và nghĩa vụ giống như những cổ đông khác, đồng thời sau 01/07/2010 Luật Doanh nghiệp nhà nước (2003) sẽ chấm dứt hiệu lực và mọi cổ đông điều có quyền và nghĩa vụ như nhau trong công ty cổ phần.

          Chúng tôi cho rằng cần bỏ mục c trong 2.1 vì quy định “ việc huy động vốn theo phương án tăng vốn điều lệ phải phù hợp với tiến độ triển khai dự án”. Chúng tôi cho rằng quy định này không khả thi và gây cản trở cho các doanh nghiệp trong việc tăng vốn.

2. Tại mục 2.2 điểm d: “ Chương trình lựa chọn và kế hoạch phát hành phải được ít nhất 75% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết của cổ đông dự họp chấp thuận không bao gồm cổ phiếu của các cổ đông được hưởng lợi từ chương trình này”.

          Chúng tôi cho rằng quy định này trái với Luật Doanh nghiệp 2005 và Nghị quyết 71/2006/ NQ-QH Phê chuẩn Nghị Định thư gia nhập Hiệp Định Thành lập tổ chức thương mại thế giới về quyền biểu quyết và tỷ lệ tham gia biểu quyết. Chúng tôi cho rằng nên quy định: “ Việc biểu quyết thông qua vấn đề này theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2005 và các văn bản có liên quan”.

          - Thông tư cần đưa ra các trường hợp khi người lao động mua cổ phiếu ưu đãi bị tai nạn lao động, bị chết, bị chấm dứt hợp đồng lao động mà lý do chấm dứt hợp đồng lao động do doanh nghiệp cơ cấu lại sản xuất thì giá yêu cầu Doanh nghiệp mua lại là giá nào? Theo tôi nên quy định người lao động hoặc người thừa kê họ sẽ được tự do chuyển nhượng cổ phần hoặc có quyền yêu cầu công ty mua lại theo giá thị trường vì đây là trường hợp bất khả kháng nhằm bảo vệ lợi ích cho người lao động.

          Tương tự tỷ lệ biểu quyết tại điểm g, 2.2 nên quy định là tỷ lệ biểu quyết theo quy định Luật Doanh nghiệp, các văn bản có liên quan, điều lệ công ty.

III. Giảm vốn điều lệ

          2. Điều kiện giảm vốn điều lệ: nên quy định thêm:

 - Việc giảm vốn điều lệ phải đảm bảo thanh toán các khoản nợ và nghĩa vụ tài chính cho các chủ nợ, người lao động.

- Việc giảm vốn điều lệ gây thiệt hại cho các tổ chức cá nhân thì Hội đồng quản trị, các cá nhân có liên quan liên đới chịu trách nhiệm.

Trên đây là một số quan điểm cá nhân của tôi, rất mong nhận được sự trao đổi và phản hồi từ phía cơ quan soạn thảo.

Trân trọng.

Các văn bản liên quan