Góp ý của Đại biểu Quốc hội Lê Văn Tâm – TP Cần Thơ

Thứ Tư 09:09 26-05-2010

Kính thưa Quốc hội,

Cơ bản thì tôi đồng tình với quan điểm trong dự án luật và Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý của Ủy ban thường vụ Quốc hội, nhưng có một số điểm theo tôi thấy cũng không thỏa đáng, đề nghị Ban soạn thảo Ủy ban thường vụ Quốc hội, Quốc hội xem lại. Trước hết, ở Điều 4 về nguyên tắc giải quyết tranh chấp bằng trọng tài, tôi thấy Khoản 4 của Điều 4 này giải quyết tranh chấp bằng trọng tài được tiến hành không công khai trừ các trường hợp các bên có thỏa thuận khác thì điểm này tôi thấy không thỏa đáng, bởi vì đây là tranh chấp và giải quyết tranh chấp mà giải quyết tranh chấp là giải quyết theo pháp lý, quy định của pháp luật. Đồng thời ở đây thể hiện việc các bên không thực hiện theo hợp đồng đã hợp đồng và dư luận xã hội cũng quan tâm, cho nên tôi nghĩ giải quyết như thế là giải quyết bí mật, giải quyết mà không công khai, giấu trong việc giải quyết thì tôi thấy không có tác dụng. Do vậy, tôi đề nghị sửa lại là: "giải quyết tranh chấp bằng trọng tài được tiến hành công khai, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác", ở điểm này tôi đề nghị sửa ở Điều 56 Khoản 1 ở trang 19 trong dự thảo này.

Thứ hai, về xác định Tòa án có thẩm quyền đối với hoạt động của trọng tài, theo giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì thật sự tôi cũng chưa đồng tình. Theo tôi thì hiện nay Tòa án cũng rất nhiều việc phải làm, đặc biệt là việc xét xử dân sự thì vấn đề này còn tồn đọng cũng không phải ít. Nhưng ở đây về thu thập chứng cứ, áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, triệu tập người làm chứng mà trọng tài thì giải quyết nhưng yêu cầu Tòa án thực hiện thay tình hình công việc này. Tôi nghĩ như vậy là không hợp lý, nghĩa là tổ chức tư pháp này để thu thập chứng cứ cho tổ chức tư pháp khác hay cho tài phán tư thì tôi nghĩ rằng điều này không hợp lý mà bây giờ vấn đề có quyền hay không là do luật định. Nếu luật định quy định trọng tài riêng hoặc Hội đồng trọng tài được quyền thu thập chứng cứ, được quyền áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời và được quyền triệu tập người làm chứng thì tất cả các tổ chức và cá nhân phải chịu trách nhiệm thi hành chứ không phải là không có quyền. Điều này tôi đề nghị sửa lại và như vậy thì trong dự thảo luật này ở Điều 58, Khoản 2 nói về vấn đề áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời thì tôi thấy cũng đã giao cho cơ quan thi hành án.

Ở Khoản 5 của Điều 47, vấn đề thu thập chứng cứ thì cũng đã nêu vấn đề này, tôi đề nghị nên xem lại và chỉnh theo hướng là giao quyền cho trọng tài viên hoặc cho Hội đồng thẩm phán để thực hiện giống như thẩm phán chủ tọa của phiên tòa được quyền thực hiện các biện pháp tôi nói trên.

Vấn đề thứ ba, xung quanh về vấn đề thương lượng hòa giải trong tố tụng trọng tài thì trong này quy định nói chung trong quá trình tố tụng trọng tài các bên có quyền tự do thương lượng, thỏa thuận với nhau về việc giải quyết tranh chấp thì vấn đề nhất trí rồi. Nhưng nếu có yêu cầu Hội đồng trọng tài hòa giải để các bên thỏa thuận với nhau về việc giải quyết tranh chấp nghĩa là khi có các đương sự yêu cầu các bên yêu cầu thì Hội đồng trọng tài mới tổ chức hòa giải. Tôi thấy rằng điều này là không hợp lý, quan điểm tôi tôi đề nghị là việc hòa giải phải xem như đó là một giải pháp bắt buộc trong giải quyết các vấn đề tranh chấp, kể cả vấn đề tranh chấp trọng tài thương mại. Vấn đề này cũng đề nghị sửa ở Điều 59 về việc công nhận hòa giải thành theo yêu cầu của các bên, tôi nghĩ có thể giao cho Hội đồng trọng tài hoặc có thể giao cho trọng tài viên được bầu chọn làm Chủ tịch Hội đồng trọng tài để thực hiện việc hòa giải bắt buộc.

Vấn đề thứ tư, chuẩn trọng tài thực ra tiêu chuẩn trọng tài viên được chọn có 3 tiêu chuẩn: một là có đủ năng lực hành vi dân sự; hai là có trình độ đại học; ba là có thời gian 5 năm công tác ở ngành. Để đảm bảo uy tín tin cậy, tôi đề nghị với Ban soạn thảo và Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem lại việc bồi dưỡng đối với trọng tài viên khi được chọn làm trọng tài. Anh có trình độ nghiệp vụ chuyên môn được bồi dưỡng về luật, được bồi dưỡng về quy trình tố tụng của trọng tài, như vậy trong vấn đề giải quyết đảm bảo tăng sự tin cậy, đảm bảo thực thi đúng theo quy định của pháp luật, một người công tác ở ngành nào đó đúng thời gian 5 năm mình đưa vào để làm trọng tài viên, như vậy là không đảm bảo để giải quyết hoặc cũng có thể ta quy định tiêu chuẩn trong này trên cơ sở đã học đại học và qua thực tế công tác ngành 4 năm trở lên, không nhất thiết phải 5 năm để có thời gian cho đào tạo.

Điểm thứ năm, chuẩn bị cho phiên họp giải quyết tranh chấp, tôi thấy trong này đặt vấn đề "Các bên nhận được giấy triệu tập trước 30 ngày mở phiên họp" Tôi nghĩ trong luật này quy định một điều hơi khác, trong này không có quy định về thời gian chậm nhất mà Hội đồng trọng tài mở phiên giải quyết về tranh chấp hợp đồng, tức là không có thời gian quy định chậm nhất mà lại có thời gian quy định trước 30 ngày mở phiên họp thư triệu tập phải đến các bên, tôi thấy không hợp lý và thời gian cũng hơi dài. Tốt nhất là khoảng 10 hoặc 15 ngày thôi thì hợp lý hơn. Chứ còn thời gian nhận trước 30 ngày thì rất khó cho việc tổ chức thực hiện.

Điểm cuối cùng là chung quanh Điều 41 thành lập Hội đồng trọng tài. Ở đây về thời gian cũng không hợp lý. Trong thời hạn 30 ngày nếu bị đơn chưa chọn được trọng tài viên thì lúc này Trung tâm trọng tài đề nghị chọn. Trong Khoản 1, Khoản 2, Khoản 3 quy định thời gian rất nhiều. Tôi đề nghị Ban soạn thảo rút gọn thời gian lại. Thay vì 30 ngày thì nên để 10 hoặc 15 ngày thôi. Nếu không kéo dài thời gian rồi hoãn tới, hoãn lui thì không biết đến bao giờ mới giải quyết chấm dứt được vấn đề tranh chấp.

Xin hết ý kiến, xin cám ơn.

Các văn bản liên quan