Góp ý của Đại biểu Quốc hội Lê Văn Tâm – TP Cần Thơ

Thứ Sáu 14:44 27-11-2009

Kính thưa Quốc hội,

Đóng góp vào dự án Luật trọng tài thương mại tôi xin có 5 ý kiến đóng góp ở 5 điều luật. Thứ nhất, về thẩm quyền giải quyết các tranh chấp của trọng tài thương mại ở Điều 2. Tôi thống nhất phương án 1 trong dự thảo, tức là theo Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp. Tuy nhiên ở Khoản 3, Điều 2 tôi thấy không rõ. Điều này ghi là tranh chấp giữa các bên phát sinh không từ hoạt động thương mại đã được quy định ở lĩnh vực khác. Tôi đề nghị phải thiết kế lại Khoản 3 này. Khoản này nói cho rõ hơn là được giải quyết các phát sinh có liên quan trong các giải quyết tranh chấp tồn tại, tức là những phát sinh này nằm trong giải quyết một vụ kiện của trọng tài đang giải quyết. Nếu không nói rõ phạm vi thì dễ nhầm lẫn Khoản 3, Điều 2 Luật trọng tài thương mại là được giải quyết các quan hệ dân sự hoặc đầu tư v.v.... Bởi vì trong này nói có từ là không từ hoạt động thương mại đã được quy định tại các điều khác, như vậy nó không rõ cho nên tôi đề nghị phải thiết kế rõ trong điều này.

Vấn đề thứ hai, Điều 17 về tiêu chuẩn trọng tài, tôi đồng ý với Ủy ban Tư pháp thống nhất vào ý kiến thứ hai, tức là đã được thể hiện trong dự thảo, luật có quy định tiêu chuẩn của trọng tài viên. Theo tôi hoạt động trọng tài thương mại cũng là một hoạt động tư pháp và cũng có chức danh, chức vụ và thực chất trong giải quyết trọng tài cũng là xét xử hoặc giải quyết tranh chấp mà ít nhất trong giải quyết đó có hai bên. Nhưng tôi không đồng tình trong dự thảo ở đoạn cuối Khoản 1, Điều 17 nêu là "ngoài tiêu chuẩn nêu trên thì trung tâm trọng tài có thể quy định thêm các tiêu chuẩn khác đối với trọng tài viên của tổ chức mình", tôi cho rằng điều, khoản này sẽ dẫn đến sự tùy tiện của các tổ chức trọng tài ở các địa phương khác nhau, nó tạo nên một sự không thống nhất của đội ngũ trọng tài. Tôi đề nghị phải bổ sung là muốn trở thành trọng tài viên thì Luật nên ghi phải qua một lớp đào tạo hoặc bồi dưỡng tạo nguồn, vì đây là hoạt động giải quyết tranh chấp hay nói chung xét xử thì trọng tài được bồi dưỡng về kiến thức pháp luật hoặc phương thức hoạt động của tổ chức trọng tài và cần thiết ở điểm này có thể ưu tiên cho trung tâm trọng tài mới thành lập hoặc là đội ngũ cán bộ ở vùng sâu, vùng xa hay người dân tộc, thay vì 5 năm có trình độ cử nhân mà phải có thời gian công tác 5 năm thì có thể 3 hoặc 4 năm cũng được. Tôi đề nghị thiết kế thêm một chỗ đó như vậy.

Điểm thứ ba, về Điều 19 phạm vi, trách nhiệm của trọng tài viên, thiết kế khi thực hiện nhiệm vụ trọng tài viên chỉ chịu trách nhiệm cố ý vi phạm các quy định của luật này tức là phần trách nhiệm của trọng tài viên khi cố ý thôi mà luật này không có chương về chế tài hoặc là kỷ luật, hay trọng tài viên nếu vi phạm luật thì chịu trách nhiệm gì? Thậm chí trọng tài viên vi phạm thì không nói chịu trách nhiệm trước pháp luật. Cho nên tôi đề nghị Ban soạn thảo phải bổ sung cụ thể về chế tài hoặc là vấn đề trách nhiệm khi vi phạm.

Điểm thư tư, tôi đồng tình với phán quyết của trọng tài là trung thẩm nêu ở Khoản 4, Điều 4 tức là về nguyên tắc giải quyết tranh chấp của trọng tài. Như vậy không phải qua giai đoạn sơ thẩm, phúc thẩm như tòa án xét xử hiện nay. Tôi hy vọng luật này khi giải quyết tranh chấp vụ việc sẽ được giải quyết nhanh và luật ghi tại Khoản 2, Điều 47 về thẩm quyền của Hội đồng trọng tài về thu thập chứng cứ, về kết quả giám định định giá có giá trị bắt buộc đối với các bên. Tôi nghĩ đây là điều rất tiến bộ ghi trong luật bởi vì nó không để việc thẩm định, định giá kéo dài như tình trạng giải quyết hiện nay. Tuy nhiên tại Khoản 4, Điều 47 về thẩm quyền của Hội đồng trọng tài về thu thập chứng cứ tôi không đồng tình trong này, tức là thiết kế là Hội đồng trọng tài hoặc một bên hoặc các bên không tự mình thu thập được chứng cứ thì yêu cầu tòa án làm thay, hoặc là yêu cầu tòa án đảm bảo sự có mặt của người làm chứng. Tôi đề nghị theo tôi Luật này có mâu thuẫn với tố tụng dân sự hiện nay, thẩm phán không tự mình thu thập chứng cứ bởi vì như vậy là không khách quan. Và hiện nay xét xử của tòa án cũng xin báo cáo với các đồng chí là tôi thấy cũng đã quá tải, cho nên tôi đề nghị Luật nên thiết kế khi cần thiết thì Hội đồng trọng tài có quyền áp dụng các biện pháp mà Luật quy định để thu thập chứng cứ hoặc đảm bảo sự có mặt của người làm chứng để giải quyết tranh chấp. Tức là quy định luôn trách nhiệm của Hội đồng trọng tài được quyền này không cần thiết phải đề nghị tòa án giúp sức trong việc thu thập chứng cứ.

Điểm thứ năm, về Điều 48 thẩm quyền của Hội đồng trọng tài áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời thì tôi cũng đồng tình với Báo cáo của Uỷ ban tư pháp về Hội đồng trọng tài cũng có quyền áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời, nhưng đề nghị thiết kế ở Khoản 7 Điều 48 là Hội đồng trọng tài có quyền yêu cầu cơ quan thi hành dân sự cùng cấp thi hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự. Thay vì hiện nay trong Luật ghi ở Khoản 7 của điều này nói một bên có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự thì tôi nghĩ một bên có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án thi hành giải quyết tranh chấp trọng tài là không khả thi và không phù hợp. Ở đây việc này phải là Hội đồng trọng tài có yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự thi hành giải quyết tranh chấp trọng tài thì hợp lý hơn. Tôi xin hết ý kiến. Xin cảm ơn.

 

Các văn bản liên quan