Một số ý kiến góp ý Dự thảo Nghị định về tập đoàn kinh tế

Thứ Ba 15:40 09-12-2008

MỘT SỐ GÓP Ý XÂY DỰNG DỰ THẢO NGHỊ ĐỊNH VỀ TẬP ĐOÀN KINH TẾ

Dự thảo Nghị định về tập đoàn kinh tế trong bối cảnh Luật doanh nghiệp 2005 đã có hiệu lực áp dụng nhưng Luật doanh nghiệp nhà nước 2003 cũng còn hiệu lực áp dụng đối với các doanh nghiệp nhà nước chưa tiến hành chuyển đổi. Vì vậy, theo ý kiến của tôi khi xây dựng dự thảo Nghị định về tập đoàn kinh tế cần phải căn cứ vào thực trạng trên, cụ thể:

1. Hiện nay về tên gọi Tập đoàn kinh tế là chưa được thống nhất, nhất là đối với khối doanh nghiệp ngoài nhà nước. Do đó để thống nhất tên gọi của Tập đoàn kinh tế, nên có quy định các doanh nghiệp ngoài nhà nước cũng phải thực hiện về cách đặt tên cho thống nhất theo quy định của Luật doanh nghiệp 2005. Ngoài ra Dự thảo cũng nên quy định rõ việc đặt tên của Công ty mẹ trong Tập đoàn kinh tế.

2. Điểm d khoản 4 Điều 3: cần quy định đối với những công ty có mối quan hệ gắn bó lâu dài về lợi ích kinh tế, công nghệ, thị trường và các dịch vụ kinh doanh khác với công ty mẹ hoặc doanh nghiệp thành viên khác trong tập đoàn thì phải có văn bản tự nguyện gia nhập Tập đoàn hoặc tự nguyện liên kết.

3. Khoản 4 Điều 5 bỏ khoản này vì: “Nhượng quyền thương mại” đã được quy định rất rõ và cụ thể trong Luật thương mại (Điều 284).

4. Khoản 1 điều 10: Thay từ “tiến hành” thành từ “thực hiện”

5. Điều 14:

- Khoản 1: bỏ đoạn cuối “..Trường hợp công ty mẹ được tổ chức dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên thì bộ máy quản lý gồm Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc và các Kiểm soát viên” vì đã được quy định trong Luật doanh nghiệp.

- Điểm h khoản 2: quy định rõ là “Thành lập, quản lý và sử dụng có hiệu quả các quỹ tập trung do công ty mẹ cùng các doanh nghiệp thành viên đóng góp để duy trì, cung cấp, hỗ trợ các công ty thành viên thực hiện các hoạt động chung của Tập đoàn”.

- Khoản 3: quy định “Công ty mẹ được quyền thực hiện phương thức chào giá cạnh tranh trong mua sắm trong trường hợp sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp là đầu vào của doanh nghiệp khác trong cùng tập đoàn, các doanh nghiệp thành viên có quyền tham gia đấu thầu thực hiện các dự án của công ty mẹ và của các doanh nghiệp thành viên khác trong tập đoàn kinh tế.” Tuy nhiên, theo quy định tại điều 11 Luật Đấu thầu, để đảm bảo cạnh tranh trong đấu thầu thì “Nhà thầu tham gia đấu thầu các gói thầu thuộc dự án phải độc lập về tổ chức, không cùng phụ thuộc vào một cơ quan quản lý và độc lập về tài chính với chủ đầu tư của dự án”. Đề nghị ban soạn thảo xem xét.

6. Điều 13: điểm b, khoản 1: thay từ “hợp đồng kinh tế” thành “hợp đồng”

7. Điều 16: Đề nghị ban soạn thảo xem xét lại hình thức quản lý điều hành trong tập đoàn kinh tế nhà nước bằng việc tổ chức các hội nghị hoặc cuộc họp tham vấn (khoản 3)...bởi vì việc hội nghị, họp tham vấn là chuyện nội bộ của tập đoàn, không phải là hình thức quản lý điều hành.

8. Điều 17: Quy định về hạn chế đầu tư và về ngành nghề kinh doanh trong tập đoàn kinh tế nhà nước.

Khoản 6 quy định trường hợp công ty mẹ trực tiếp hoặc thông qua doanh nghiệp có vốn góp chi phối của công ty mẹ tiến hành kinh doanh những ngành nghề có nguy cơ rủi ro hoặc có ảnh hưởng đến ngành nghề kinh doanh chính...Đề nghị ban soạn theo nêu rõ ngành nghề có nguy cơ rủi ro hoặc có ảnh hưởng đến ngành nghề kinh doanh chính là như thế nào?

9. Khoản 3 điều 18: Không nên quy định như dự thảo “Trường hợp Chính phủ thành lập tổ chức chuyên trách thực hiện quyền chủ sở hữu nhà nước tại doanh nghiệp quy mô lớn, tổng công ty và tập đoàn kinh tế...”, vì theo như quy định của pháp luật hiện nay cũng như tại khoản 2 điều này quy định, Nhà nước đã trao quyền cho người đại diện là các uỷ viên HĐQT của doanh nghiệp thực hiện quyền của chủ sở hữu, những người đại diện này thực hiện nhiệm vụ do pháp luật quy định và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Việc quy định tại khoản này sẽ mâu thuẫn với khoản 1 điều 12 của dự thảo. Hơn nữa ở Trung ương đã có Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp trực thuộc Thủ tướng chính phủ, do đó, chỉ cần củng cố và phát triển Ban này, thay vì thành lập một cơ quan chuyên trách mới.

10. Điểm b khoản 2 Điều 19 cần bổ sung thêm Hội đồng thành viên.

11. Chỉnh sửa một số lỗi chính tả như tại điểm c, khoản 1, điều 11; điểm b, khoản 8, điều 15...

12. Thống nhất sử dụng từ “Tập đoàn” hoặc “Tập đoàn kinh tế” trong nội dung dự thảo Nghị định.

13. Điều 22: Cần quy định thêm lộ trình và thời gian triển khai thực hiện.

Trên đây là một số ý kiến góp ý, kính đề nghị Ban soạn thảo xem xét, tiếp thu.

Trân trọng!

Vũ Khắc Thư

Các văn bản liên quan