Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên kết luận Hội nghị

Thứ Ba 16:47 25-05-2010

Kính thưa Quốc hội.

Kết thúc phần thảo luận có 21 đại biểu Quốc hội đã phát biểu ý kiến, chúng tôi sẽ chỉ đạo các cơ quan hữu quan nghiên cứu để tiếp thu những ý kiến xác đáng của các vị đại biểu Quốc hội để hoàn chỉnh dự án luật này. Tôi xin có một số ý kiến kết thúc về thảo luận dự án luật này như sau:

Vấn đề khó nhất của luật này là quy định cụ thể đến đâu và trong các quy định thì có quy định mang tính pháp lý và có quy định mang tính kêu gọi, động viên, nhưng kêu gọi, động viên lại rất cần thiết. Chính vì vậy nhìn chung xét về tổng thể các đại biểu Quốc hội đồng tình với các nội dung đã nêu ra trong dự án luật này. Tôi xin nêu một số điểm cụ thể để định hướng cho việc tiếp tục nghiên cứu tiếp thu, hoàn chỉnh dự án luật này.

Một là xét tổng thể chỉ điều chỉnh ở khâu sử dụng năng lượng có một số vấn đề liên quan cần phải quy định ở luật này cũng chỉ quy định có tính nguyên tắc để có cơ sở pháp lý để Chính phủ quy định hướng dẫn, còn ở khâu đầu đã được thể hiện ở các luật khác như Luật khoáng sản, Luật Bảo vệ tài nguyên nước, Luật bảo vệ phát triển rừng, Luật dầu khí, v.v...

Thứ hai, quy định về chính sách và nguyên tắc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả được đặt ở chương quy định chung cho nên cũng chỉ quy định mang tính chung nhất còn cụ thể sẽ được thể hiện ở các chương sau, thậm chí còn phải được cụ thể bằng các văn bản mang tính pháp quy của các cơ quan có thẩm quyền. Riêng về chương trình mục tiêu quốc gia chúng tôi sẽ cân nhắc thêm về vấn đề này, hoặc là chương trình mục tiêu quốc gia hoặc là một chương trình mang tính dài hạn hoặc trung hạn có lộ trình để phù hợp với từng thời kỳ của đất nước.

Còn vấn đề năng lượng đang là vấn đề mang tính toàn cầu chứ không phải ở nước ta, vì tài nguyên khoáng sản không tái tạo được càng ngày càng cạn kiệt mà đi vào những tài nguyên khoáng sản có thể tái tạo được thì rất đắt. Cho nên đây là vấn đề lớn của nhiều quốc gia chứ không phải riêng nước mìnhh. Đặt vấn đề như thế nào cho có tầm đúng vị trí của nó thì cân nhắc thêm, còn quy định ở đây chỉ là quy định mang tính đầu việc của chính sách để nay mai Chính phủ quy định cụ thể, bỏ hẳn một chương quy định về chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả.

Thứ ba, về quan hệ giữa Chương VIII là cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm với các chương khác, trong này không có vấn đề gì mâu thuẫn. Trong trọng điểm chỉ có trọng điểm hơn của trọng điểm đó, ví dụ Hà Nội là thủ đô của cả nước, phải đi đầu, gương mẫu và xây dựng cho được một thủ đô xanh, sạch đẹp, văn minh hiện đại, trật tự. Trong Hà Nội khu Ba Đình và khu Hoàn Kiếm phải gương mẫu hơn so với các khu vực khác của Hà Nội. Cho nên trọng điểm của trọng điểm cũng phải nhấn mạnh để có tập trung chỉ đạo tốt hơn.

Vấn đề thứ tư, xoay quanh vấn đề năng lượng tái tạo, căn cứ vào ý kiến của Chính phủ thấy đây là vấn đề lớn, hướng sẽ có nghiên cứu sâu hơn, hình thành luật riêng, cho nên bỏ chương về năng lượng tái tạo và ghép vào một ý trong nguyên tắc hoặc trong chính sách sử dụng năng lượng tiết kiệm có hiệu quả.

Điểm thứ năm, các đại biểu rất lưu ý về các quy định chặt chẽ hơn đối với các đơn vị, các cơ quan sử dụng năng lượng bằng kinh phí của Nhà nước.

