Nhiều quy định không hợp lý

Thứ Ba 14:11 16-12-2008

GÓP Ý DỰ THẢO THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN ĐIỀU CHỈNH TĂNG, GIẢM VỐN ĐIỀU LỆ

VÀ QUẢN LÝ CỔ PHIẾU QUỸ CỦA CÔNG TY CỔ PHẦN

 

                                                                            Trần Kim Long – Trưởng Phòng Luật
                                                                            Công ty Cổ phần Chứng khoán Sài gòn

 

1.      Mục 2.2 phần I: Luật Doanh nghiệp, Luật Chứng khoán chưa có định nghĩa về “Ban quản lý”, đề nghị Thông tư quy định rõ.

2.      Mục 2.1.a phần II quy định công ty cổ phần chỉ được phát hành cổ phiếu mới để tăng vốn điều lệ khi hoạt động sản xuất kinh doanh đang có hiệu quả là không khả thi, như vậy các công ty đang làm ăn thua lỗ, muốn phát hành thêm cổ phiếu để có vốn kinh doanh không thực hiện được, ví dụ như BBT, mà đây là nhu cầu có thực của doanh nghiệp. Ngoài ra, trường hợp chuyển đổi trái phiếu chuyển đổi thành cổ phiếu theo phương án phát hành trái phiếu chuyển đổi thì có cần phải tuân thủ điều kiện tăng vốn này không?

3.      Mục 2.1.a phần II làm rõ “ý kiến chấp thuận của cơ quan quản lý Nhà nước” đối với môi trường, đất đai là gì để tránh phải có thêm văn bản hướng dẫn thông tư, là chấp thuận địa điểm, thỏa thuận quy hoạch, quyết định giao đất, sổ đỏ,…?

4.      Mục 2.1.a phần II gạch đầu dòng thứ hai đề nghị bổ sung giải thích quy định về có dự án đầu tư chỉ bắt buộc đối với trường hợp tăng vốn để đầu tư vào dự án, nếu tăng vốn để cơ cấu lại tài chính sẽ không có dự án.

5.      Mục 2.1.a phần II, gạch đầu dòng thứ ba quy định “phải có ý kiến bằng văn bản của cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp” là không ổn vì (1) giả sử cơ quan này không có ý kiến thì phương án không thể thông qua được, (2) Nhà nước cũng là cổ đông, có thể biểu quyết không có ý kiến, hoặc không biểu quyết, trong khi lại quy định công ty cổ phần bắt buộc phải chờ ý kiến của họ là không bình đẳng giữa các cổ đông.

6.      Mục 2.2.c phần II đề nghị bổ sung thêm trường hợp tăng vốn từ nguồn “lợi nhuận tích lũy.”

7.      Mục 2.2.d phần II quy định tỷ lệ thông qua phương án phát hành cổ phiếu  theo chương trình lựa chọn cho người lao động cứng là ít nhất 75% là không phù hợp với quy định của Luật Doanh nghiệp vì LDN cho phép công ty cp tự quy định tỷ lệ trong Điều lệ, hơn nữa, những đối tượng được hưởng lợi đã bị loại trừ quyền biểu quyết rồi.

8.      Mục 2.2.d phần II, gạch đầu dòng thứ hai quy định có ý kiến tham gia của tổ chức công đoàn là không hợp lý, các công ty chưa, hoặc tổ chức công đoàn tạm thời chưa ổn định thì không thể thực hiện được việc phát hành.

9.      Mục 2.2.d quy định giá mức giảm giá tối đa là không hợp lý, nên để công ty tự quyết định.

10.  Mục 2.2.d phần II quy định người lao động mua cổ phần theo chương trình lựa chọn phải cam kết nắm giữ ít nhất 3 năm và phải bán lại cho cty với giá bằng giá đã mua là không hợp lý vì (1) thời gian cam kết nắm giữ quá dài, vả lại, cũng nên để công ty và người lao động tự thỏa thuận thời gian thích hợp và (2) giả sử giá cổ phiếu xuống thấp hơn nhiều so với giá mua mà người lao động đồng loạt bắt cty mua lại với giá đã mua thì lại gây thiệt hại cho công ty. Thực tế hiện nay có nhiều trường hợp giá mua ưu đãi của người lao động vẫn cao hơn nhiều giá thị trường. Ngoài ra, phần này cũng chưa dự phòng trường hợp trong thời gian nắm giữ cổ phiếu, người lao động đã được hưởng cổ tức, các quyền mua,… nên giá mua ban đầu và giá bán lại cho công ty không thể bằng nhau.

11.  Mục 2.2.e phần II quy định đây là cổ phiếu dùng để “thưởng” cho Ban quản lý và người lao động lại có quy định giá bán là không hợp lý.

12.  Mục 2.2.e phần II, gạch đầu dòng cuối cùng đề nghị bỏ vì (1) đây là vấn đề nội bộ giữa người đại diện phần vốn nhà nước và chủ sở hữu và (2) quy định không rõ, nếu không có sự chấp thuận thì công ty có được phép phát hành không?

13.  Mục 2.2.g đề nghị bổ sung thủ tục phát hành riêng lẻ, hiện còn chưa rõ. Việc quy định cứng tỷ lệ tối thiểu 75% thông qua cũng không hợp lý, giá bán có thể thấp hơn giá bán cho cổ đông hiện hữu nếu được ĐHĐCĐ thông qua. Các cam kết của đối tác chiến lược nên để công ty tự quy định, thỏa thuận với đối tác, thông tư không nên can thiệp sâu vào vấn đề nội bộ của doanh nghiệp.

14.  Mục 1 phần III bổ sung trường hợp giảm vốn điều lệ do công ty cổ phần không bán hết số cổ phần được phép chào bán sau 3 năm theo quy định của khoản 3 Điều 15 Nghị định 139/2007/NĐ-CP về đăng ký kinh doanh.

15.  Mục 2.2 phần III, nên bỏ quy định này vì (1) không bình đẳng giữa các cổ đông và (2) cổ đông nhà nước đã biểu quyết thông qua ý kiến của người đại diện, nếu phải có thêm văn bản chấp thuận là thêm thủ tục.

16.  Mục 4 phần IV quy định sau khi tăng vốn công ty mới đăng ký điều chỉnh đăng ký kinh doanh là không phù hợp với quy định của Điều 26 Luật Doanh nghiệp, Điều 31 Nghị định số 88/2006/NĐ-CP về đăng ký kinh doanh, theo đó, doanh nghiệp phải nộp hồ sơ đăng ký thay đổi trong vòng  7 ngày làm việc, kể từ ngày có QĐ thay đổi. Như vậy, nếu thực hiện tăng vốn xong mới đăng ký thì sẽ vi phạm NĐ 88 về thời hạn đăng ký thay đổi vì việc tăng vốn thường kéo dài vài tháng.

17.  Mục 6 phần V đoạn cuối cùng quy định trường hợp công ty cổ phần mua lại cổ phiếu quỹ để bình ổn thị trường theo kế hoạch đã được UBCKNN chấp thuận chưa rõ ràng là không phải báo cáo UBCKNN và không phải công bố thông tin trước khi mua hay chỉ không phải báo cáo. Hơn nữa, thủ tục mua cổ phiếu quỹ đều phải được HĐQT hoặc ĐHĐCĐ thông qua và phải công bố thông tin theo quy định về công bố thông tin đối với công ty đại chúng.

18.  Mục 7.1.b quy định việc mua, bán cổ phiếu quỹ “không gây ảnh hưởng lớn đến giá cả giao dịch” là không rõ ràng vì (1) không có căn cứ xác định thế nào là ảnh hưởng lớn và (2) vì công ty chưa niêm yết nên giá cả giao dịch cũng khó xác định. Hơn nữa, đây là trách nhiệm của công ty có cổ phiếu được mua lại hay trách nhiệm của công ty chứng khoán làm môi giới?

19.  Đề nghị Thông tư bổ sung hướng dẫn trong trường hợp các công ty cổ phần chứng khoán đang niêm yết buộc phải mua/bán cổ phiếu của chính mình để sửa lỗi giao dịch chứng khoán. Việc mua/bán cổ phiếu này nằm ngoài sự kiểm soát của công ty nên sẽ không đầy đủ thủ tục mua cổ phiếu quỹ (Nghị quyết, công bố thông tin trước khi mua). Tuy nhiên, cổ phiếu đã mua vào thì vẫn phải quản lý như cổ phiếu quỹ.

20.  Đề nghị Thông tư bổ sung hướng dẫn sau khi hết 90 ngày kể từ ngày bắt đầu thực hiện giao dịch mua/bán cổ phiếu quỹ mà công ty chưa mua/bán đủ như kế hoạch và muốn thực hiện tiếp thì có thể tiếp tục thực hiện hay phải làm lại thủ tục mua/bán cổ phiếu quỹ từ đầu?

Các văn bản liên quan