Góp ý của Đại biểu Quốc hội Trần Văn – Cà Mau

Thứ Ba 16:25 25-05-2010

Kính thưa Quốc hội,

Tại kỳ họp này Quốc hội sẽ thông qua Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả và cho ý kiến lần đầu dự án Luật thuế môi trường. Cả hai dự án luật này có ý nghĩa rất quan trọng, sẽ góp phần đảm bảo sự phát triển bền vững của đất nước, đảm bảo chất lượng cuộc sống của người dân trước những tác động tiêu cực của môi trường do khai thác quá mức tài nguyên thiên nhiên và hủy hoại môi trường của hàng loạt doanh nghiệp do chạy theo lợi nhuận bất chính.

Cả hai dự luật là bước tiến bộ vượt bậc của Quốc gia trong sự nghiệp bảo vệ môi trường, sử dụng năng lượng có hiệu quả và tiết kiệm. Uy tín, hình ảnh Quốc gia trên trường Quốc tế được nâng lên rất nhiều. Tôi cơ bản nhất trí với nội dung Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tôi xin tham gia duy nhất một ý kiến về vấn đề thứ ba theo gợi ý của đoàn Thư ký kỳ họp như sau:

Tôi đề nghị Quốc hội, xem xét lại việc chưa quy định nội dung về phát triển và sử dụng năng lượng tái tạo thành một chương mới, mà chỉ lồng ghép trong một số điều liên quan đến chính sách của Nhà nước về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Việc quy định lồng ghép như vậy, chưa thể hiện cam kết mạnh mẽ của dự thảo luật với việc giải phóng các tiềm năng, thế mạnh của đất nước trong phát triển năng lượng tái tạo. Trong việc tiết kiệm năng lượng, theo tinh thần của dự thảo luật này, nhất là năng lượng hóa thạch, trước đó, trong Báo cáo ngày 03/03/2010 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và dự thảo luật gửi tới các Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội, tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, cơ quan soạn thảo đã bổ sung một chương mới về phát triển và sử dụng năng lượng tái tạo là Chương IX gồm 3 điều:

Quy định về chiến lược quy hoạch phát triển năng lượng tái tạo Điều 38, về đầu tư phát triển năng lượng tái tạo Điều 39, về đấu nối và giá năng lượng tái tạo, cơ chế tài chính cho năng lượng tái tạo Điều 40 như Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nêu ở mục số 15.

Hiện nay, dựa trên tiềm năng thế mạnh về năng lượng tái tạo của đất nước, nhiều nhà đầu tư tư nhân đang tích cực tìm kiếm cơ hội phát triển năng lượng gió, năng lượng mặt trời. Đây là nhu cầu chính đáng và là một xu hướng rất đáng trân trọng, đặc biệt khuyến khích các nhà đầu tư phát triển năng lượng tái tạo. Tôi đề nghị Quốc hội xem xét lại việc đưa chương này trở lại dự thảo luật, quy định rõ ràng minh bạch, trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước trong việc tạo điều kiện thuận lợi nhất cho phát triển năng lượng tái tạo vì lợi ích chung của quốc gia. Lợi ích của chương này càng rõ trong bối cảnh Quốc hội đang thảo luận Luật thuế môi trường, trong đó có thuế đánh vào các nguồn năng lượng hóa thạch như than đá vốn gây ô nhiễm nhiều nhất và thải khí cacbon nhiều nhất. Việc đưa chương này trở lại dự thảo luật là cơ sở pháp lý để Chính phủ ban hành nghị định về vấn đề này. Sau khi thực hiện trong thực tế sẽ góp phần tích cực cho việc tổng kết thực tiễn để khi có đủ điều kiện thì nâng lên thành Luật về năng lượng tái tạo như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đối với Bộ Công thương mà Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã dẫn ra, tiến tới những cơ chế mới về trao đổi, mua bán hạn ngạch phát thải hay thuế phát thải thuế cacbon. Hướng tới thúc đẩy hơn nữa phát triển năng lượng sạch với chi phí cạnh tranh nhất trong nỗ lực chung của toàn cầu chống biến đổi khí hậu.

Là công dân của một đất nước có nhiều nắng và gió, tôi cũng mong rằng dự án Luật về năng lượng tái tạo sẽ được các đại biểu Quốc hội ủng hộ và đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội nhiệm kỳ Khóa XIII. Xin cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan