Một số góp ý xây dựng Dự thảo Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả

Thứ Ba 15:28 09-12-2008

GÓP Ý CHO DỰ THẢO LUẬT SỬ DỤNG NĂNG LƯỢNG TIẾT KIỆM VÀ HIỆU QUẢ

Dự thảo Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh lĩnh vực chuyên ngành và có liên quan đến nhiều lĩnh vực như: điện lực, than, dầu khí, tài nguyên và môi trường. Do đó, việc xây dựng Luật cũng phải khảo sát đầy đủ thực trạng hoạt động cũng như các văn bản pháp lý đã được ban hành điều chỉnh các hoạt động trên:

I. Về bố cục các điều, khoản trong Dự thảo:

1. Cơ quan soạn thảo Dự thảo luật xem xét bổ sung thêm 01 Điều tại Chương I – Những quy định chung:

Quy định về nguyên tắc áp dụng Luật này trong mối quan hệ với các văn bản luật có liên quan như: Luật điện lực, Luật chuyển giao công nghệ, Luật xây dựng, Luật bảo vệ môi trường, các Điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập có điều chỉnh những vấn đề pháp lý liên quan đến việc quản lý sử dụng năng lượng, năng lượng tái tạo…

2. Đối với Chương II – Quản lý và sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong các cơ sở sản xuất công nghiệp, cần bổ sung thêm quy định cụ thể về:

  • Các yêu cầu về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, sử dụng năng lượng tái tạo áp dụng đối với cơ sở sản xuất công nghiệp thông thường, mức sử dụng năng lượng.
  • Các yêu cầu về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, năng lượng tái tạo áp dụng đối với cơ sở sản xuất công nghiệp trọng điểm.
  • Quy định tiêu chuẩn, tiêu chí xác định việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, năng lượng tái tạo.

II. Về nội dung chi tiết từng điều, khoản trong Dự thảo luật cần xem xét sửa đổi, bổ sung như sau:

1. Điều 3: cần bổ sung thêm giải thích từ ngữ về “Cơ sở trọng điểm” và giải thích từ ngữ về “nhiên liệu hóa thạch”.

2. Điều 5:

Bổ sung thêm một khoản tại Điều 5 như sau: “Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả phải luôn đảm bảo cân đối hài hòa với tính toán đến hiệu quả kinh tế”.

Vì, việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là cần thiết nhưng đặt trong từng trường hợp cụ thể cũng phải tính đến yếu tố hiệu quả kinh tế của việc sử dụng, bởi không phải hoạt động sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả nào cũng đem lại hiệu quả về mặt kinh tế.

3. Điều 6: sửa đổi, bổ sung như sau:

o Khoản 1, Điều 6: Đề nghị chuyển lên Điều 3: Giải thích từ ngữ

o Khoản 2, Điều 6: Bỏ từ “kết quả”

o Khoản 3, Điều 6:

- Nên quy định bổ sung : “có ngành nghề đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật”;

- Cần quy định rõ: “Đội ngũ chuyên gia về tiết kiệm năng lượng, công nghệ và phân tích tài chính có kinh nghiệm” . Cần phải quy định rõ là “có kinh nghiệm trong lĩnh vực này và quy định rõ số năm kinh nghiệm...”

4. Điều 11: sửa đổi bổ sung như sau:

o Phần lời dẫn của Điều 11: “Ngoài các quy định tại Điều 8, Điều 9, các cơ sở sản xuất công nghiệp trọng điểm phải thực hiện các yêu cầu sau”.

Bởi vì, các cơ sở sản xuất trọng điểm vẫn phải thực hiện trách nhiệm riêng tại Điều 11, các biện pháp quản lý tại Điều 8 nhưng cũng phải thực hiện quy định chung tại Điều 9 mới bảo đảm tính toàn diện của quy định này tại Dự thảo luật.

o Khoản 3: “Hàng năm và 5 năm phải báo cáo Sở Công Thương tại địa phương kết quả thực hiện kế hoạch sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả của đơn vị. Các số liệu thống kê tổng mức sử dụng năng lượng, tình hình cải tiến, lắp đặt mới các máy móc, thiết bị cho mục đích tiết kiệm năng lượng và kết quả đầu tư cho hoạt động tiết kiệm năng lượng phải được trình bày trong báo cáo”.

o Nên quy định thêm trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong trường hợp cán bộ Sở Công thương có quyết định kiểm tra đột xuất việc sử dụng năng lượng của các tổ chức, cá nhân thì phải có trách nhiệm tạo điều kiện và cung cấp tất cả các tài liệu cần thiết theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.

5. Điều 12:

  • Đề nghị Cơ quan soạn thảo cân nhắc việc có cần thiết phải bắt buộc cán bộ quản lý năng lượng trong các cơ sở trọng điểm phải được cấp chứng chỉ đạt tiêu chuẩn cán bộ quản lý năng lượng, hoặc chỉ quy định cán bộ quản lý năng lượng trong các cơ sở trọng điểm được tham gia lớp học tập huấn về nghiệp vụ là đáp ứng yêu cầu về tiêu chuẩn.
  • Điểm g, Khoản 2 Điều 12: “Tổ chức kiểm toán năng lượng theo quy định tại Khoản 4, Điều 12 luật này”;

Cần sửa lại vì tại Điều 12 chưa có khoản 4, đề nghị chỉnh sửa và bổ sung cho phù hợp.

6. Điều 14. Xác định lại vị trí, tính chất của Điều 14 vì:

Điều 14 quy định các tổ chức, cá nhân có trách nhiệm lựa chọn và thực hiện các biện pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, như vậy nếu vi phạm quy định trên có thể phải gánh chịu chế tài xử lý vi phạm. Tuy nhiên việc xử lý được những hành vi vi phạm đó của nhà tư vấn thiết kế, các nhà đầu tư xây dựng hay chính các chủ sở hữu các công trình xây dựng dân dụng khó xác định, vì đây là vấn đề liên quan chặt chẽ đến khía cạnh khoa học – kỹ thuật – mỹ thuật – kiến trúc – tài chính, đối với thiết kế kiến trúc công trình còn mang tính sáng tạo cá nhân. Nên trong quá trình xây dựng sẽ có nhiều kiểu kiến trúc sẽ không đảm bảo được yêu cầu tuyệt đối về tiết kiệm năng lượng nhưng về mặt mỹ thuật và kiến trúc thì lại đảm bảo giá trị và hiệu quả kinh tế.

Đề nghị Cơ quan soạn thảo xem xét việc có nên quy định lại theo hướng khuyến khích tích cực: “ Nhà nước khuyến khích các Tổ chức, cá nhân tham gia tư vấn, thiết kế, đầu tư xây dựng, sở hữu các công trình xây dựng dân dụng lựa chọn và thực hiện các biện pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả chủ yếu sau đây...” thì sẽ phù hợp với thực tiễn hơn.

Nếu ban hành quy định mang tính bắt buộc nhưng lại không thể áp dụng chế tài xử lý hoặc nếu xử lý lại không phù hợp với thực tiễn thì quy định này sẽ không bảo đảm giá trị pháp lý khi thực hiện bằng việc quy định điều khoản khuyến khích vì mục tiêu kinh tế - môi trường và phát trển bền vững.

Đồng thời tiêu đề của Điều 14 cũng nên sửa và bổ sung như sau: Biện pháp nhằm sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, năng lượng tái tạo trong các công trình xây dựng dân dụng.

7. Cần bổ sung thêm Điều khoản “trách nhiệm của tổ chức, cá nhân tham gia tư vấn, thiết kế, đầu tư xây dựng, sở hữu các công trình xây dựng dân dụng”

Ví dụ như:

o Phải có trách nhiệm tư vấn, sử dụng các thiết bị đạt tiêu chuẩn Việt Nam hoặc tiêu chuẩn thế giới tương đương, đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép lưu thông trên lãnh thổ Việt Nam.

o Phải chịu trách nhiệm về những vấn đề mà mình tư vấn, những sản phẩm mà mình sử dụng. Nếu việc sử dụng gây hậu quả xấu tới sức khỏe người dân,và tiêu tốn năng lượng…

o Cần đưa ra một con số có tính định lượng để xác định như thế nào là tiêu tốn năng lượng vượt quá giới hạn cho phép.

8. Điều 15. Áp dụng Tiêu chuẩn và Quy chuẩn xây dựng đối với các công trình xây dựng dân dụng:

Đối với quy định về tuân thủ các quy định của Quy chuẩn xây dựng Việt Nam và tham khảo áp dụng tiêu chuẩn Việt Nam về hiệu suất năng lượng đối với kết cấu kiến trúc, vật liệu xây dựng, chiếu sáng, sưởi ấm, làm mát và mức cung cấp năng lượng cho các khu vực chủ yếu của trong công trình.

Ban Soạn thảo cần cân nhắc quy định cụ thể hơn vấn đề này, trong đó cần phải quy định trách nhiệm của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thẩm định và cho lưu hành các vật liệu trên.

Nếu chỉ quy định chung như Dự thảo thì có thể xẩy ra trường hợp các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, sử dụng vật liệu và thiết bị liên quan đến quy định này khi thực hiện sẽ gặp khó khăn trong việc xác định và phân loại, cơ quan kiểm tra giám sát cũng khó quản lý về mặt chuyên môn.

9. Điều 19:

Khoản 3 cần bổ sung thêm như sau: Khi mua sắm sản phẩm, thiết bị sử dụng năng lượng phải ưu tiên mua sắm các sản phẩm, thiết bị đã được xác định là sản phẩm tiết kiệm năng lượng có chỉ tiêu hao năng lượng tiên tiến hoặc các sản phẩm đã được dán nhãn tiết kiệm năng lượng; các thiết bị sử dụng năng lượng tái tạo.

10. Điều 21:

Việc quy định trách nhiệm đi đôi với việc ban hành chế tài xử lý vi phạm, tuy nhiên trong trường hợp trên nếu áp dung chế tài trên thực tế thì sẽ rất khó áp dụng và việc quy định trách nhiệm đã được thể hiện rõ ở Điều 22.

Vì thế cần quy định “ Nhà nước khuyến khích các tổ chức, cá nhân có hoạt động nhập khẩu, chế tạo, sửa chữa và sử dụng các phương tiện vận tải lựa chọn và thực hiện các giải pháp phù hợp về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả chủ yếu sau đây”:

1. Sử dụng các phương tiện vận tải có hiệu suất sử dụng năng lượng cao, suất tiêu hao nhiên liệu thấp.

2. Sử dụng nhiên liệu sạch và các dạng nhiên liệu thay thế dầu mỏ, than đá sử dụng cho các phương tiện vận tải thích hợp.

Cần bổ sung thêm quy định về:

- “Sử dụng năng lượng, thiết bị thân thiện với môi trường để phù hợp với Luật Bảo vệ môi trường. Vì những sản phẩm này đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thẩm định và dán nhãn sinh thái, hoặc nhãn môi trường theo Luật Bảo vệ môi trường và các văn bản hướng dẫn thi hành.

- Sử dụng các trang thiết bị có sử dụng năng lượng được dán nhãn năng lượng trong nước, hoặc dán nhãn năng lượng nước ngoài đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thẩm định và cho lưu hành trên thị trường).

3. Không sử dụng các phương tiện vận tải cũ, quá niên hạn sử dụng có suất tiêu hao nhiên liệu cao.”

11. Khoản 1, Điều 24:

Cơ quan soạn thảo cân nhắc quy định thêm về việc:

- Báo cáo đột xuất, nếu có yêu cầu của Bộ Giao thông vận tải, hoặc khi có kiểm tra đột xuất của Bộ Giao thông vận tải.

- Có trách nhiệm phối kết hợp với cơ quan nhà nước có thẩm quyền tại địa phương thực hiện tuyên truyền phổ biến thực hành chống lãng phí năng lượng, tiết kiệm năng lượng vì lợi ích kinh tế và bảo vệ môi trường.

12. Khoản 1 Điều 25:

Sửa đổi bổ sung như sau: “Áp dụng các giải pháp khoa học và công nghệ nhằm nghiên cứu chế tạo và đưa ra thị trường các sản phẩm hiệu suất cao, tiết kiệm năng lượng, các thiết bị sử dụng năng lượng tái tạo”.

13. Khoản 1 Điều 26:

Bổ sung thêm điểm b: “Khuyến khích các nhà sản xuất trong nước đầu tư nghiên cứu, sản xuất, cung cấp ra thị trường các sản phẩm có hiệu suất cao, tiết kiệm năng lượng, các sản phẩm hoặc thiết bị sử dụng năng lượng tái tạo”.

14. Khoản 1, Điều 29:

  • Nên sửa đổi và bổ sung vào khoản 1 và khoản 2 như sau: các “phòng thử nghiệm hoặc các trung tâm thử nghiệm”.
  • Nên quy định rõ các căn cứ, tiêu chuẩn để đạt được là phòng thử nghiệm hoặc trung tâm thử nghiệm hiệu suất (hay là phòng thử nghiệm hiệu suất – Điều 28), đồng thời Dự thảo cũng cần làm rõ quy định về tư cách pháp lý của các phòng thử nghiệm hoặc trung tâm thử nghiệm như sau:

- Đây là trung tâm do cơ quan nhà nước có thẩm quyền thành lập hoặc trung tâm thẩm định, thử nghiệm do cá nhân, tổ chức có đủ điều kiện thành lập.

- Điều kiện và tiêu chuẩn để thành lập, các điều kiện về giấy phép hoạt động..

- Tiêu chuẩn, điều kiện về năng lực của cán bộ, nhân viên

- Yêu cầu về trang thiết bị, phương pháp thử nghiệm và hệ thống quản lý chất lượng.

Những quy định trên Cơ quan soạn thảo Luật xem xét để cân nhắc sửa đổi hoặc bổ sung vào Dự thảo.

Do đó, Luật nên quy định rõ các Trung tâm thử nghiệm phải xây dựng thành các đơn vị thẩm định chất lượng có tư cách pháp nhân tư nhân, hoạt động theo Luật doanh nghiệp và có giấy phép của Bộ Công thương(là ngành nghề kinh doanh có điều kiện.), bởi lý do sau:

- Khi Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả có hiệu lực thì sẽ có rất nhiều các sản phẩm của các doanh nghiệp muốn được dán nhãn năng lượng, vì mục đích quảng cáo, quảng bá thương hiệu, chiếm lĩnh thị trường và tạo ảnh hưởng tới người tiêu dùng.

- Đảm bảo cho quy trình được tiến hành nhanh chóng và có tính chuyên nghiệp, giúp cho các tổ chức, cá nhân có thể kiểm định chất lượng, dán nhãn năng lượng, lưu thông sản phẩm của mình trên thị trường một cách nhanh nhất.

Sau khi các trung tâm này thẩm định về mặt chất lượng, sẽ đề nghị lên Bộ Công thương cấp giấy chứng nhận “nhãn năng lượng”.

15. Khoản 2, Điều 31:

Nên bỏ đoạn “…như thiết bị đun nước nóng bằng năng lượng mặt trời, thủy điện nhỏ, động cơ gió, thiết bị sử dụng vật liệu sinh khối và khí sinh học…” vì Khoản 2 – Điều 3 Giải thích từ ngữ đã có định nghĩa giải thích năng lượng tái tạo.

16. Điều 37:

  • Khoản 1 và khoản 3 cần bổ sung thêm: các phương tiện, thiết bị, dây chuyền công nghệ sử dụng năng lượng tái tạo.
  • Điểm a, Khoản 2, khoản 4 Điều 37:

Nên bỏ các sử dụng thuật ngữ“…thuế doanh thu”; vì hiện nay theo pháp luật về thuế, trong hệ thống thuế Việt Nam không dùng thuật ngữ “thuế Doanh thu”, nên cần sửa lại thành “thuế thu nhập doanh nghiệp” cho phù hợp với thuật ngữ trong Luật thuế thu nhập doanh nghiệp.

Đồng thời cần phải quy định các điều kiện và các mức thuế, thời hạn được được giảm, được miễn thuế.

  • Khoản 5, Điều 37:

Việc quy định các chữ viết tắt kể cả các chữ viết tắt mang tính khoa học đều phải được giải thích trong điều khoản giải thích từ ngữ. Vì vậy, kiến nghị làm rõ khái niệm “LPG”, “CNG”, và những từ ngữ khác nếu thấy cần thiết cần phải giải thích và đưa vào Điều 3.

17. Khoản 1, Điều 39:

Sửa đổi, bổ sung như sau: “ Các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương”

18. Khoản 3, Điều 39:

Sửa đổi và bổ sung như sau: “Nhà nước thi hành chế độ trách nhiệm gắn với mục tiêu sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, khuyến khích sử dụng năng lương tái tạo, đưa nội dung hoàn thành mục tiêu tiết kiệm năng lượng đi đôi với nội dung kiểm tra, đánh giá người đứng đầu các cơ sở sử dụng năng lượng”

19. Điều 41 – Qũy tiết kiệm năng lượng:

Điểm a khoản 2 cần sửa lại như sau: “Phụ thu tính trên tổng doanh thu của hoạt động kinh doanh nhiên liệu hóa thạch và hoạt động sản xuất điện năng sử dụng nhiên liệu hóa thạch”.

Bởi vì, đối với hoạt động sản xuất điện năng sử dụng nhiên liệu tái tạo như: năng lượng gió, mặt trời, năng lượng hạt nhân hoặc thủy điện là đối tượng được khuyến khích sử dụng và phát triển theo quy định tại Chương VI thì không tính phụ thu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh điện năng từ nguồn năng lượng tái tạo vào khoản tiền trích nộp cho Qũy tiết kiệm năng lượng.

20. Điều 42:

  • Khoản 2 sửa lại như sau: “Bộ Công thương chịu trách nhiệm trước Chính phủ về quản lý hoạt động sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, có trách nhiệm”.
  • Điểm a, Khoản 4:

- “Ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan có thẩm quyền Quy chuẩn và tiêu chuẩn về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong thiết kế xây dựng các công trình xây dựng dân dụng”

- Cần quy định rõ trách nhiệm của Bộ xây dựng và phân định thẩm quyền “được phép ban hành theo thẩm quyền hay trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành” với các cơ quan nhà nước có liên quan.

  • Điểm a, Khoản 5:

- “Ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành tiêu chuẩn về suất tiêu hao năng lượng, định mức sử dụng năng lượng đối với các phương tiện giao thông vận tải”.

- Cần quy định rõ trách nhiệm của Bộ Giao thông vận tải và phân định thẩm quyền “được phép ban hành theo thẩm quyền hay trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành” với các cơ quan nhà nước có liên quan.

Trên đây là một số ý kiến góp ý, kính đề nghị Ban soạn thảo xem xét và tiếp thu.

Trân trọng.

(Vũ Khắc Thư)

Các văn bản liên quan