Góp ý của Đại biểu Quốc hội Trần Thế Vượng – Hải Dương

Thứ Tư 09:52 26-05-2010

Kính thưa các đồng chí,

Tôi xin phát biểu về dự án luật có mấy điểm như sau:

Thứ nhất, áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, ở đây có mấy vấn đề đặt ra cần phải làm rõ:

Một, về Khoản 4, Điều 50 "Trước khi áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, Hội đồng trọng tài có quyền buộc bên yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời thực hiện nghĩa vụ bảo đảm tài chính hoặc không phải thực hiện nghĩa vụ bảo đảm tài chính" Theo tôi viết như thế này khó hiểu, trường hợp nào buộc anh phải có khoản tiền để bảo đảm tài chính, trường hợp nào thì không, không thể nói thế này hoặc thế kia mà không rõ. Điều đó mâu thuẫn với Khoản 3 của Điều 51 là bên yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời phải gửi một khoản tiền, không phân biệt trường hợp nào phải nộp khoản tiền bảo đảm, trường hợp nào thì không, cho nên chỗ này cần phải làm rõ, nếu khẳng định được trường hợp nào áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời mà không phải nộp bảo đảm tài chính, đó là vấn đề thứ nhất.

Vấn đề thứ hai, Điều 52 quy định ở trong này thẩm quyền thủ tục thay đổi, bổ sung có quy định, nhưng thủ tục về hủy bỏ lại không có quy định mà chỉ nêu các trường hợp hủy bỏ. Tôi đề nghị cần phải có những quy định cụ thể về trình tự, thủ tục của việc hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời.

Vấn đề thứ ba, ở Điều 53, trách nhiệm của bên yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, ở đây có vấn đề đặt ra, nếu áp dụng biện  pháp khẩn cấp tạm thời không đúng, gây thiệt hại cho bên kia hoặc cho người thứ ba thì anh phải bồi thường. Nhưng ở đây có hai trường hợp áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời. Một là Hội đồng trọng tài, hai là Tòa án. Trong quy định về dân sự, Tòa án mà anh áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không đúng với yêu cầu của bên yêu cầu mà gây thiệt hại thì Tòa án phải bồi thường. Nhưng ở đây, Hội đồng trọng tài khi áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời mà không đúng với yêu cầu của người yêu cầu mà gây thiệt hại cho bên kia hoặc bên thứ ba thì không thấy đề cập đến việc Hội đồng trọng tài phải bồi thường. Tôi thấy chỗ này cần phải được làm rõ.

Vấn đề về Viện kiểm sát, Khoản 3, Điều 54 nói rằng trình tự thủ tục, áp dụng, thay đổi hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời và việc kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của Tòa án thực hiện theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự. Như vậy ở đây có một vấn đề được đặt ra công việc là của trọng tài nhưng một vài công việc của Toà án có tính chất hỗ trợ cho trọng tài thì chúng tôi thấy cần phải làm rõ, đúng là Tòa án thực hiện những việc này nhưng có phải các biện pháp hỗ trợ này cho trọng tài là hoạt động tư pháp hay không. Vì nếu là hoạt động tư pháp thì đúng là có Viện kiểm sát theo quy định của Hiến pháp là phải kiểm sát việc tuân theo pháp luật, nhưng chúng tôi băn khoăn cần phải làm rõ biện pháp hỗ trợ này có phải là hoạt động tư pháp không mặc dù đó là công việc mà do một trong những cơ quan tiến hành tố tụng thực hiện.

Ý thứ hai đặt ra ở đây là nếu chúng ta coi việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời mà do Toà án thực hiện hỗ trợ cho trọng tài là hoạt động tư pháp thì tại sao những quy định ở Điều 47 Điều 48 về việc thu thập chứng cứ, về triệu tập người làm chứng lại không được coi đấy là hoạt động tố tụng vì không thấy có bóng dáng của Viện kiểm sát trong việc kiểm sát tuân theo pháp luật trong việc thu thập chứng cứ cũng như triệu tập người làm chứng. Vấn đề này chúng tôi cũng đề nghị cần phải làm rõ hơn.

Về Điều 69, thì trong giải trình trình bày trước Quốc hội, đại biểu cũng có nói phán quyết trọng tài mà trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam thì chúng ta giải trình là mỗi luật mà Quốc hội thông qua đều có quy định nguyên tắc cơ bản, chúng tôi cho đây là vấn đề cần phải thảo luận làm rõ hơn. Các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam khác với các nguyên tắc quy định ở trong từng văn bản pháp luật.

Nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam ai cũng biết nguyên tắc số 1 là lập pháp phải dưới sự lãnh đạo của Đảng; nguyên tắc thứ hai là phải thể chế hoá đường lối của Đảng; nguyên tắc thứ ba là phải đảm bảo pháp chế xã hội chủ nghĩa. Đấy là những nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam, còn mỗi đạo luật không có cái gọi là nguyên tắc cơ bản. Trong mỗi luật đúng là chúng ta có một điều quy định những nguyên tắc áp dụng. Ví dụ trong luật này ở Điều 4 chúng ta cũng có quy định nguyên tắc, nhưng nguyên tắc đó không phải được coi là nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam. Ví dụ Điều 4 trọng tài phải tôn trọng thoả thuận, phải độc lập khách quan, phải bình đẳng v.v..., đây không phải những nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam mà chỉ là nguyên tắc trong luật này thôi. Chúng tôi thấy cần phải cân nhắc Điều 69 mà đại biểu Quốc hội đã nêu lên.

Một điểm nữa là chúng tôi cũng tán thành với một số đại biểu là nên cân nhắc ở Điều 72, Khoản 11 thấy rằng quyết định huỷ quyết định của trọng tài lại sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm tái thẩm v.v..., chúng tôi thấy đây là một thủ tục cũng rất phức tạp. Như vậy vô hình chung chúng ta muốn nhẹ gánh cho toà án để mở ra một con đường về trọng tài, từ quyết định trọng tài mà trong luật này đã quy định là quyết định chung thẩm nhưng sau đó lại có một đơn yêu cầu lại thành ra một vụ án dân sự, vụ án kinh tế rất phức tạp. Chúng tôi thấy nên cân nhắc vấn đề này có nên đi theo tiếp tục lại sơ thẩm, lại phúc thẩm, lại giám đốc thẩm tái thẩm đối với việc giải quyết đơn yêu cầu huỷ quyết định của trọng tài hay không bởi vì thủ tục như thế rất rườm rà. Xin hết.

Các văn bản liên quan