Góp ý của Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Luật – Kiên Giang

Thứ Tư 09:54 26-05-2010

Tôi xin trình bày tiếp về căn cứ hủy phán quyết định trọng tài tại Điều 69, tòa án xét đơn tại Điều 72. Vấn đề này nhiều vị đại biểu Quốc hội đã nêu, tôi thấy các nội dung quy định trong Điều 69 kế thừa các quy định của Pháp lệnh năm 2003. Tuy nhiên, ở Khoản 4, căn cứ thứ 4 là phán quyết trọng tài trái với nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam có liên quan. Về vấn đề này còn có những ý kiến khác nhau của các vị đại biểu thảo luận tại Hội trường.

Tôi thấy nếu như so sánh với quy định trong Bộ luật tố tụng dân sự về quy định Tòa án Việt Nam công nhận và cho thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài tại Việt Nam thì cũng có quy định Tòa án Việt Nam từ chối không công nhận phán quyết định của trọng tài nước ngoài nếu phán quyết trọng tài trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam. Nhưng trái như thế nào thì cho đến nay cũng chưa có văn bản nào hướng dẫn cụ thể về quy định này. Nếu có yêu cầu thì Tòa án Việt Nam thụ lý và xem xét đối chiếu giải quyết, cho nên dẫn đến phân vân như một số vị đại biểu đã nêu.

Trong dự thảo lần này có tiếp thu và khắc phục, có nêu thay bằng trước đây Pháp lệnh quy định trái với nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam thì Khoản 4, Điều 69 có quy định cụ thể hơn là trái với nguyên tắc cơ bản của luật Việt Nam có liên quan. Khi giải quyết các vụ tranh chấp đó, Hội đồng trọng tài áp dụng pháp luật như thế nào về lựa chọn pháp luật để giải quyết vụ tranh chấp như Điều 14 mà một số đại biểu đã nêu thì tòa án khi có yêu cầu của đương sự thì phải đối chiếu vào đó và chúng tôi cho rằng sau này chắc chắn cần phải có văn bản hướng dẫn. Ví dụ như nghị định của Chính phủ, các thông tư liên tịch của các cơ quan tư pháp Trung ương để đảm bảo vấn đề này. Còn nếu như có ý kiến của đại biểu Quốc hội cho rằng phải quy định lại là trái với điều khoản cụ thể nào của luật nào thì vấn đề này lại trái với nguyên tắc là tòa án chỉ xem xét xem phán quyết của trọng tài có vi phạm các căn cứ tại Điều 69 không, mà tòa án không được xét lại nội dung thì nếu như so sánh cái không đúng với điều khoản nào của Luật trọng tài thương mại thì tòa án lại xét lại nội dung, tức là xem xét lại nội dung phán quyết của trọng lại thì không đúng. Về vấn đề này, chúng tôi xin được trình bày như vậy.

Về vấn đề có áp dụng thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm tại Khoản 11 Điều 72 của Dự thảo Luật hay không thì tôi xin trình bày như sau:

Trước đây theo quy định hiện hành của Pháp lệnh năm 2003 thì tòa án xét đơn yêu cầu hủy phán quyết trọng tài hai cấp. Tòa án cấp tỉnh xem xét theo thủ tục sơ thẩm. Có kháng cáo, kháng nghị thì tòa phúc thẩm Tòa án Nhân dân Tối cao xem xét lại theo trình tự phúc thẩm và quyết định của tòa phúc thẩm Tòa án Nhân dân Tối cao là quyết định cuối cùng. Quyết định này không bị kháng nghị để xem xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm. Đấy là quy định hiện hành, nhưng hiện nay chúng ta đã đi theo hướng là tòa án xem xét để hủy phán quyết trọng tài khi có đơn yêu cầu của đương sự bằng một hội đồng gồm 3 thẩm phán và quyết định của tòa án là có hiệu lực thi hành ngay, không có kháng cáo, kháng nghị nữa. Cho nên trong thực tế vẫn có thể có những sai sót. Tôi lấy ví dụ, lẽ ra tòa án phải chấp nhận đơn yêu cầu của đương sự hủy phán quyết trọng tài vì vi phạm các căn cứ, các điều kiện quy định tại Điều 69, nhưng tòa án lại giữ nguyên phán quyết của trọng tài. Như vậy là có sai sót, vậy khắc phục như thế nào, quy định về thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm tại Khoản 11, Điều 72 như một cái chốt an toàn để đề phòng những trường hợp tòa án có sai sót. Lẽ dĩ nhiên ở đây khi các bên đương sự thỏa thuận, tự nguyện chấp hành phán quyết của trọng tài rồi, thì không cần phải ra cơ quan thi hành án làm gì. Ngay bản thân các quyết định, bản án của tòa án hiện nay người ta thi hành xong rồi, tự nguyện xong rồi thì cơ quan thi hành án cũng không cần phải can thiệp, không phải nói gì đến phán quyết của trọng tài.

Chúng tôi cho rằng để có một cơ chế an toàn, để bảo đảm tốt hơn quyền lợi hợp pháp của các bên, hạn chế, khắc phục những sai sót từ phía tòa án. Ở đây không phải giám đốc thẩm, tái thẩm phán quyết của trọng tài mà quyết định của tòa án chấp nhận hay không chấp nhận đơn yêu cầu hủy phán quyết của trọng tài, đây là giám đốc thẩm, tái thẩm quyết định của tòa án chứ không phải là phán quyết của trọng tài.

Còn một chút thời gian, xin trao đổi thêm một số ý kiến của một số vị đại biểu Quốc hội nêu, vì thấy luật này quy định tòa án phải hỗ trợ nhiều quá thì nên bỏ. Như chúng tôi trình bày nếu như không có tòa án đứng bên cạnh trọng tài thì dù chúng ta có cho phát triển trọng tài chăng nữa cũng không đi vào thực tế. Nếu bây giờ chúng ta đặt giả thiết bỏ các quy định trong luật này về tòa án hỗ trợ trọng tài thì chắc chắn chỉ riêng chúng ta có quy định như vậy.

Luật mẫu của Liên hợp quốc về trọng tài thương mại người ta cũng rất đề cao vai trò của tòa án, hầu hết các luật trọng tài của các nước đều đề cao vai trò của tòa án mà chúng ta tăng cường vị trí vai trò của tòa án, hỗ trợ cho trọng tài chính là chúng ta đề cao hiệu lực và hiệu quả của trọng tài Việt Nam cho phù hợp với hội nhập quốc tế, chúng tôi xin trình bày với các đại biểu như vậy, chứ không phải vì là chúng ta thấy rằng điều luật này, điều luật kia quy định tòa án hỗ trợ trọng tài để mà không cân đối hoặc hay cái gì, cái khác thì chúng tôi cho rằng không phải.

Trong thực tế trong lịch sử phát triển của trọng tài của chúng ta đã có một thời gian là chúng ta bỏ quy định, không quy định Tòa án hỗ trợ trọng tài mà quy định rằng nếu sau khi trọng tài mang tính chất xã hội đó ra phán quyết mà một trong các bên không tự nguyện thi hành mà phản đối thì các bên lại có quyền khởi kiện ra tòa án mà chính cái đó mới là cái hạn chế tổng thể của chúng ta phát triển trong thời gian qua và đã được khắc phục bằng Pháp lệnh Trọng tài thương mại năm 2003, chúng tôi cho rằng mở rộng với liều lượng vừa phải như trong dự thảo luật này nó cũng hoàn toàn phù hợp với thông lệ quốc tế, luật mẫu quốc tế và chắc chắn có như vậy nó mới khuyến khích Trọng tài thương mại của chúng ta trong thời gian tới có bước phát triển hơn, xin hết ý kiến, xin cảm ơn Quốc hội.

 

Các văn bản liên quan