Góp ý của Đại biểu Quốc hội Lê Việt Trường – An Giang

Thứ Tư 09:48 26-05-2010

Kính thưa Quốc hội,

Về dự án Luật Trọng tài thương mại tôi xin tham gia ý kiến vào một số điều như sau:

Thứ nhất, Khoản 4, Điều 4 tôi tán thành ý kiến của các đại biểu đã phát biểu trước, tức là thống nhất cao với các phương án giải trình cũng như thể hiện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, lý do thì tôi không nhắc để đỡ mất thời gian. Khoản 11, Điều 72 tôi cũng tán thành ý kiến của đại biểu tỉnh Tiền Giang là nên đưa ra khỏi luật này. Bởi vì chúng ta không cần thiết phải có thêm một thủ tục là Giám đốc thẩm và tái thẩm. Lý do thì đại biểu ở Tiền Giang đã phân tích rất rõ. Tôi tham gia ý kiến vào Điều 20, đó là tiêu chuẩn trọng tài viên. Ở đây có 2 vấn đề.

Vấn đề thứ nhất là có đại biểu nói là cần phải thêm điều kiện nữa đối với trọng tài viên. Tôi không tán thành với ý kiến này, tôi thấy là đưa ra 3 điểm trong Khoản 1, Điều 20 và thêm Khoản 2 nữa mở ra cho trọng tài, Trung tâm trọng tài có thể quy định cụ thể các tiêu chuẩn cao hơn tiêu chuẩn quy định ở đây thì tôi thấy như thế là đã rất đủ, chúng ta đã can thiệp đến mức như thế là vừa phải. Bởi vì tổ chức trọng tài này không phải là thành lập và hoạt động dựa trên nguyên tắc Nhà nước mà người ta tồn tại hoạt động trên uy tín và kết quả hoạt động của người ta và phí thu được từ kết quả hoạt động đó. Cho nên, chúng ta không nên can thiệp quá, đưa ra rất nhiều những điều kiện, những tiêu chuẩn vào đây. Bên cạnh đó thì chúng ta không phải có gì bảo đảm cho họ cả, nhất là ngân sách. Do đó, chúng tôi thấy với phương án thể hiện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là đầy đủ. Tuy nhiên, điều này tôi thấy còn thêm Khoản 3 và Khoản 4 thì tôi thấy có vấn đề không ổn, không ổn ở đây là thoáng đọc thì chúng ta thấy Khoản 1 nói là những người có đủ các tiêu chuẩn sau đây có thể làm trọng tài viên thì tôi thấy quy định rất đúng.

Tiêu chuẩn thứ nhất là có năng lực, thứ hai là có trình độ đại học và thứ ba là một số chuyên môn khác thì chúng ta lại đưa vào đây là người đang là bị can, bị cáo đang thi hành án. Đây có phải là tiêu chuẩn hay không thì cũng phải xem lại, theo quan niệm của tôi thì thấy đây không phải là tiêu chuẩn, mà người đang là thẩm phán, kiểm sát viên cũng không phải là tiêu chuẩn. Đây không phải là tiêu chuẩn. Thế mà đưa chung vào trong điều này thì như vậy người đang là bị can, bị cáo mà chúng ta đã biết Hiếp pháp quy định là một người chỉ bị coi là có tội khi có phán quyết hoặc là có bản án của tòa án. Vậy thì tôi đang là bị can thì đâu có phải là tội phạm mà lại không có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, mà tôi cũng học qua đại học rồi, tôi có trình độ đại học, tại sao lại đưa vào đây, coi như cái này trở thành điều kiện. Cho nên tôi đề nghị, để không nhầm lẫn giữa tiêu chuẩn với các điều kiện hành nghề trọng tài viên, nên tách Khoản 2 và Khoản 3 ra khỏi điều này đề cho tất cả các đối tượng như bị can, bị cáo, thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên người ta hoàn toàn có thể soi vào Khoản 1 và hiểu là tôi cũng có thể trở thành trọng tài viên, nhưng với điều kiện ta quy định ở chỗ khác, đó là điều kiện hành nghề. Tôi cũng muốn trở thành trọng tài viên thì tôi tự làm đơn xin thôi không làm thẩm phán nữa. Tôi xin thôi hoặc sau thời gian là bị can mà sau đó không bị tòa án tuyên là có tội, thì vẫn hoàn toàn có thể trở thành trọng tài viên. Cho nên tôi đề nghị tách Khoản 3, Khoản 4 của điều này ra khỏi Điều 20 và thiết kế lại, có thể thêm một nội dung nữa đề hình thành một điều mới, tức là điều về điều kiện hành nghề trọng tài viên.

Xin hết ý kiến. Xin cám ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan