Góp ý của Đại biểu Quốc hội Trần Việt Hưng – Hoà Bình

Thứ Tư 09:10 26-05-2010

Kính thưa Chủ tọa kỳ họp,

Thưa các vị đại biểu Quốc hội.

Tôi cơ bản nhất trí với Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật trọng tài thương mại của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Sau đây tôi xin được góp ý một số ý kiến vào dự thảo luật này.

Thứ nhất, về tên gọi. Tôi xin được thể hiện quan điểm nhất trí với dự thảo luật về tên gọi là Luật trọng tài thương mại.

Về những vấn đề cụ thể tôi xin được góp ý một số nội dung như sau:

Điều 3, về giải thích từ ngữ, tôi đề nghị cần đưa thêm vào giải thích từ "các bên". Văn bản luật có nhiều điều nói đến "các bên" nhưng không được giải thích rõ ràng. Do đó cần phải được giải thích rõ là các bên tranh chấp có yêu cần giải thích bằng con đường trọng tài các bên. Bởi vì các bên có thể là hai bên hoặc là nhiều bên. Cho nên việc giải thích khái niệm này hết sức cần thiết.

Một nội dung nữa tôi cũng có ý kiến khác với giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đó là tôi đề nghị không dùng thuật ngữ "phán quyết trọng tài" bởi bản thân nó xét về nội dung và hình thức thì đã là một quyết định. Thêm một ý này vào có thể nói là phải thêm một khái niệm nữa mà gây tranh cãi. Mặt khác chúng ta có thể thấy rằng là việc sử dụng không hợp lý tại Khoản 3, Điều 8 thì phán quyết trọng tài được lấy ra để giải thích cho khái niệm quyết định trọng tài.

Về Điều 6, tòa án từ chối thụ lý trong trường hợp có thỏa thuận trọng tài, tôi đề nghị để tránh tình trạng vướng mắc trong quá trình thực hiện nên có phần giải thích thêm khái niệm là "thỏa thuận trọng tài không thể thực hiện được", trong trường hợp nào thì thỏa thuận trọng tài không thể thực hiện được thì đề nghị giải thích rõ chuyện này. Tôi đề nghị bỏ cụm từ "trừ trường hợp thỏa thuận trọng tài vô hiệu" hoặc "thỏa thuận trọng tài không thể thực hiện được". Vì trường hợp thỏa thuận trọng tài vô hiệu đã được quy định tại Điều 18 như dự thảo trong trường hợp thỏa thuận trọng tài không thể thực hiện được thì cần phải quy định cụ thể. Trong dự thảo cơ quan nào quyết định vấn đề này và thủ tục xử lý như thế nào?

Về Điều 15, quản lý nhà nước về trọng tài, tôi đề nghị bổ sung vào điều này một khoản quy định là Viện kiểm sát nhân dân có quyền, trách nhiệm kiểm sát việc tuân theo pháp luật do đó là trung tâm trọng tài phải gửi các phán quyết cho Viện kiểm sát để nơi trung tâm đó hoạt động, để Viện kiểm sát đó thực hiện việc kiểm sát tuân theo pháp luật.

Về Điều 20, tiêu chuẩn trọng tài viên. Tôi thấy Khoản 1 cơ cấu không hợp lý vì Khoản 1 quy định những người có tiêu chuẩn sau đây có thể làm trọng tài viên thì nêu các điểm a, b, c. Tuy nhiên, việc yêu cầu có đủ cả 3 điểm này thì lại không đầy đủ bởi vì là nội dung quy định tại Điểm c là một trường hợp thay thế bổ sung xuống Điểm b. Mặt khác khái niệm, trình độ chuyên môn cao và có kinh nghiệm thì quy định tại Điểm c, Khoản 1 cũng là một khái niệm khó xác định, cần phải làm rõ như thế nào là trình độ chuyên môn cao, nhiều kinh nghiệm như thế nào cũng phải làm rõ. Cho nên chúng ta cũng rất khó xác định. Như vậy tôi đề nghị bổ sung vào Khoản 1 tiêu chuẩn, đề nghị thêm một điều kiện như đại biểu Tâm ở Cần Thơ có ý kiến, đó là việc các trọng tài viên phải qua lớp bồi dưỡng đào tạo trọng tài viên. Trường hợp trọng tài viên không có bằng đại học luật thì phải có chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật và chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ trọng tài, tiêu chuẩn về kiến thức pháp luật thương mại đối với trọng tài viên, tiêu chuẩn về đạo đức trọng tài viên.

Điều 35, về phí trọng tài, tại Khoản 1 tôi đề nghị bỏ cụm từ "có thể" để điều chỉnh, sửa lại như sau "phí trọng tài bao gồm", không đề quy định là "phí trọng tài có thể bao gồm", để cho nó đảm bảo sự trong sáng quy định của pháp luật. Đồng thời để tránh trường hợp phát sinh các loại phí trong quá trình thực hiện, đề nghị quy định thêm một Điểm e tại Khoản 1 như sau: Các loại phí khác theo quy định của pháp luật. Đồng thời quy định rõ đối với các loại phí được thu thì chế độ hạch toán và quản lý như thế nào.

Điều 50 về thẩm quyền của Hội đồng trọng tài áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời. Tại Khoản 2 của điều này quy định Hội đồng trọng tài có thể yêu cầu một hoặc các bên thực hiện một hoặc một số biện pháp khẩn cấp tạm thời. Tiếp theo đó nêu ra các biện pháp từ Điểm a đến Điểm e quy định ở Khoản 2 là yêu cầu, nhưng ở dưới các yêu cầu lại quy định là cấm, là kê biên là không phù hợp. Ví dụ, có thể nói yêu cầu không được thay đổi hiện trạng tài sản đang tranh chấp, chứ không thể nói yêu cầu cấm thay đổi hiện trạng tài sản đang tranh chấp. Quy định như vậy cho rõ ràng.

Khoản 2, Điều 69 về căn cứ hủy phán quyết trọng tài có quy định như sau: Tòa án ra quyết định hủy phán quyết trọng tài nếu xét thấy phán quyết trọng tài trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam có liên quan. Có thể nói quy định như thế này quá chung chung và sẽ khó thực hiện trong thực tế, bởi vì có thể bị áp dụng một cách tùy tiện. Bởi vì ở Khoản 4, Điều 72 có quy định về xét đơn yêu cầu hủy phán quyết trọng tài quy định, khi xét đơn yêu cầu Hội đồng xét đơn yêu cầu không xét lại nội dung vụ án tranh chấp mà chỉ căn cứ quy định tại Điều 69 của luật này để ra quyết định, trong khi đó thì Điều 69 quy định rất chung chung rất khó áp dụng. Do đó tôi đề nghị phải quy định rõ nội dung này.

Trên đây là một số ý kiến của tôi tham gia vào dự án Luật trọng tài thương mại. Xin hết, xin cám ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan