Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu kết luận Hội nghị
Kính thưa Quốc hội,
Thưa các vị khách quý.
Cho đến lúc này có 12 đại biểu Quốc hội đăng ký và đã phát biểu tại Hội trường về dự án Luật trọng tài thương mại. Đây là dự án luật do trung ương Hội luật gia Việt Nam là cơ quan chủ trì soạn thảo, đa số ý kiến các vị đại biểu Quốc hội qua thảo luận ở tổ và thảo luận tại hội trường hôm nay đều có ý kiến đánh giá chung là một dự án luật được chuẩn bị khá công phu, về cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu trình Quốc hội và bảo đảm các điều kiện quy định của luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Ban soạn thảo đã tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo để lấy ý kiến của các chuyên gia trong nước và quốc tế. Bây giờ chúng tôi có đề nghị Quốc hội cho ý kiến về 6 vấn đề chính của dự án luật:
Vấn đề thứ nhất là phạm vi, thẩm quyền giải quyết các tranh chấp của Hội đồng trọng tài thương mại quy định tại Điều 2. Có ba loại ý kiến, nhưng đa số ý kiến của các đại biểu phát biểu tại tổ và tại Hội trường hôm nay đồng ý với phạm vi, thẩm quyền giải quyết của trọng tài thương mại gồm các hoạt động thương mại theo quy định của Luật Thương mại năm 2005 và có mở rộng thêm các trường hợp liên quan đến một bên có hoạt động thương mại, cũng như các trường hợp không phát sinh từ hoạt động thương mại nhưng được các hoạt động khác điều chỉnh, phương án 1 trong Điều 2 cũng là phương án mà Ủy ban Thẩm tra của Quốc hội đồng tình với phương án này. Tuy nhiên có hai phương án nữa mà các vị đại biểu Quốc hội nêu ra, đó là phương án 2 nêu trong dự thảo và phương án 3 là ý kiến của đại biểu Nguyễn Đăng Trừng, đại biểu Ngô Đức Mạnh kết hợp 2 phương án để chọn ra một phương án có thể thoả mãn được ưu điểm của 2 phương án kia, nhưng đa số ý kiến tán thành với phương án 1.
Vấn đề thứ hai, về tiêu chuẩn của trọng tài viên, có hai loại ý kiến. Đa số ý kiến đề nghị Ban soạn thảo, cơ quan trình dự án nên quy định cụ thể tiêu chuẩn của trọng tài viên làm cơ sở căn cứ cho việc tuyển chọn cũng như đề cao vai trò, trách nhiệm, cũng như bảo đảm chất lượng giải quyết của trọng tài viên khi giải quyết các tranh chấp theo yêu cầu của các bên. Ý nữa cũng nói rằng trong hệ thống pháp luật Việt Nam cũng như thực tiễn tư pháp của chúng ta, các chức danh tư pháp như Thẩm phán, Kiểm sát viên, Điều tra viên, Luật sư, Công chứng viên, Giám định viên, Chấp hành viên thì Quốc hội đều quy định cụ thể rõ ràng các tiêu chuẩn điều kiện để được bổ nhiệm hoặc là được giữ các chức danh này. Cho nên dự án Luật này cũng nên quy định cụ thể các tiêu chuẩn. Tuy nhiên cũng có ý kiến đề cập đến vấn đề là cũng nên tham khảo tính đặc thù của cơ chế giải quyết tranh chấp trọng tài ở các nước cũng như quốc tế để có thể quy định theo hướng mở. Có thể trong luật chỉ quy định một số nguyên tắc về tiêu chuẩn trọng tài viên còn cái chính là do các trung tâm trọng tài sau này quy định các tiêu chuẩn này để họ tự lựa chọn trọng tài của mình. Đây là vấn đề chúng tôi đề nghị Ban soạn thảo cùng với cơ quan tiếp tục nghiên cứu và giải trình với Quốc hội khi xem xét thông qua.
Vấn đề thứ ba, là về hoạt động của trọng tài nước ngoài tại Việt Nam thì trong xu thế hội nhập mở cửa và khi chúng ta đã trở thành thành viên của tổ chức thương mại thế giới rồi thì vấn đề trọng tài là vấn đề phổ biến ở các nước. Đề nghị nên có một chương riêng trong dự án Luật này quy định về tổ chức hoạt động của trọng tài nước ngoài và trọng tài viên. Và cái này cũng là kế thừa Pháp lệnh trọng tài năm 2003 của chúng ta, trước đây Pháp lệnh trọng tài cũng đã có một điều riêng quy định vấn đề này rồi cũng tham khảo Luật Luật sư năm 2006 của Quốc hội ban hành thì có một chương riêng về tổ chức hoạt động hành nghề luật sư của người nước ngoài tại Việt Nam. Đề nghị các đồng chí nên tiếp thu ý này.
