Góp ý của Ông Hoàng Anh

Thứ Tư 16:48 17-09-2008

  • Góp Ý Dự Thảo Thông Tư Hướng Dẫn Thi Hành Một Số Nội Dung Của Nghị Định 108/2006/NĐ-CP Ngày 22 Tháng 9 Năm 2006
     
     
    Điều 6. Một số quy định về hồ sơ dự án đầu tư

            Khoản 3 Điều 6: “… hoặc giải trình trong Văn bản đề nghị cấp Giấy chứng nhận đầu tư”. Hiện tại, Mẫu văn bản đề nghị cấp Giấy chứng nhận đầu tư ban hành kèm theo Quyết định số 1088/2006/QĐ-BKH ngày 19 tháng 10 năm 2006 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc ban ành các mẫu văn bản thực hiện thủ tục đầu tư tại Việt Nam không quy định mục nội dung giải trình về điều kiện đầu tư. Nếu áp dụng ghi giải trình về điều kiện đầu tư trong văn bản đề nghị cấp Giấy chứng nhận đầu tư thì trái với mẫu quy định thì sao?

    Điều 11. Chứng chỉ hành nghề

            Khoản 2 Điều 11: “… dự án chỉ được chính thức hoạt động sau khi có đủ các chứng chỉ hành nghề …”. Đề nghị giải thích rõ thêm là như thế nào thì gọi là chính thức hoạt động, nếu dự án chưa chính thức hoạt động mà là tạm thời hoạt động thì có cần chứng chỉ hành nghề của những người liên quan không? Nếu tạm thời hoạt động thì không cần phải có chứng chỉ hành nghề thì như vậy có gọi là vi phạm pháp luật không?

    Điều 14. Phương thức điều chỉnh Giấy chứng nhận đầu tư

            Khoản 1 Điều 14: “… Giấy chứng nhận đầu tư mới bao gồm cả những nội dung cũ và cả những nội dung sửa đổi, bổ sung …”. Nếu như vậy thì những ưu đãi đầu tư và thời gian ưu đãi đầu tư phải ghi như thế nào nếu dự án được hưởng những ưu đãi mới? Thời gian ưu đãi đầu tư được ghi lại từ đầu hay chỉ ghi cho thời gian còn lại hay vẫn ghi lại từ đầu mà áp dụng cho thời gian còn lại? Trong trường hợp này nhà đầu tư có phải nộp lại cho cơ quan cấp Giấy chứng nhận đầu tư tất cả các bản gốc Giấy chứng nhận đầu tư hoặc Giấy phép đầu tư hoặc Giấy chứng nhận đầu tư điều chỉnh hoặc Giấy chứng nhận điều chỉnh Giấy phép đầu tư đã cấp trước đậy hay không?

    Điều 15. Cấp mới Giấy chứng nhận đầu tư

            Đối với trường hợp quy định tại điểm b Khoản 1 Điều này thì nội dung của Giấy chứng nhận đầu tư mới có giống như nội dung của Giấy chứng nhận đầu tư mới được quy định tại Khoản 1 Điều 14 không? Và cấp mới là mới theo nghĩa nào? Mới là mới hoàn toàn hay mới mà chỉ áp dụng cho thời gian còn lại? 
     
    Điều 21. Chuyển nhượng vốn, chuyển nhượng dự án đầu tư

            Khoản 1 Điều 21: Thủ tục và điều kiện chuyển nhượng vốn hoặc chuyển nhượng dự án đầu tư thực hiện theo quy định tại Điều 65, 66 Nghị định 108.

            Khoản 2 Điều 66 Nghị định 108: Trường hợp chuyển nhượng dự án của tổ chức kinh tế không gắn với việc chấm dứt hoạt động của tổ chức kinh tế chuyển nhượng thì việc chuyển nhượng dự án sẽ tuân thủ các điều kiện và thủ tục chuyển nhượng vốn quy định tại Điều 65 Nghị định 108.

            Nếu việc chuyển nhượng dự án trong trường hợp này là việc chuyển nhượng vốn thì bên nhận chuyển nhượng sẽ gặp bất lợi lớn, để thấy rõ vấn đề này tôi có ví dụ như sau:

            Công ty A thực hiện 2 dự án:

    -         Dự án A1 tại huyện Tịnh Biên tỉnh An Giang;

    -         Dự án A2 tại thành phố Long Xuyên tỉnh An Giang.

            Trong quá trình thực hiện do gặp một số khó khăn nên Công ty A không thể thực hiện cả 2 dự án trên nên chuyển nhượng toàn bộ dự án A2 cho Công ty B. Lúc này Công ty A sẽ thực hiện thủ tục đăng ký thành viên, đăng ký cổ đông trong sổ đăng ký thành viên, sổ đăng ký cổ đông (theo quy định tại Khoản 1 Điều 65 Nghị định 108) và Công ty B sẽ trở thành thành viên hoặc cổ đông của Công ty A. Nhưng về phía Công ty B thì không muốn trở thành thành viên hoặc cổ đông của Công ty A do nhận thấy được những rủi ro hiện tại và cả tương lai của Công ty A. Trong trường hợp này chúng ta sẽ giải quyết như thế nào? Vì nếu Công ty B là thành thành viên hoặc cổ đông của Công ty A thì Công ty B sẽ không thể tránh được rủi ro về phần vốn đã nhận chuyển nhượng của Công ty A khi Công ty A gặp rủi ro. Vì thế, trong trường hợp này sẽ có bất lợi cho những công ty nhận chuyển nhượng.

            Nếu việc chuyển nhượng dự án trong trường hợp này là việc là việc bán tài sản thì bên nhận chuyển nhượng sẽ không phải gặp rủi ro của bên chuyển nhượng (khi bên chuyển nhượng gặp rủi ro).

            Trở lại ví dụ trên, nếu việc chuyển nhượng dự án trong trường hợp này là việc là việc bán tài sản thì Công ty B sẽ không gặp phải rủi ro của Công ty A khi Công ty A gặp rủi ro. Vì lúc này Công ty B không phải là thành thành viên hoặc cổ đông của Công ty A.

            Vì vậy, đối với trường hợp Khoản 2 Điều 66 của Nghị định 108 thì cần xác định và giải thích rõ hơn hoạt động chuyển nhượng dự án là hoạt động gì để dễ áp dụng và tránh rủi ro cho nhà đầu tư khi nhận chuyển nhượng dự án theo trường hợp Khoản 2 Điều 66 của Nghị định 108.
     
  • Các văn bản liên quan