Góp ý của Đại biểu Quốc hội Chu Sơn Hà – Hà Nội

Thứ Ba 16:37 25-05-2010

Kính thưa Quốc hội.

Sau khi nghe Báo cáo giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về cơ bản chúng tôi đồng tình cao với giải trình đó và cũng có tiếp thu rất nhiều ý kiến của các Đoàn đại biểu Quốc hội. Nhưng chúng tôi cũng thấy băn khoăn và muốn trình bày một số ý kiến trước Quốc hội như sau:

Thứ nhất, nằm trong Chương VIII, hiện nay đề nghị các vị đại biểu Quốc hội nghiên cứu tên của Chương VIII là sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm. Tôi nghĩ rằng ý đồ của cơ quan soạn thảo ở trong chương này muốn thể hiện rằng xác định cơ sở nào là cơ sở sử dụng nhiều năng lượng theo quy định của Chính phủ.

Hai là, trách nhiệm quản lý của người trực tiếp quản lý các cơ sở trọng điểm đó.

Ba là, quản lý Nhà nước đối với các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm.

Nhưng chúng tôi thấy tên của chương là chưa phù hợp, do đó chúng tôi xin đề nghị nghiên cứu thêm tên của chương này để làm sao thực hiện đúng ý đồ của Ban soạn thảo đó là xác định cơ sở nào là cơ sở sử dụng năng lượng, tiết kiệm hiệu qủa và là cơ sở trọng điểm.

Thứ hai, việc quản lý trong Điều 35 với ý đồ của Ban soạn thảo chúng tôi nghĩ rằng muốn quy định đối với người quản lý năng lượng ở các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm, nhưng mà trong này chỉ cắt một phần trên tức là quy định về người quản lý năng lượng, tức là người quản lý năng lượng ở mặt bằng chung, chứ không phân rõ danh giới giữa quản lý các cơ sở trọng điểm với các người có trách nhiệm quản lý năng lượng chung, đấy là ví dụ thứ nhất.

Ví dụ thứ hai, chúng tôi thấy tại sao chúng tôi đề nghị nghiên cứu lại toàn bộ Chương VIII này với 5 điều đó là Điều 32. Điều 32 có 2 khoản, khoản thứ nhất theo chúng tôi nghĩ rằng nên chuyển về Điều 3 là điều giải thích từ ngữ. Bởi vì toàn bộ Khoản 1, Điều 32 thể hiện cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm là cơ sở có mức độ tiêu thụ năng lượng hàng năm lớn hơn theo tiêu chí do Chính phủ quy định. Như vậy đây là một giải thích thế nào là cơ sở tiêu thụ năng lượng trọng điểm. Do đó chúng tôi xin đề nghị chuyển về Điều 3 của giải thích từ ngữ.

Khoản 2, Điều 32 chúng tôi nghĩ việc quy định này có thể thể hiện ở Điều 36, đó là quy định cho Bộ Công thương quy định về tiêu chuẩn, các cơ sở như thế nào là đơn vị cơ sở tiêu thụ năng lượng trọng điểm thì hợp lý hơn. Hoặc thậm chí có thể quy định về chương quản lý Nhà nước đó là Chương XI, Điều 45. Bởi vì trong Điều 45 có một khoản ghi: Bộ Công thương chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành để ban hành các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả. Cho nên chúng tôi nghĩ rằng Khoản 2, Điều 32 cũng không thể để ở Điều 32 được. Theo chúng tôi Điều 32 có thể chuyển Khoản1 về Điều 3 và Khoản 2 nghiên cứu bố trí vào một điều liên quan đến quản lý Nhà nước về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Ví dụ thứ ba là Điều 39. Chúng tôi nghĩ cũng phải nghiên cứu kỹ Điều 39. Trước hết, chúng tôi đồng tình với quan điểm phải xác định sản phẩm nào, thiết bị nào sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả và dán nhãn cho sản phẩm đó. Nhưng chúng tôi xin đề nghị với Ban soạn thảo nghiên cứu kỹ Luật sở hữu trí tuệ đã được ban hành có hiệu lực. Đặc biệt Điều 32, Mục 1: công bố về tiêu chuẩn áp dụng đối với cơ sở sản xuất ở trong Luật chất lượng sản phẩm, hàng hóa để làm sao thể hiện ở trong luật này tinh thần cải cách hành chính. Bởi vì dù sao đi nữa khi cơ sở sản xuất dán nhãn chất lượng sản phẩm, hàng hóa cũng phải do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xác định và công nhận thì cơ sở sản xuất đó mới dán nhãn trên sản phẩm của mình đưa ra thị trường. Cho nên chúng tôi đề nghị nghiên cứu kỹ hai dự án luật trên đã có hiệu lực để làm sao thể hiện được tinh thần cải cách hành chính trong quá trình tổ chức dán nhãn cho sản phẩm sử dụng tiết kiệm năng lượng và hiệu quả. Xin báo cáo với Quốc hội, chúng tôi xin có một số ý kiến.

Xin cám ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan