Góp ý một số vấn đề cơ bản của Dự thảo Nghị định

Thứ Ba 14:34 07-10-2008

BẢN GÓP Ý DỰ THẢO NGHỊ ĐỊNH VỀ XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH
TRONG LĨNH VỰC KINH DOANH BẢO HIỂM

TS. Nguyễn Văn Tuyến
Trường Đại học Luật Hà Nội

1. Về cách tiếp cận khi ban hành Nghị định

- Đây là một văn bản pháp quy chuyên ngành quy định về việc xử phạt vi phạm hành chính trong một lĩnh vực kinh doanh đặc thù. Vì vậy, để đảm bảo tính hợp lý và rõ ràng, minh bạch của hệ thống pháp luật, Nghị định không nên nhắc lại các quy định có tính chất nguyên tắc chung được áp dụng cho mọi hành vi vi phạm hành chính trong tất cả các lĩnh vực, vốn dĩ đã được quy định trong Pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính, mà chỉ nên đưa ra các quy định nào thật sự là đặc thù của riêng lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm. Các quy định đặc thù này cần liên hệ tới những vấn đề cụ thể như loại hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm là hành vi nào, mức độ nguy hiểm cho xã hội ra sao, cần áp dụng hình thức xử phạt hành chính nào và mức xử phạt là bao nhiêu, thẩm quyền ra quyết định xử phạt là chủ thể nào…

- Cần coi việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm là biện pháp quản lý mang tính vĩ mô của chính quyền, nhằm giúp cho các doanh nghiệp bảo hiểm hoạt động tốt hơn, hiệu quả hơn trong một môi trường cạnh tranh công bằng và bình đẳng, có tính minh bạch và tính chuyên nghiệp cao, đồng thời qua đó nhằm bảo vệ tốt hơn quyền lợi của khách hàng tham gia bảo hiểm, với tư cách là người tiêu dùng dịch vụ bảo hiểm. Điều đó có nghĩa là các quy định của Nghị định không nhằm tước đi cơ hội làm giàu chính đáng của các doanh nghiệp bảo hiểm, hoặc không nhằm đẩy họ vào những hoàn cảnh khó khăn hơn, bế tắc hơn trong tiến trình cung cấp dịch vụ bảo hiểm, với những chi phí nhiều hơn và lợi ích ít hơn.

- Cần phân biệt rõ hành vi vi phạm của doanh nghiệp bảo hiểm với hành vi vi phạm của những người có chức danh quản lý, điều hành trong doanh nghiệp bảo hiểm như Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc (Giám đốc) – thường là những vi phạm liên quan đến kỷ luật lao động trong nội bộ doanh nghiệp bảo hiểm, để từ đó đưa ra các biện pháp xử phạt chính xác và thỏa đáng.

- Khi Nghị định đưa ra một hình thức xử phạt đối với một hành vi nào đó của tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, cần chỉ rõ và đảm bảo rằng hành vi đó đã vi phạm quy định nào trong trật tự pháp luật hành chính về bảo hiểm. Có như vậy mới đảm bảo tính chặt chẽ cũng như tính khách quan, khoa học của các biện pháp xử phạt hành chính. Đây cũng là cách để làm cho các quy định về xử phạt hành chính thực sự được xã hội chấp nhận và tuân thủ nghiêm túc.

2. Về đối tượng điều chỉnh và phạm vi áp dụng

- Về đối tượng điều chỉnh: Cần quy định rõ đối tượng điều chỉnh của Nghị định là việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, bao gồm việc định nghĩa về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, quy định về các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, biện pháp – hình thức xử phạt, mức xử phạt và thẩm quyền ra quyết định xử phạt cụ thể đối với mỗi loại hành vi vi phạm trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm.

- Về phạm vi áp dụng của Nghị định: Không nên quy định theo hướng phân biệt giữa đối tượng áp dụng là tổ chức, cá nhân Việt Nam với tổ chức, cá nhân nước ngoài như trong Dự thảo Nghị định, vì trên nguyên tắc mọi hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo hiểm đều bị xử lý, không phân biệt quốc tịch của người vi phạm. Riêng đối với những trường hợp đặc biệt, ví dụ người vi phạm có thân phận ngoại giao, hoặc thuộc diện được miễn trừ trách nhiệm pháp lý hành chính theo quy định của Điều ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia thì đương nhiên phải áp dụng các quy định của Điều ước quốc tế.

