Sẽ có tiêu chí về tiến độ dự án

Thứ Tư 13:52 10-09-2008

Sẽ có tiêu chí về tiến độ dự án

Mục tiêu chấm dứt tình trạng dự án treo sẽ có cơ sở để thực hiện một khi Thông tư hướng dẫn một số nội dung về hoạt động đầu tư tại Việt Nam được ban hành. Dự thảo Thông tư hướng dẫn một số nội dung về hoạt động đầu tư tại Việt Nam (gọi tắt là dự thảo Thông tư) đang được lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp.

Tiêu chí để tiến hành thẩm tra tiến độ thực hiện các dự án đầu tư cũng như hàng loạt các vấn đề nổi cộm khác trong hoạt động đầu tư đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu ra trong dự thảo Thông tư.

Tuy nhiên, theo ông Đỗ Nhất Hoàng, Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế, (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) dự thảo Thông tư sẽ chỉ đề cập một số vấn đề thuộc phạm vi điều chỉnh. Cụ thể, tiêu chí để cơ quan cấp Giấy chứng nhận đầu tư xem xét tính hợp lý của tiến độ thực hiện dự án thuộc diện thẩm tra, được đề xuất gồm đảm bảo tính hiệu quả của việc sử dụng đất đai và các nguồn tài nguyên (nếu có); đáp ứng yêu cầu của việc thực hiện các mục tiêu kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng của địa phương và của quốc gia liên quan đến dự án (nếu có); tính hợp lý của thời gian tiến hành các thủ tục cần thiết về xây dựng công trình và lắp đặt thiết bị (nếu có). Các chuyên gia soạn thảo nhận xét, với đề xuất này, cơ quan cấp Giấy chứng nhận đầu tư lần đầu tiên có được những quy định để yêu cầu nhà đầu tư sửa đổi, bổ sung hoặc điều chỉnh tiến độ dự án do nhà đầu tư đề xuất trong hồ sơ dự án một cách phù hợp và có cơ sở pháp lý. Hơn thế, tình trạng tuỳ tiện trong quy định tiến độ cũng như câu hỏi khó lâu nay của cả cơ quan quản lý nhà nước lẫn nhà đầu tư, thế nào là tiến độ hợp lý cũng sẽ được giải toả phần nào.Tất nhiên, với yêu cầu này, áp lực với các nhà đầu tư trong triển khai dự án đúng tiến độ sẽ lớn hơn rất nhiều. Song, trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước cũng được làm rõ. Rõ ràng, khi các tiêu chí đã được xác định, việc chậm tiến độ của các dự án đầu tư mà không có bất cứ sự can thiệp nào từ phía cơ quan quản lý như lâu nay sẽ có phần trách nhiệm không thể đùn đẩy từ phía các cơ quan này. Một số ý kiến kỳ vọng rằng, mục tiêu chấm dứt tình trạng dự án treo sẽ có cơ sở để dần thực hiện.Cũng trong dự thảo Thông tư này, các chuyên gia soạn thảo đã đưa ra những kiến nghị nhằm giải toả những thắc mắc về thời gian dự án đầu tư. Theo đó, nhà đầu tư trong nước toàn quyền quyết định thời hạn dự án đầu tư trên cơ sở phù hợp với nhu cầu và khả năng đầu tư. Trong trường hợp hết hạn thuê đất hoặc giao đất mà nhà đầu tư vẫn tiếp tục muốn đầu tư thì phải làm thủ tục kéo dài thời hạn này theo quy định. Tuy nhiên, nếu đề nghị gia hạn thời hạn thuê hoặc giao đất không được chấp nhận, nhà đầu tư phải chuyển địa điểm đầu tư.Đối với các dự án có vốn đầu tư nước ngoài, mặc dù cũng do nhà đầu tư tự quyết định, song thời hạn được đề xuất là không quá 50 năm. Với dự án lớn và khả năng thu hồi vốn chậm thời hạn có thể kéo dài hơn, nhưng không quá 70 năm và phải trình Thủ tướng Chính phủ cho phép. Với trường hợp đăng ký lại hay chuyển đổi hình thức đầu tư, chuyển đổi mô hình doanh nghiệp, dự thảo Thông tư quy định thời hạn của dự án được tính từ thời điểm cấp giấy phép đầu tư đầu tiên.Tuy nhiên, quy định về việc nhà đầu tư không triển khai dự án trong 12 tháng kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đầu tư thì bị thu hồi giấy này hiện vẫn chưa được làm rõ. Vướng mắc ở đây lại chính là khái niệm căn bản nhất để có thể thực hiện việc thu hồi này. Các nhà đầu tư và ngay cả cơ quan quản lý nhà nước cũng chưa tìm được câu trả lời cho câu hỏi: hiểu thế nào là "triển khai"; nhà đầu tư buộc phải thực hiện những phần việc gì để có thể thoả mãn yêu cầu của pháp luật là đã triển khai dự án? Có lẽ sự thiếu khái niệm thống nhất đã khiến nhiều dự án được lách luật bằng những lễ động thổ trống dong cờ mở rồi... để đấy. Như vậy, sẽ còn khá nhiều những vướng mắc mà nhà đầu tư kiến nghị trong thời gian qua, như sự không thống nhất trong nhiều quy định của pháp luật về đầu tư với pháp luật về xây dựng, về thuế thu nhập doanh nghiệp... tiếp tục phải chờ những động thái lớn hơn từ phía các cơ quan quản lý nhà nước.

Theo Báo Đầu tư ngày 18/8/2008

Các văn bản liên quan