Một vài ngộ nhận với các tập đoàn

Thứ Hai 15:09 15-12-2008

Báo chí đưa tin về nhiều “điều lạ” trong hội nghị sơ kết thí điểm mô hình tập đoàn kinh tế diễn ra tại Bộ Công thương ngày 20.11.2008. Chuyện các tập đoàn “kêu oan”, “phân trần” về những “cáo buộc” của các nhà khoa học, của một số đại biểu Quốc hội và của dư luận rằng “các tập đoàn hoạt động không hiệu quả, đầu tư tràn lan ra ngoài ngành và là một trong những nguyên nhân chính gây bất ổn vĩ mô và lạm phát” là một điều dễ hiểu.

Có vẻ cứ như các tập đoàn hùng mạnh này, các tổ chức không những nắm trong tay phần lớn nguồn lực quốc gia mà còn có sức mạnh và được sự ủng hộ lớn, ở thế yếu nên họ phải phân trần, phải kêu oan. Không phải vậy, họ ở thế rất mạnh.
Tuy nhiên cũng cần phải tạo diễn đàn “bình đẳng” cho các tập đoàn này bày tỏ chứng kiến, lập luận của họ công khai trước công chúng, tranh luận thẳng thắn với những người có ý kiến khác họ. Tất nhiên những người có ý kiến khác họ cũng phải được hưởng sự “bình đẳng” đó.

“Điều lạ” thứ hai là có ông lãnh đạo tập đoàn còn khiển trách Bộ Công thương “không lên tiếng bênh vực họ” và cho đó là một khuyết điểm của Bộ. Thực ra việc này cũng “bình thường”, thậm chí có thể dùng để minh hoạ cho tính “cởi mở”, “dân chủ” nữa. Thấy chưa, doanh nghiệp dám phê phán bộ cơ mà.

Cái lạ ở đây là nó rất khác cách ứng xử của doanh nghiệp nhà nước với bộ chủ quản của mình. Nay thành tập đoàn, dưới sự chủ quản của cơ quan cấp cao hơn và thoát khỏi vòng cương toả của “bộ chủ quản”, các ông này mạnh mồm hơn hẳn đối với các bộ và báo giới. Họ đều do Chính phủ bổ nhiệm, được người ta coi là tương đương “thứ trưởng” nhưng quyền lực hơn nhiều.

Đấy có thể là một trong những sự lý giải cho cái sự lạ này, nó cũng có thể lý giải vì sao nhiều ông tổng công ty thích “lên tập đoàn” đến như vậy. Điều tưởng lạ trở nên dễ hiểu hơn.

“Điểm lạ” nữa là các ông này cho rằng những ý kiến như nêu ở trên về các tập đoàn là những ý kiến đã “vùi dập” họ, đã “gây khủng hoảng niềm tin, không ai muốn làm”, nhưng không thấy họ mang số liệu, chứng cứ ra để thẳng thừng bác bỏ những “cáo buộc” ấy. Ngược lại, hình như có người còn muốn “chụp mũ” những người này về mặt chính trị và tư tưởng. Một đòn khá hiểm nhưng cũng quá cũ.

Cũng chẳng lạ chút nào là không thấy ai trong số họ xin từ chức do “không ai muốn làm” nữa cả. Điều tưởng lạ hoá ra không lạ gì mà rất quen thuộc.

Đấy là một vài điểm lạ mà thực ra không lạ chút nào về ứng xử của các công chức làm kinh doanh ở các tập đoàn. Phần sau thử bàn sâu hơn về một trong vài điều ngộ nhận về các tập đoàn.

Có ông lãnh đạo tập đoàn nói rằng các tập đoàn phải làm “chính sách xã hội”, lấy thí dụ Tập đoàn Điện lực phải đầu tư kéo điện đến cho vùng sâu, vùng xa và đinh ninh rằng đấy là nhiệm vụ cao cả của họ, là cách làm hay. Đó là một sự ngộ nhận khá phổ biến. Lấy tiền đâu để đầu tư vào mạng điện hay mạng viễn thông ở các vùng sâu vùng xa?

Các tập đoàn mới làm được, Nhà nước mới làm được và đấy dường như là tính ưu việt mà họ viện dẫn đến. Tiền đấy là tiền thuế của dân, là tiền bán tài nguyên của đất nước, hay là tiền nhà nước vay để cho họ đầu tư mà con cháu chúng ta phải trả. Đấy là tiền của chúng ta và không phải là sự ban phát, ban ơn hay ưu ái của họ đối với bà con vùng sâu, vùng xa.

Vấn đề là tiêu, đầu tư tiền đó sao cho có hiệu quả. Việc làm chính sách xã hội, tức là việc chi tiền như vậy phải được tách rạch ròi ra khỏi chuyện kinh doanh. Lẫn lộn, nhập nhằng giữa việc kinh doanh và làm chính sách xã hội gây ra nhiều tai hoạ, tạo cớ cho người ta ngụy biện. Nếu giả như Nhà nước đã giao trách nhiệm “làm nhiệm vụ xã hội” như vậy cho các tập đoàn, thì Nhà nước nên sửa đổi, tách bạch hai loại việc này ra khỏi nhau.

Có cách làm hay hơn nhiều mà thế giới đã làm và các chuyên gia trong nước cũng đã kiến nghị không phải một lần. Thực hiện chính sách xã hội, để người dân ở vùng sâu vùng xa có thể tiếp cận được tới điện, tới các phương tiện viễn thông (đường sá, giáo dục, y tế, v.v…) là việc làm quan trọng mà tôi tin người dân đều tán thành. Vấn đề là làm cách nào cho hiệu quả.

Thí dụ, về viễn thông, nhiều nước đã thực hiện chính sách tiếp cận phổ quát [universal access] (đến viễn thông) bằng cách tất cả các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông đều thu hộ nhà nước một khoản thuế (do những người sử dụng đóng), thí dụ 2% giá trị của hoá đơn (quyết định con số cụ thể là vấn đề kỹ thuật mà chúng ta không bàn ở đây).

Đó là một loại thuế được đánh dấu, không được phép dùng vào mục đích khác mà chỉ dùng để đảm bảo sự tiếp cận phổ quát. Số tiền thuế để riêng này chỉ để trợ cấp công khai cho tất cả các nhà cung cấp dịch vụ ở những vùng mà chúng ta muốn đảm bảo sự tiếp cận phổ quát (thí dụ vùng sâu, vùng xa). Các nhà cung cấp dịch vụ phải đấu thầu cạnh tranh vì khoản đó, còn họ vẫn phải hoạt động trên cơ sở thương mại và thị trường.

Làm như thế sẽ khuyến khích các nhà cung cấp dịch vụ hoạt động hiệu quả, vẫn thực hiện được chính sách xã hội, đảm bảo tính cạnh tranh, và quan trọng nhất đó là một trong những cách thực hiện chính sách xã hội rẻ nhất, hữu hiệu nhất. Đấy là ý tưởng cốt lõi của kinh nghiệm quốc tế, các vấn đề chi tiết kỹ thuật phải nghiên cứu thêm nhưng không khó và hoàn toàn có thể giải quyết được.

Với cung cấp điện cũng thế. Ý tưởng cốt lõi là như nhau, cách làm có thể hơi khác tuỳ theo đặc thù của mỗi loại hạ tầng. Nếu làm như vậy chúng ta sẽ tách bạch việc thực hiện chính sách xã hội và việc kinh doanh, đảm bảo quyền tự chủ của doanh nghiệp và các tập đoàn không thể viện cớ phải “thực hiện chính sách xã hội” để biện minh cho sự kém hiệu quả của mình.

Còn vài sự ngộ nhận khác về các tập đoàn như đầu tư ra ngoài ngành, lập ra rất nhiều công ty con và đầu tư chéo vào nhau mà chúng ta chỉ có thể thử làm rõ trong các bài viết sau.

Nguồn: Lao động cuối tuần số 50 ngày 14/12/2008

Các văn bản liên quan