3. Về nguyên tắc xử phạt vi phạm hành chính và thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính

- Về nguyên tắc xử phạt. Như đã đề cập ở trên, không nên nhắc lại trong Nghị định này về nguyên tắc xử phạt vì đây là những nguyên tắc chung đã được quy định rõ trong Pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính. Việc nhắc lại những quy định này chỉ làm cho Nghị định trở nên rườm rà hơn và kém hiệu lực hơn, trừ khi có lý do thỏa đáng để chứng minh rằng đây là những nguyên tắc đặc thù chỉ áp dụng cho việc xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm.

- Về thời hiệu xử phạt. Cần xem lại nội dung quy định tại khoản 3 Điều 3 Dự thảo Nghị định, vì quy định như vậy là không thỏa đáng và không rõ ràng, không hiểu thời hiệu xử phạt sẽ là bao lâu kể từ ngày thực hiện hành vi vi phạm hành chính mới, hoặc từ ngày chấm dứt hành vi trốn tránh, cản trở việc xử phạt vi phạm hành chính. Hơn nữa, nếu quy định như vậy thì chẳng khác gì bỏ qua hành vi vi phạm cũ và chỉ trừng phạt đối với hành vi vi phạm mới. Thực chất, trong trường hợp này cần phải coi việc tiếp tục vi phạm như là một tình tiết tăng nặng trách nhiệm hành chính và cần có hình thức xử phạt cao hơn đối với người vi phạm, chứ không đơn thuần chỉ là “tính lại” thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính.  

Để cho rõ ràng hơn, chúng tôi cho rằng cần quy định lại khoản 3 Điều 3 theo hướng phân biệt rõ cách xử lý trong 2 trường hợp:
- Nếu việc tiếp tục vi phạm diễn ra trong thời hiệu quy định tại khoản 1 và 2 Điều 3 nhưng người vi phạm chưa bị xử lý hành chính về hành vi vi phạm trước thì thời hiệu xử phạt được xác định như thế nào.
- Nếu việc tái phạm diễn ra trong thời hiệu quy định tại khoản 1 và 2 điều 3 nhưng người vi phạm đã bị xử phạt hành chính về hành vi vi phạm trước thì hành thời hiệu xử phạt được quy định như thế nào.

3. Về các hành vi vi phạm, hình thức xử phạt và mức xử phạt

- Xem lại quy định tại Điều 13 về việc xử phạt vi phạm đối với cá nhân, tổ chức có hành vi mua bảo hiểm của doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài không có trụ sở tại Việt Nam hoặc của doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài kinh doanh tại Việt Nam trái pháp luật. Quy định này là không thỏa đáng, vi phạm quyền tự do giao kết hợp đồng của công dân, pháp nhân theo quy định của Hiến pháp và Bộ luật dân sự, hơn nữa cũng vi phạm các cam kết quốc tế về mở cửa thị trường dịch vụ tài chính của Việt Nam.

- Xem lại quy định tại khoản 1 và 2 Điều 14 vì các hành vi này vốn dĩ không phải là vi phạm hành chính mà thực chất là vi phạm hợp đồng, hoặc vi phạm các quy định của Điều lệ, nội quy, quy chế của doanh nghiệp bảo hiểm. Với các hành vi này, doanh nghiệp bảo hiểm phải chịu trách nhiệm dân sự đối với khách hàng tham gia hợp đồng bảo hiểm, còn người quản lý của doanh nghiệp thì phải chịu trách nhiệm kỷ luật và trách nhiệm vật chất theo quy định của pháp luật lao động đối với doanh nghiệp, chứ không thể xử phạt hành chính theo quy định của pháp luật hành chính.

- Xem lại quy định tại điểm g, khoản 1 Điều 22 vì không phù hợp với nội dung của khoản 1 điều này (vốn dĩ quy định về hành vi vi phạm của doanh nghiệp bảo hiểm và Tổng giám đốc doanh nghiệp bảo hiểm)

- Xem lại nội dung của tất cả các Điều, khoản quy định về mức xử phạt tiền đối với cả doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm và người có chức danh quản lý, điều hành các doanh nghiệp đó. Việc quy định mức phạt tiền đối với cả doanh nghiệp và người quản lý, điều hành doanh nghiệp về cùng một hành vi là không thỏa đáng, vì thực chất thì hành vi vi phạm của doanh nghiệp và hành vi vi phạm của mỗi người quản lý, điều hành doanh nghiệp là khác nhau.

Các văn bản liên quan