Vấn đề thứ tư, là về thẩm quyền của Hội đồng trọng tài áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời quy định tại Điều 48 của dự thảo Luật thì đa số ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội đều đồng ý là Hội đồng trọng tài cũng có quyền áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời. Đây là một biện pháp nhằm duy trì hiện tượng tranh chấp rồi tiến hành các biện pháp cần thiết để bảo quản tài sản, bảo đảm cho việc thi hành phán quyết, bảo quản chứng cứ hay các tài sản liên quan đến tranh chấp. Tóm lại đây cũng là một biện pháp cần thiết để giải quyết vấn đề tranh chấp khi đưa ra trọng tài, ngoài biện pháp khẩn cấp mà tòa án có thẩm quyền áp dụng.
Vấn đề thứ năm, là vấn đề đăng ký thẩm quyền trọng tài vụ việc quy định tại Điều 62, không có ý kiến khác, đa số đại biểu phát biểu hôm nay đều tán thành phán quyết của trọng tài vụ việc phải được đăng ký tại tòa án để làm căn cứ, cơ sở cho sự hỗ trợ của tòa án hoặc cơ quan thi hành án khi giải quyết việc thực hiện các phán quyết của Hội đồng trọng tài.
Vấn đề thứ sáu, là vấn đề quản lý Nhà nước về trọng tài tại Điều 12, đại biểu Quốc hội đồng ý với nội dung quy định tại Điều 12 về nội dung quản lý Nhà nước và cũng đồng ý giao cho Bộ Tư pháp là cơ quan thuộc Chính phủ giúp Chính phủ quản lý thống nhất về vấn đề trọng tài. Những nội dung như đào tạo trọng tài viên, trong Báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Tư pháp đề nghị cân nhắc, việc đào tạo trọng tài viên có nên giao cho Bộ Tư pháp hay không hay để cho các trọng tài khi được trở thành trọng tài viên họ được đào tạo rồi chỉ hướng dẫn, bồi dưỡng cho họ thôi, vì sau này còn có hiệp hội trọng tài thì sẽ làm nhiệm vụ này thay cho cơ quan quản lý Nhà nước. Cũng có ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị đây là nhiệm vụ quản lý Nhà nước gắn với việc đào tạo, bồi dưỡng, hướng dẫn nghiệp vụ cũng như việc kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm, đây là những nội dung thuộc chức năng quản lý Nhà nước.
Có 6 vấn đề như vậy, các đại biểu Quốc hội đều đồng ý về cơ bản theo dự án luật. Ngoài ra cũng có một số vấn đề khác như ngôn ngữ sử dụng trong giải quyết tranh chấp của trọng tài, vấn đề trọng tài viên có thể là người nước ngoài, các bên lựa chọn địa điểm giải quyết tranh chấp trọng tài, cho phép trọng tài nước ngoài mở chi nhánh văn phòng tại Việt Nam, những vấn đề về kỹ thuật lập pháp và những vấn đề khác nữa, Đoàn thư ký kỳ họp đã ghi nhận đầy đủ và đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo phối hợp với cơ quan chủ trì thẩm tra sẽ có Báo cáo giải trình, tiếp thu trong kỳ họp tới đây của Quốc hội khi xem xét thông qua dự án luật này.
Bây giờ tôi xin phép báo cáo với Quốc hội một lần nữa để Quốc hội cho ý kiến và quyết định. Theo chương trình làm việc của Quốc hội, Quốc hội chúng ta sẽ làm việc hết cả ngày thứ sáu 27/11/2009. Nhưng theo chương trình sau khi đồng chí Chủ tịch Quốc hội có ý kiến và chúng tôi có hội ý thì thấy rằng trong ngày mai, tức là thứ năm ngày 26/11/2009 thì chúng ta thảo luận tại Hội trường về 2 dự án luật: Dự án Luật thi hành án hình sự và dự án Luật an toàn thực phẩm. Chúng tôi đề nghị ngày mai các vị đại biểu Quốc hội mang theo cả 3 dự án luật: Luật thi hành án hình sự, Luật an toàn thực phẩm và dự án Luật người khuyết tật, sáng ngày mai chúng ta thảo luận về Luật thi hành án hình sự, chiều ngày mai chúng ta thảo luận về dự án Luật an toàn thực phẩm và Luật người khuyết tật, còn nếu đại biểu còn đăng ký phát biểu tiếp thì chúng ta có thể kéo sang sáng thứ sáu ngày 27/11/2009 một phần của Luật người khuyết tật nữa, sau đó chúng ta bế mạc kỳ họp này vào sáng ngày 27/11/20009.
Như vậy Quốc hội nhất trí cao với đề nghị của chúng tôi, xin chân thành cảm ơn Quốc hội. Bây giờ mời Quốc hội về nghỉ.