Biên độ của khung thuế suất quá rộng – TS Vũ Thu Hạnh, ĐH Luật

Thứ Tư 15:43 22-10-2008

Một số ý kiến đóng góp với Dự thảo
Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung Điều 6 Pháp lệnh thuế tài nguyên.

Ts. Vũ Thu Hạnh
Bộ môn Luật Môi trường
Trường Đại học Luật Hà Nội
 
Chúng tôi mong muốn có sự thay đổi nhiều hơn Pháp lệnh này, như “nâng cấp” Pháp lệnh thành Luật thuế tài nguyên (qua đó thể hiện rõ hơn quan điểm của Nhà nước trong việc quản lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên phục vụ cho mục tiêu phát triển bền vững); mong muốn mở rộng đối tượng chịu thuế trên nguyên tắc tất cả các loại tài nguyên thiên nhiên khai thác đều phải chịu thuế; hay mong muốn sửa đổi một số quy định về miễn, giảm thuế tài nguyên…
Tuy nhiên, trong phạm vi chỉ sửa đổi, bổ sung Điều 6 của Pháp lệnh, chúng tôi có một số ý kiến đóng góp như sau:

1. Nhất trí với việc cần sửa đổi thuế suất thuế tài nguyên. Tuy nhiên, đối với những người hiểu biết sâu về thuế tài nguyên thì những lí giải tại tờ trình chưa thực sự thuyết phục. Bởi số tiền thuế tài nguyên thu trên một đơn vị tài nguyên của người khai thác tăng hay giảm phụ thuộc vào hai yếu tố là: giá tính thuế tài nguyên và mức thuế suất áp dụng. Khi giá thị trường tăng đột biến (giá bán tài nguyên thương phẩm) thì giá bán tài nguyên tại nơi khai thác tăng theo, tức giá tính thuế tăng khi thuế suất không đổi, thì tiền thuế tài nguyên nhà nước thu cũng sẽ tăng. Như vậy, nếu việc xác định mức thuế suất thuế tài nguyên phù hợp thì yếu tố giá thị trường biến động không thể tác động nhiều đến việc tăng hay giảm nhu cầu khai thác tài nguyên của người dân.

Từ đây cho thấy, cần phải nhận thức rằng nguyên nhân chủ yếu của việc khai thác tràn lan và xuất khẩu quặng khoáng sản tăng mạnh trong thời gian vừa qua là do yếu kém trong quản lý nhà nước, kể cả yếu kém trong quản lý thuế, đặc biệt là quản lý đối tượng nộp thuế và quản lý giá tính thuế. Điều này cũng có nghĩa là phải tính đến các giải pháp đồng bộ trong quản lý tài nguyên thiên nhiên chứ không chỉ đơn thuần là việc điều chỉnh khung thuế suất loại thuế này.

Ngoài ra cũng cần phải kể đến sự bất hợp lý về chính sách là ở chỗ tiền thuế tài nguyên thu được tính trên một đơn vị tài nguyên hiện tại lại thấp hơn tiền phí BVMT tính trên một đơn vị tài nguyên đó khai thác được, trong khi xác định thuế là nguồn thu chủ yếu của NSNN.

2. Về mức thuế suất cụ thể: Chúng tôi nhất trí với dự thảo Pháp lệnh là cần phải tăng mức thuế suất, tuy nhiên khung thuế suất mà dự thảo Pháp lệnh quy định có khoảng cách quá lớn, bên cạnh ưu điểm mà tờ trình đã nêu thì có nhược điểm làm cho nhà đầu tư đánh giá chính sách thuế tài nguyên có biểu hiện không rõ ràng, minh bạch, thiếu tính ổn định (do nguy cơ tuỳ tiện trong việc áp mức thuế suất cụ thể là điều không tránh khỏi). Thêm nữa, nếu để biên độ quá rộng của khung thuế suất khiến cho thực chất vai trò quyết định về thuế chủ yếu thuộc về Chính phủ. Điều này cũng có nghĩa là vai trò của cơ quan lập pháp bị lu mờ... Ý kiến cá nhân tôi là đề nghị quy định mức tối thiểu của khung thuế suất cao hơn mức tối thiểu hiện hành đối với những tài nguyên cần có sự quản lý chặt chẽ hơn trong thời gian tới. Điều này đạt được 3 mục đích: Một là, thể hiện chủ trương quản lý chặt chẽ hơn các nguồn tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là các nguồn tài nguyên không tái tạo, có nguy cơ bị khai thác quá mức để phục vụ cho tăng trưởng “nóng”; Hai là, thu hẹp khoảng cách của khung thuế suất sẽ hạn chế nguy cơ tuỳ tiện trong việc quy định các mức thuế cụ thể; Ba là, đề cao vai trò của cơ quan quyền lực trong việc quy định nguồn thu cho ngân sách nhà nước…

3. Ngoài ra, việc điều chỉnh biểu khung thuế suất thuế tài nguyên cũng cần phải đặt trong mối quan hệ với các nghĩa vụ tài chính khác, như phí BVMT đối với hoạt động khai thác khoáng sản; tiền kí quỹ ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường trong hoạt động khai thác tài nguyên thiên nhiên; khoản chi trả tiền sử dụng dịch vụ môi trường rừng (hiện đang áp dụng thí điểm đối với các cơ sở sản xuất thủy điện, cơ sở sản xuất nước sinh hoạt, và khoản tiền này được xác định là không thay thế thuế tài nguyên)… để từ đó xác định tổng các khoản chi mà một đối tượng khi khai thác tài nguyên thiên nhiên phải trả, để tránh rơi vào tình trạng mức chi trong mỗi nghĩa vụ tài chính thì không đáng kể nhưng tổng các khoản chi đối với một hoạt động thì lại rất lớn. Điều này có thể gây bất lợi cho các doanh nghiệp, cũng như cho người tiêu dùng. Từ đó có thể dẫn đến làm giảm hiệu quả áp dụng pháp luật thuế tài nguyên trên thực tế.

Các văn bản liên quan