Góp ý của Đại biểu Quốc hội Ngô Đức Mạnh – Bình Phước
Kính thưa Quốc hội.
Về dự án Luật trọng tài thương mại do Hội luật gia chuẩn bị trình Quốc hội, chúng tôi có ý kiến như sau.
Thứ nhất chúng tôi nhận thấy Hội luật gia là một tổ chức xã hội nghề nghiệp của giới luật gia Việt Nam đã có quá trình chuẩn bị công phu, tập hợp lực lượng và tranh thủ ý kiến của các chuyên gia trong nước và quốc tế soạn thảo một dự án Luật, chúng tôi cho rằng dự án Luật được chuẩn bị công phu với rất nhiều tài liệu tham khảo và có những dẫn chứng cụ thể đó là đánh giá về hoạt động của trọng tài, Pháp lệnh trọng tài 2003 và những điểm cần sửa đổi bổ sung.
Ý thứ hai, qua nghe ý kiến của các vị đại biểu phát biểu, chúng ta thảo luận rất sâu về phạm vi giải quyết tranh chấp của trọng tài. Điều này liên quan đến là có nên cho trọng tài của chúng ta giải quyết những tranh chấp mà không phải là thương mại hay không? ý kiến của chúng tôi nhận thấy như thế này. Ở đây trong dự thảo trình Quốc hội thì có đề ra hai phương án. Phương án thứ nhất giải quyết các hoạt động thương mại theo quy định của Luật thương mại, và theo quy định của Luật thương mại, thì chỉ là các tranh chấp mà có phát sinh, có hoạt động sinh lợi. Phương án thứ hai thì là cho phép mở rộng đối tượng xét xử các tranh chấp, có thể ngoài hợp đồng, trong hợp đồng. Chúng tôi cho rằng cách tiếp cận của hai phương án này là có điểm không giống nhau. Một bên tiếp cận từ việc căn cứ vào hợp đồng, một bên từ bản chất hoạt động ấy có sinh lợi hay không? Chỗ này chúng tôi nghĩ cách tiếp cận không nhất quán. Cho nên chúng ta khó có thể so sánh phương án nào hơn phương án nào. Từ đấy quan điểm của chúng tôi đề xuất như thế này. Rõ ràng thời buổi hiện nay có rất nhiều tranh chấp, không phải chỉ là hoạt động thương mại sinh lợi mà trên thực tế chúng ta thấy các cơ quan nhà nước, các ban quản lý dự án nhà nước có những hoạt động mua sắm công, thì hoàn toàn là mua sắm cho cơ quan Nhà nước, họ cũng có sinh lợi. Rồi tầu vận tải trên sông chẳng hạn, có thể va đập, có thể gây ra sự cố tràn dầu thì đâu là hoạt động sinh lợi. Nhưng khi phát sinh tranh chấp người ta muốn giải quyết bằng phương thức trọng tài, nhanh, gọn, tránh cho việc thưa kiện. Cho nên chúng tôi nghĩ rằng chúng ta cần phải mở rộng phạm vi giải quyết và kể cả những hoạt động không phải thương mại.
Còn hoạt động đó có phải trong hợp đồng hay không, tức là phương án 2 ở đây, thì chúng ta phải thấy có thể trong hợp đồng có điều khoản là nếu tranh chấp xảy ra thì giải quyết bằng trọng tài. Và cũng có thể nếu không ghi điều khoản đó trong hợp đồng thì khi tranh chấp phát sinh người ta phải tính cách dàn xếp vụ việc và người ta có thể tính đến phương án trọng tài. Cho nên từ đấy khi đề ra hai phương án như ở đây chúng tôi nghĩ rằng về bản chất, một là có mở rộng phạm vi giải quyết hay không, hai là kể cả tranh chấp ngoài hợp đồng, kể cả những tranh chấp không sinh lợi. Cho nên chúng tôi nghĩ rằng nên tổng hợp lại thành một phương án chung.
Vấn đề thứ hai là tiêu chuẩn trọng tài viên. Trước tôi các đại biểu đã phát biểu, chúng tôi xem lại thì thấy rõ ràng các tiêu chuẩn ở đây rất linh hoạt. Tôi cho rằng trong điều kiện hiện nay khi người ta gửi gắm khối lượng tài sản cũng như hy vọng trọng tài sẽ xử các tranh chấp của mình một cách vô tư, khách quan thì chúng ta cần nâng cao hơn nữa chất lượng của trọng tài viên. Nhưng ở đây chúng ta thấy trong chương về quản lý Nhà nước chỉ có Điều 12 là một điều khoản chung về trách nhiệm quản lý Nhà nước, nhưng hiện nay chúng ta thấy Trung tâm trọng tài thương mại quốc tế được thành lập bên cạnh Phòng Thương mại công nghiệp Việt Nam, rồi Hội luật gia là đại diện cho các giới luật gia và nhiều người làm trọng tài viên, Bộ Tư pháp quản lý Nhà nước và có trách nhiệm hướng dẫn, ban hành các quy định này. Vậy sức mạnh tổng hợp của chúng ta ở đây là gì, tôi nghĩ rằng cần phải có định hướng để phát triển đội ngũ trọng tài viên và nhất là sự gắn kết, phối hợp giữa phát huy vai trò của Nhà nước là Bộ Tư pháp với vai trò của Hội luật gia là tổ chức xã hội nghề nghiệp với tổ chức chuyên môn đại diện cho giới doanh nghiệp, doanh nhân là phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam. Có như vậy thì trọng tài viên của chúng ta nếu có điều kiện cọ sát với thực tế được đào tạo và có khả năng tham gia giải quyết tranh chấp có yếu tố nước ngoài.
Ở đây liên quan đến vấn đề này chúng ta thấy những điều liên quan đến trung tâm trọng tài từ Điều 21 đến Điều 28, rõ ràng ở đây quy định có 5 sáng lập viên thì thành lập trung tâm trọng tài, nhưng mối quan hệ gắn kết giữa các trung tâm này với nhau như thế nào và với các cơ quan chức năng như thế nào.
Tại Điều 25 của dự thảo quy định là trung tâm trọng tài phải có danh sách trọng tài viên, rõ ràng đó là một quy định tôi nghĩ hết sức đơn giản và cần phải bổ sung thêm quy định này ở chỗ là có khả năng linh hoạt và đề ra những yêu cầu đánh giá năng lực của trọng tài viên, có sự luân chuyển bổ sung thêm người xứng đáng làm trọng tài viên. Từ phát hiện của quần chúng hoặc của những người bên tranh chấp thì mới có khả năng loại trừ và không cho làm trọng tài viên của các tổ chức trung tâm trọng tài. Tôi nghĩ cần phải đề cao hơn nữa vai trò của quản lý Nhà nước và nhất là đào tạo phát triển đội ngũ của trọng tài viên.
Ở đây còn có vấn đề về yếu tố nước ngoài trong hoạt động của trọng tài như thế nào? Tôi cho rằng cần phải bổ sung thêm quyền hạn, trách nhiệm của các trung tâm trọng tài có khả năng thụ lý, xử lý vụ việc có yếu tố nước ngoài, nhất là nhận những vụ việc có thể do trung tâm quốc tế chuyển lại cho chúng ta để chúng ta xem xét và xử lý theo pháp luật Việt Nam. Đây là một điều chúng tôi nghĩ là hết sức quan trọng.
Cuối cùng, về phí trọng tài viên, trước tôi có đại biểu phát biểu thì tôi hoàn toàn nhất trí cần phải rà soát lại những khoản ấy chi phí có hợp lý không? ở trong dự án luật quy định có 5 năm khoản chi phí, kể cả chi phí đi lại, chi phí khác v.v... rồi chi phí thuê mướn luật sư, thuê mướn chuyên gia. Tôi đề nghị cần phải có một khoản chung mà là chi phí trọng tài theo vụ việc. Đấy là những vấn đề chúng tôi xin được tham gia ý kiến với Ban soạn thảo, xin cảm ơn Quốc hội.