Góp ý của Đại biểu Quốc hội Nguyễn Đăng Trừng – TP Hồ Chí Minh
Kính thưa Quốc hội,
Tôi xin được phép tham gia ý kiến đối với dự án Luật trọng tài thương mại như sau:
Thứ nhất, đối với phạm vi, thẩm quyền giải quyết các tranh chấp của trọng tài thương mại tại Điều 2. Vấn đề này theo tờ trình của Ban soạn thảo có 2 loại ý kiến khác nhau: Loại ý kiến thứ nhất là giới hạn phạm vi bao gồm các hoạt động thương mại theo quy định của Luật Thương mại năm 2005 có mở rộng thêm các trường hợp liên quan đến một bên có hoạt động thương mại và những trường hợp không phát sinh từ hoạt động thương mại nhưng được các luật khác điều chỉnh quy định giải quyết tranh chấp bằng trọng tài.
Ý kiến thứ hai mở rộng phạm vi thẩm quyền của trọng tài cho tất cả các tranh chấp liên quan đến quyền và lợi ích của các bên phát sinh từ nghĩa vụ hợp đồng hoặc ngoài hợp đồng giữa các chủ thể dân sự không phân biệt tranh chấp dân sự và thương mại. Tôi cho rằng loại ý kiến thứ nhất đã thu hẹp quá nhiều phạm vi thẩm quyền giải quyết của trọng tài nhưng loại ý kiến thứ hai lại mở quá rộng phạm vi thẩm quyền giải quyết tranh chấp của trọng tài. Theo tôi cũng không phù hợp đặc biệt là không thể không phân biệt giữa tranh chấp thương mại và dân sự. Nên tôi đề nghị phương án thứ ba là giữ khái niệm hoạt động thương mại theo quy định của Luật thương mại nhưng mở rộng thêm ba hướng;
Hướng thứ nhất, là các trường hợp liên quan đến một bên có hoạt động thương mại, ví dụ trong tranh chấp về nhà ở, một bên có đầu tư phát triển nhà thương mại,
Hướng thứ hai, các trường hợp mà các luật khác trong nước quy định tranh chấp được giải quyết bằng trọng tài, ví dụ Luật đầu tư 2005, Điều 12 quy định tranh chấp giữa cơ quan quản lý Nhà nước và nhà đầu tư có thể giải quyết bằng biện pháp trọng tài trong và ngoài nước, Luật hàng không dân dụng Việt Nam Điều 32, Điều 173; Luật chứng khoán Điều 6, Điều 31; Luật chuyển giao công nghệ 2006 Điều 55; Luật xây dựng 2003, Điều 110; Bộ luật hàng hải 2005, Chương VIII đã quy định những trường hợp thuộc thẩm quyền giải quyết của trọng tài mà không mang tính chất thương mại.
Hướng mở thứ ba là theo quy định của tổ chức thương mại thế giới thì các tranh chấp giữa các quốc gia về chính sách thương mại. Tranh chấp giữa Nhà nước Việt Nam với các cá nhân và Tổ chức nước ngoài có thể giải quyết bằng trọng tài. Nhưng các loại tranh chấp sau đây không thuộc thẩm quyền giải quyết của trọng tài: Tranh chấp liên quan đến các quyền về nhân thân, quan hệ hôn nhân gia đình, thừa kế, về phá sản doanh nghiệp, về quan hệ lao động.
Nội dung thứ hai mà tôi xin đóng góp ý kiến đó là tôi ủng hộ quy định trong dự án Luật liên quan trực tiếp đến yêu cầu hội nhập quốc tế của đất nước:
Thứ nhất, là lựa chọn ngôn ngữ được sử dụng trong tố tụng trọng tài Điều 9, Khoản 2, đối với các vụ tranh chấp có yếu tố nước ngoài ngôn ngữ sử dụng trong tố tụng trọng tài do các bên thỏa thuận nghĩa là có thể sử dụng tiếng nước ngoài, thông thường là tiếng anh. Đây là các trung tâm trọng tài quốc tế trong khu vực chung quanh chúng ta như Singapore, Hồng Kong, Malaysia phần lớn họ sử dụng tiếng anh. Lựa chọn luật pháp áp dụng giải quyết tranh chấp Điều 11, Khoản 2, đối với các tranh chấp có yếu tố nước ngoài Hội đồng trọng tài áp dụng luật do các bên lựa chọn.
Thứ ba, là không yêu cầu trọng tài phải có quốc tịch Việt Nam Điều 17 nghĩa là trọng tài viên quy chế hoặc vụ việc ở Việt Nam có thể là người nước ngoài.
Tiếp theo là địa điểm giải quyết trọng tài Điều 34, các bên có quyền thỏa thuận địa điểm giải quyết trọng tài, cái này thực tiễn cũng đã giải quyết, đã xảy ra. Ví dụ như trọng tài Hồng Kông, trọng tài Singapore họ có thể thụ lý giải quyết ở Malaysia, địa điểm giải quyết có thể như thế. Tới đây trọng tài Việt Nam cũng có thể giải quyết ở Singapore chẳng hạn.
Điểm cuối cùng là cho phép các tổ chức trọng tài nước ngoài được mở chi nhánh và văn phòng đại diện tại Việt Nam. Tôi cho những quy định như thế là phù hợp với yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước.
Điểm thứ ba, là thẩm quyền của Hội đồng trọng tài áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời Điều 48. Tôi ủng hộ ý kiến của Ủy ban Tư pháp là cho phép Hội đồng trọng tài được áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, lý do: Tuy quy định này mới so với Pháp lệnh trọng tài thương mại năm 2003, nhưng phù hợp với thực tế Việt Nam và Luật mẫu về trọng tài thương mại quốc tế, Ủy ban Liên hợp quốc về Luật thương mại quốc tế cũng như Luật trọng tài nhiều nước trên thế giới. Nhưng việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời chỉ giới hạn khi bắt đầu tố tụng trọng tài, nghĩa là sau khi Hội đồng trọng tài được thành lập và chỉ các bên tranh chấp mới có quyền yêu cầu áp dụng biện pháp tạm thời, còn bên thứ ba không có quyền này. Trên đây là một số ý kiến của tôi đóng góp với Dự thảo Luật trọng tài thương mại, xin cảm ơn các vị đại biểu.