Góp ý của Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thu Hà – Gia Lai
Kính thưa Quốc hội,
Tôi xin đóng góp một số ý kiến vào Dự thảo Luật trọng tài thương mại như sau:
Thứ nhất là phạm vi, thẩm quyền giải quyết các tranh chấp của trọng tài thương mại ở Điều 2. Theo công ước quốc tế về Luật trọng tài, các quyết định của trọng tài thương mại có tính pháp lý tương đương tòa án, có tính ràng buộc chặt chẽ nhưng so với phán quyết của tòa án thì quyết định của trọng tài thương mại thường mềm dẻo hơn, nhanh chóng hơn, tiết kiệm được nhiều thời gian, tiền bạc, không làm căng thẳng quan hệ giữa hai bên và phán quyết của trọng tài được coi là kết quả cuối cùng nên không có trường hợp kháng cáo. Các thủ tục phân xử trọng tài cũng không được công bố công khai, giúp giữ bí mật cho các bên có liên quan. Với những ưu điểm đó tôi đồng ý quan điểm mở rộng thẩm quyền giải quyết tranh chấp của trọng tài thương mại so với Pháp lệnh trọng tài thương mại năm 2003 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tuy nhiên, nước ta hiện nay có khoảng 150 trọng tài viên thương mại, số lượng này so với hơn 80 triệu dân nền kinh tế đang phát triển theo hướng mở rộng thương mại là chưa đủ mạnh, thấp hơn rất nhiều so với các nước như Singapore, Thái Lan, Nhật Bản v.v... Chất lượng, năng lực trọng tài viên chưa cao, trong nhiều trường hợp chưa đạt trình độ và uy tín đảm bảo sự tin cậy của các bên tranh chấp.
Kết quả hoạt động trong thời gian qua của các trung tâm trọng tài thương mại còn mờ nhạt. Cụ thể: từ năm 2003 đến nay Việt Nam có 7 trung tâm trọng tài thương mại, trong đó chỉ có trung tâm trọng tài thương mại quốc tế giải quyết trung bình 20-30 vụ việc/năm, một số trung tâm giải quyết 3-5 vụ việc, thậm chí có những trung tâm từ khi thành lập tới nay chưa giải quyết vụ việc nào. Mặt khác, Điều 1, Quy tắc trọng tài năm 1976 và Luật mẫu về trọng tài thương mại quốc tế quy định phạm vi giải quyết tranh chấp của trọng tài là những tranh chấp thương mại giữa các bên tham gia hợp đồng. Vì vậy, để có đầy đủ cơ sở pháp lý, tính thực tiễn khả thi và phù hợp với quy định của pháp luật quốc tế tôi đồng ý với quy định ở Khoản 1, 2 của phương án 1, Điều 2 của dự thảo luật và không đồng ý với phương án 2, Khoản 3, phương án 1, Điều 2 và đề nghị bỏ các quy định này.
Thứ hai, về tiêu chuẩn trọng tài viên Điều 17. Trên thực tế pháp luật trọng tài của hầu hết các nước không đưa ra tiêu chuẩn của trọng tài viên mà tôn trọng quyền tự quyết của các bên tranh chấp, trong đó có quyền lựa chọn cho mình trọng tài viên phù hợp nhất để giải quyết tranh chấp dựa trên niềm tin của họ vào tính chuyên nghiệp, kiến thức chuyên môn, uy tín cá nhân của trọng tài. Tuy nhiên, trong điều kiện Việt Nam mức độ sàng lọc và khả năng tiếp cận đối với trọng tài còn hạn chế.
Đồng thời Khoản 4, Điều 4 quy định phán quyết trọng tài là phán quyết trung thẩm. Theo tôi quy định như vậy có nghĩa là trọng tài thương mại có tư cách như là một thẩm phán tư. Tiêu chuẩn thẩm phán thì khá khắt khe được quy định ở Khoản 1, Điều 5 Pháp lệnh thẩm phán và Hội thẩm Tòa án nhân dân ngày 04/10/2002 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Trong đó có một số quy định như: Thẩm phán phải có trình độ cử nhân luật và đã được đào tạo về nghiệp vụ xét xử v.v...Theo đó trọng tài viên thương mại với tư cách là thẩm phán tư có quyền chủ động rất lớn về tố tụng, thủ tục tố tụng cũng phải có tiêu chuẩn tương đương của một thẩm phán và có năng lực thực sự đủ mạnh nhằm đảm bảo hiệu lực của quyết định trọng tài. Vì vậy, tôi đề nghị đối với các trường hợp không phải tốt nghiệp đại học luật trọng tài viên phải có chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật và chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ trọng tài.
Ba, về hoạt động của trọng tài nước ngoài ở Việt Nam. Khác với quy định của Pháp lệnh trọng tài thương mại năm 2003 Điều 17 dự thảo Luật không quy định trọng tài viên phải có quốc tịch Việt Nam. Có nghĩa là cho phép trọng tài viên là người nước ngoài được hành nghề tại Việt Nam. Tuy nhiên dự thảo Luật chưa có điều, khoản nào quy định về trọng tài viên nước ngoài, về tiêu chuẩn của trọng tài viên nước ngoài, quyền và trách nhiệm của họ. Theo thông lệ quốc tế trọng tài viên nước ngoài chỉ được giải quyết các vụ việc về pháp luật của nước ngoài chứ không được giải quyết các vụ việc áp dụng luật của nước sở tại. Vì vậy, tôi đề nghị dự thảo Luật cần quy định cụ thể tiêu chuẩn quyền và trách nhiệm của trọng tài viên nước ngoài. Đồng thời đề nghị có những điều riêng quy định rõ ràng cụ thể về điều kiện thủ tục thành lập quy chế hoạt động của chi nhánh văn phòng đại diện của tổ chức trọng tài nước ngoài tại Việt Nam.
Bốn, về quyền yêu cầu phán quyết, hủy phán quyết trọng tài Điều 69. Khoản 1 Điều 69 quy định trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được phán quyết nếu một bên có chứng cứ thì được quyền gửi đơn yêu cầu hủy phán quyết trọng tài. Tuy nhiên, theo luật mẫu thì thời gian này là 3 tháng và pháp luật một số nước cũng quy định dành khoảng thời gian tương tự để một bên tìm chứng cứ làm cơ sở để hủy phán quyết trọng tài. Luật của chúng ta chỉ quy định 30 ngày theo tôi là hạn chế quyền của các bên tranh chấp. Vì vậy tôi đề nghị kéo dài thời gian này có thể là 45 ngày chẳng hạn.
Về kỹ thuật văn bản, Điều 127 Hiến pháp năm 1992 sửa đổi, bổ sung năm 2001 của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam quy định Tòa án nhân dân tối cao, các toà án nhân dân địa phương, các toà án quân sự và các toà án địa phương khác luật định là những cơ quan xét xử của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam theo đó chỉ có Tòa án mới có quyền xét xử, trọng tài chỉ có thể giải quyết vụ việc. Vì vậy, tôi đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc dùng nhiều các từ xét xử đối với thẩm quyền của trọng tài thương mại. Xin hết. Xin cảm ơn Quốc hội.