Vấn đề thứ sáu, các đại biểu ủng hộ việc quy định ghi nhãn của thiết bị máy móc và sử dụng năng lượng. Lưu ý việc ghi này lồng ghép nhãn chung của hàng hóa, tránh nhiều loại nhãn, nhiều loại giấy dán trên một sản phầm hàng hóa. Việc này đã và đang làm trong thực tế một số nhóm sản phẩm, nhãn này sẽ do nhà sản xuất, nhà cung cấp trực tiếp ghi chứ không phải do cơ quan Nhà nước ghi, cơ quan Nhà nước chỉ có hướng dẫn và kiểm tra.

Về hướng tới thực hiện những yêu cầu quản lý hiện đại, với đặc thù của nước ta cũng phải có lộ trình.

Vấn đề thứ tám, xoay quanh vấn đề quản lý Nhà nước, đối với nội dung quản lý Nhà nước trên các ngành, các lĩnh vực cơ bản giống nhau, gần đây các luật không nói đến nội dung quản lý Nhà nước, tiếp cận trực tiếp vào quy định trách nhiệm của các Bộ, ngành nhưng cũng chỉ đề cập đến một số bộ, ngành có liên quan nhiều đến lĩnh vực này thôi và không thể quy định hết được. Còn việc quy định của các bộ khác và của chính quyền địa phương được phân công, phân cấp như thế nào sẽ được thể hiện ở trong văn bản của Chính phủ.

Xoay quanh vấn đề về tiêu chuẩn, quy chuẩn thì chúng ta đã có luật về quy chuẩn, tiêu chuẩn. Chúng tôi sẽ rà soát để đảm bảo quy định của luật này không mâu thuẫn với luật về tiêu chuẩn, quy chuẩn.

Thứ chín, về kiểm toán năng lượng. Kiểm toán năng lượng là một thuật ngữ chuyên ngành trong lĩnh vực năng lượng. Nó có nội hàm chuyên môn khác hẳn với kiểm toán Nhà nước. Đương nhiên chúng tôi cũng rà lại làm sao cho nó rõ để dùng quen thuật ngữ này. Về thời gian kiểm toán bắt buộc thì cũng sẽ cân nhắc thời gian 3 năm, 5 năm hay là 4 năm cho phù hợp với thực tế của chúng ta.

Mười, về thưởng với phạt cũng chỉ quy định có tính nguyên tắc để làm căn cứ cho quy định của văn bản khác.

Mười một, về tính cụ thể thì Chính phủ và các cơ quan hữu quan cũng đã có cố gắng để chuẩn bị hai dự thảo nghị định gửi đến các đại biểu Quốc hội. Chúng tôi sẽ nghiên cứu xem có những nội dung nào có thể đưa thêm vào trong dự án luật thì sẽ đưa thêm vào. Còn lại vẫn tiếp tục nghiên cứu hoàn chỉnh để cụ thể hóa đến mức tối đa, đảm bảo cho luật này khi có hiệu lực thì sẽ phát huy ngay trong thực tiễn cuộc sống.

Mười hai, chúng tô sẽ lưu ý đến việc quy định những chế tài trong luật này cũng như trong nghị định của Chính phủ làm sao cho phù hợp.

Mười ba, về khái niệm từ ngữ và mặt kỹ thuật chúng tôi cũng sẽ có rà lại, đảm bảo cho chính xác hơn. Tuy nhiên, đối với khái niệm thú thật một khái niệm mà nói cho đến rõ ràng cùng kiệt thì cũng khó. Chúng ta cũng không quá nặng nề duy danh định nghĩa, quy định ở đây cũng chỉ là tương đối thôi, chúng tôi sẽ rà lại cho phù hợp hơn.

Mười bốn, về tên luật liên quan đến cụm từ tiết kiệm thì còn có từ hiệu quả hay không, dùng hiệu quả hay dùng tiết kiệm. Như trên chúng ta nói hai từ này cũng có những nội hàm chồng lấn nhau, nhưng đi sâu vào trong đó cũng có những sự khác biệt nhất định. Suy cho cùng nó cũng đan xen với nhau mà Quốc hội đã thông qua tên dự án Luật này như thế, tôi thấy cũng có thể chấp nhận được và đa số các vị đại biểu cũng ủng hộ theo phương án này.

Mười lăm, có đại biểu nói nghiên cứu xem có đưa ra một ngày nào đó mà là ngày để sử dụng năng lượng tiết kiệm có hiệu quả hay không với vị trí, tầm quan trọng của nó thì chúng tôi cũng sẽ nghiên cứu về vấn đề này.

Đây là 15 vấn đề mong rằng Quốc hội sẽ thông qua luật này một cách trọn vẹn. Xin cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan