Góp ý của Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Phúc – Bình Thuận

Thứ Ba 16:39 25-05-2010

Kính thưa Đoàn Chủ tịch.

Kính thưa Quốc hội.

Tôi xin có một số ý kiến về dự án Luật này như sau:

Thứ nhất, tôi rất tán thành quan điểm của giáo sư Thuyết, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn, khi chúng ta làm luật thì chúng ta phải giải quyết được một cách chính xác, các khái niệm, các phạm trù. Đây không chỉ là những vấn đề kỹ thuật, câu chữ mà đằng sau những khái niệm, phạm trù đấy là các chủ trương, chính sách và giải pháp rất quan trọng. Với tinh thần đó tôi xin đề cập đến một số khái niệm, phạm trù rất quan trọng trong dự án Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả:

Thứ nhất, phải làm rõ khái niệm "tiết kiệm" và khái niệm "hiệu quả", hai khái niệm này xét về khía cạnh quản lý kinh tế cũng như kỹ thuật có những nội hàm khác nhau mặc dù có liên quan đến nhau. Chúng tôi đề nghị tại phiên họp này, Ban soạn thảo nên có giải trình rõ hơn hai khái niệm "tiết kiệm" và "hiệu quả". Trong định nghĩa và trong nhiều điều khoản của luật này, cụm từ "tiết kiệm và hiệu quả" luôn luôn đi với nhau nhưng chúng tôi nghĩ có những yếu tố khác nhau trong cụm từ này. Khi chúng ta đinh nghĩa sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là việc giảm tổn thất, giảm mức tiêu thụ năng lượng mà vẫn bảo đảm hiệu quả hoạt động của phương tiện v.v... không biết có hoàn toàn chính xác hay không, nhất là trong lĩnh vực tiết kiệm năng lượng? Khái niệm này mới đề cấp đến khái niệm tiết kiệm, còn khái niệm hiệu quả có lẽ có những nội hàm khác. Nếu chúng ta phân biệt được rõ ràng hàng loạt các điều khoản sau này, nhất là các giải pháp, các chính sách đối với việc sử dụng năng lượng tiết kiệm khác với việc sử dụng năng lượng có hiệu quả. Chúng tôi đề nghị làm rõ hai khái niệm này

Đi cùng với khái niệm, chúng ta có định nghĩa năng lượng là nhiên liệu, là điện năng và nhiệt năng thì chúng tôi không rõ năng lượng có phải là nhiên liệu không? hay nhiên liệu là nguồn để tạo ra năng lượng. Bởi vì ở khái niệm tiếp theo chúng ta có nhiên liệu là các dạng vật chất được sử dụng trực tiếp hoặc qua chế biến từ tài nguyên năng lượng không tái tạo và tái tạo để làm chất đốt, tức là để tạo ra nhiệt năng. Rõ ràng khái niệm năng lượng là nhiên liệu theo tôi không chính xác vì năng lượng có điện năng, nhiệt năng v.v... chứ không phải là nhiên liệu. Tôi lấy ví dụ như vậy để thấy rằng các khái niệm này phải chính xác để sau này chúng ta xử lý hàng loạt các vấn đề trong các điều khoản sau.

Ở đây chúng ta cũng có khái niệm về kiểm toán năng lượng là hoạt động đo lường, phân tích, tính toán v.v...

Ở đây chúng ta cũng phải làm rõ một khái niệm có liên quan trong luật mà Quốc hội đã ban hành đó là Luật kiểm toán Nhà nước. Chúng ta có kiểm toán Nhà nước là kiểm toán việc sử dụng, kiểm tra tài chính việc sử dụng tiền và tài sản của Nhà nước dưới các chức năng kiểm toán tuân thủ, kiểm toán báo cáo tài chính và kiểm toán hoạt động. Trong kiểm toán hoạt động có kiểm toán tính kinh tế và tính hiệu quả của việc sử dụng tiền và tài sản Nhà nước trong đó có năng lượng. Vậy kiểm toán năng lượng này có nằm trong phạm trù kiểm toán Nhà nước, tức là kiểm toán hoạt động của Kiểm toán Nhà nước hay không. Chúng ta phải làm như vậy để tới đây giao kiểm toán năng lượng cho cơ quan nào, ở trong luật này chưa nói cụ thể nhưng trong dự thảo Nghị định thì quy định cơ quan sử dụng năng lượng 3 năm một lần phải tổ chức kiểm toán. Ở đây chúng tôi hiểu đấy là mang tính chất kiểm toán nội bộ bởi vì trong luật kiểm toán Nhà nước có quy định các cơ quan sử dụng tiền và tài sản Nhà nước cũng phải tổ chức kiểm toán nội bộ, còn kiểm toán Nhà nước là kiểm toán từ bên ngoài. Vậy kiểm toán năng lượng này chúng ta cũng phải đề cập trong mối quan hệ với Luật kiểm toán Nhà nước như thế nào, chỗ này phải được làm rõ.

Một vấn đề nữa là khái niệm liên quan đến chương trình mục tiêu quốc gia. Ở đây trong Điều 5 nói về chính sách của Nhà nước về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cũng đưa ra một khái niệm nó nửa khái niệm, nửa mang tính quy định. Đấy là: sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là chương trình mục tiêu quốc gia dài hạn được thực hiện theo lộ trình phù hợp với từng thời kỳ phát triển kinh tế - xã hội. Trước hết, phải khẳng định đây có phải là một khái niệm không? Thứ hai, chúng ta có nên đưa chương trình mục tiêu quốc gia vào trong luật này với tư cách là một chương trình dài hạn, còn trong các định nghĩa, các khái niệm cũng như trên thực tế các quy định của văn bản pháp luật về chương trình mục tiêu quốc gia thì đấy là chương trình mang tính chất ngắn hạn. Tức là ta phải dành các nguồn lực, những nỗ lực để tập trung giải quyết một số mục tiêu nào đó trong một thời hạn nhất định. Sau khi giải quyết xong các mục tiêu đấy thì việc quản lý và việc điều chỉnh những hoạt động đó có liên quan đến chương trình mục tiêu đó thì căn cứ theo luật và theo những hoạt động quản lý một cách thường xuyên. Không nên đưa chương trình mục tiêu quốc gia mang tính chất ngắn hạn. Ở đây dài hạn theo quan niệm của Ban soạn thảo thì chúng tôi quan niệm đây là ngắn hạn so với thời hạn rất dài của một đạo luật. Cho nên chúng tôi đề nghị cân nhắc, nhất là ở trong này có rất nhiều điều, khoản nói về chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Bởi vì hiện nay chúng ta chỉ có 12 chương trình mục tiêu quốc gia với thời hạn rất ngắn. Sau chương trình mục tiêu quốc gia này thì cũng có thể kết thúc vì nguồn lực không thể khéo dài mãi được. Chúng tôi đề nghị cân nhắc khái niệm sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả và mối liên quan với chương trình mục tiêu quốc gia như vậy. Trên đây chúng tôi đề nghị có một số vấn đề như vậy, nhất là xử lý rành rọt một số khái niệm, nhất là khái niệm về tiết kiệm hiệu quả nó chi phối toàn bộ luật này.

Xin trân trọng cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan