Đến lúc siết lại tập đoàn

Thứ Hai 09:58 17-11-2008

Đến lúc siết lại tập đoàn

 

 

 

(TBKTSG) - Không thành phần kinh tế nào được ưu ái nhiều bằng các tập đoàn và tổng công ty nhà nước. Song đã có nhiều hoài nghi về năng lực của khu vực trụ cột nền kinh tế này, đòi hỏi Nhà nước phải đánh giá lại vai trò và hiệu quả của nó.

Vốn ít, vay nhiều

Một trong những lợi thế không thể phủ nhận mà các tổng công ty và tập đoàn nhà nước được hưởng từ chính sách là việc được khai thác độc quyền nguồn tài nguyên của đất nước. Từ xăng, dầu, điện, than... hầu hết các mặt hàng có tính chất trọng yếu đối với kinh tế - xã hội đều rơi vào tay các tập đoàn nhà nước.

Những đặc quyền đặc lợi mà các tập đoàn, tổng công ty nghiễm nhiên nắm trong tay đã dẫn đến độc quyền trong phân phối hàng hóa, dịch vụ. Giá bán điện, than, xăng dầu đều do các tổng công ty chi phối, vì vậy mỗi khi họ quyết định tăng giá với lý do “phải bù lỗ” do giá cả thế giới biến động (trường hợp xăng dầu) hay thiếu vốn để đầu tư (như ngành điện lực), người tiêu dùng chỉ biết chấp nhận.

Nói đến những tập đoàn này không thể không nhắc đến đặc quyền to lớn về vốn. Độc quyền khai thác và kinh doanh những ngành nghề có mức độ lợi nhuận rất lớn, các tập đoàn được “bầu sữa” nhà nước rót vốn và tạo điều kiện hỗ trợ tối đa khi vay ngân hàng.

Tuy nhiên, điều đáng lo là các tập đoàn có số vốn thực rất ít, phần lớn là vốn huy động ngân hàng, trong đó sử dụng để đầu tư tràn lan vào những ngành nghề khác. Trong khi đó, tỷ lệ lợi nhuận bình quân hàng năm của các tập đoàn, tổng công ty lại không được công khai minh bạch nên ít ai biết đích xác hiệu quả kinh tế thực của vốn đầu tư nhà nước tại các doanh nghiệp này, nhất là khi lãi suất ngân hàng hiện lên tới 15-20%/năm.

Nhóm doanh nghiệp nhà nước (DNNN) hiện nắm giữ khoảng 60% nguồn vốn cho vay của các ngân hàng thương mại trong nước, chưa tính đến 70% vốn vay nước ngoài nhưng chỉ đóng góp 40% cho GDP mà đa số là từ đặc quyền khai thác tài nguyên của đất nước.

Hiện có 28/70 tổng công ty nhảy vào những ngành nghề như địa ốc, bảo hiểm, ngân hàng... với giá trị vốn đầu tư 23.344 tỉ đồng, bằng 8,7% vốn chủ sở hữu. Xét về tổng nguồn vốn mà các tổng công ty và tập đoàn đầu tư ra ngoài doanh nghiệp của mình theo các hình thức liên doanh, liên kết hay vào các dự án ngoài chức năng kinh doanh chính đã lên tới 116.768 tỉ đồng.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính tại Hội nghị đổi mới doanh nghiệp nhà nước diễn ra tuần trước tại Hà Nội, số vốn huy động của 70 tập đoàn, tổng công ty đến ngày 31-12-2007 lên đến 448.269 tỉ đồng, trong khi vốn chủ sở hữu chỉ đạt 323.208 tỉ đồng, tức là vốn vay bằng 1,4 lần vốn chủ sở hữu.

Tuy nhiên, những con số thống kê thực tế về hệ số vay nợ trên vốn chủ sở hữu tại một số tổng công ty mà Bộ Tài chính công bố còn đáng lo ngại hơn rất nhiều so với tỉ lệ 1,4 đã nói ở trên. “Khủng khiếp” nhất là Tổng công ty Xây dựng Công trình Giao thông 5 (Cienco 5) có hệ số là... 42 lần, Cienco 1 là 22,5 lần và Lilama 21,5 lần. Điển hình là Vinashin có tổng tài sản 80.000 tỉ đồng, vốn chủ sở hữu chỉ là 2.156 tỉ đồng nhưng vốn vay lên đến 47.000 tỉ đồng, dẫn tới hệ số vay nợ trên vốn chủ sở hữu lên tới 21,8 lần.

Đây là những con số làm giật mình nhiều chuyên gia kinh tế. Theo TS. Nguyễn Quang A, thành viên HĐQT VPBank, hệ số vay nợ trên vốn chủ sở hữu gấp hàng chục lần như thế là vô cùng rủi ro và các ngân hàng thường cân nhắc rất kỹ tỷ lệ này trước khi quyết định cho vay. “Ngân hàng thường rất ngại cho doanh nghiệp vay nếu biết họ chỉ có 1 đồng vốn thực nhưng lại vay tới 3, 4 đồng. Tôi không hiểu ngân hàng nào có thể cho vay khi tỉ lệ là 21,8 lần như của Vinashin”, TS. Nguyễn Quang A nói.

Với tỷ lệ vay nợ lớn như thế, trong khi lãi suất ngân hàng rất cao thì có được đồng lãi nào chắc chắn các tổng công ty phải trả nợ hết và hiệu quả sản xuất kinh doanh không thể cao. Như vậy, tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu đạt 19% của 70 tập đoàn, tổng công ty trong năm 2007 như báo cáo của Bộ Tài chính không phản ánh chính xác tình hình kinh doanh hiện nay của các doanh nghiệp này vì chưa tính đến những biến động của lãi suất ngân hàng có lúc lên tới 20%.

Đầu tư kiểu mì ăn liền

Những biến động thất thường của thị trường như giá nguyên vật liệu, giá dầu tăng cộng với khó khăn của nền kinh tế, đặc biệt là lạm phát cao, gây ra không ít khó khăn cho ngành sản xuất kinh doanh chính của những doanh nghiệp này và đẩy các tập đoàn phải chuyển hướng sang các dự án có khả năng thu hồi vốn nhanh và có lãi cao.

Tạm gọi đây là hình thức đầu tư “mì ăn liền” với các ngành có vẻ “ngon ăn” trong thời gian vừa qua như ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, địa ốc... mặc dù đây là ngành nghề kinh doanh hoàn toàn xa lạ đối với ngành nghề kinh doanh chính của họ và thực chất tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, mạo hiểm.

Cơn lốc đầu tư đa ngành, đa lĩnh vực đã hút 28/70 tổng công ty nhảy vào những ngành nghề kể trên với giá trị vốn đầu tư 23.344 tỉ đồng, bằng 8,7% vốn chủ sở hữu. Xét về tổng nguồn vốn mà các tổng công ty và tập đoàn đầu tư ra ngoài doanh nghiệp của mình theo các hình thức liên doanh, liên kết hay vào các dự án ngoài chức năng kinh doanh chính đã lên tới 116.768 tỉ đồng, theo số liệu của Bộ Tài chính.

Còn theo ông Phạm Viết Muôn, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển Doanh nghiệp, đến ngày 31-12-2007 có 16 tập đoàn và tổng công ty nhà nước đầu tư vào ngân hàng với tổng vốn đầu tư 4.965 tỉ đồng, 9 doanh nghiệp kinh doanh chứng khoán với số vốn 316 tỉ đồng, 12 doanh nghiệp kinh doanh tài chính và bảo hiểm với số vốn 6.518 tỉ đồng, 10 doanh nghiệp đầu tư 933 tỉ đồng vào các quỹ đầu tư và 13 doanh nghiệp đầu tư 2.331 tỉ đồng vào bất động sản. Tổng cộng các tập đoàn và tổng công ty đầu tư 15.063 tỉ đồng vào các ngành nói trên, theo số liệu ông Muôn đưa ra.

Ông Muôn phát biểu tại hội nghị rằng, điều lo ngại là nếu các tập đoàn kiểm soát một số ngân hàng, sau đó sử dụng ngân hàng này để tài trợ cho các kế hoạch mở rộng của mình mà không có hệ thống kiểm soát tốt và khả năng phân tích rủi ro thì sẽ dẫn tới lạm dụng khoản vay và đầu tư quá mức của các thành viên tập đoàn. Điển hình là Vinashin. Theo Bộ Tài chính, tập đoàn độc quyền ngành công nghiệp tàu thủy này đầu tư vào chứng khoán, ngân hàng, bất động sản và bảo hiểm lên tới 3.323 tỉ đồng (con số của chính Vinashin đưa ra là 2.200 tỉ đồng).

Tiến sĩ Trần Tiến Cường, Trưởng ban Nghiên cứu, Cải cách và Phát triển doanh nghiệp, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, cho rằng về mặt giám sát tài chính trong tập đoàn, Bộ Tài chính chỉ có thể nắm được phần vốn chủ sở hữu nhà nước, còn vốn vay ngân hàng tập đoàn đầu tư vào đâu, hiệu quả ra sao thì không thể biết được vì “chưa có cơ chế”. Ông Cường cảnh báo xu hướng tổng công ty đầu tư vào những ngành có thể mang lại lợi nhuận cao nhưng đi kèm với nó là mức rủi ro cao nhưng họ chỉ nhìn thấy lợi nhuận mà quên rủi ro.

Lý giải của ông Phạm Thanh Bình, Chủ tịch HĐQT Vinashin, tại hội nghị không nhận được đồng tình của các đại biểu. Ông Bình nói do đặc thù của ngành kinh doanh tàu thủy cần vốn lớn, Nhà nước không bổ sung vốn nên Vinashin phải đầu tư vào tài chính, bất động sản để kiếm vốn tái đầu tư cho các dự án lớn.

Ông Bình cho rằng, tập đoàn đầu tư vào các công trình phúc lợi, khu nghỉ dưỡng, bệnh viện ngành là cần thiết để “lấy ngắn nuôi dài”. “Chúng tôi mới bước chân ra ngoài một tí thôi nhưng bị thổi còi ngay!”, ông Bình nói.

Nhưng theo ông Phạm Viết Muôn, việc các tập đoàn như Vinashin, việc mở rộng hoạt động kinh doanh đã làm số lượng doanh nghiệp thành viên của tập đoàn tăng và kéo theo nó là nguy cơ không đảm bảo về năng lực quản lý, tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh giữa doanh nghiệp trong và ngoài tập đoàn và rủi ro trong quan hệ tài chính trong tập đoàn, như cho vay nội bộ, chi phối giá mua, giá bán...

Ông Muôn nói, so với năm 2006, số công ty con trong tập đoàn tăng 10% (68 công ty). “Trong năm 2007 riêng Vinashin tăng 43 công ty con và 111 công ty liên kết, liên doanh, mà chủ yếu là góp vốn bằng thương hiệu”.

THÀNH TRUNG - Theo Thời báo KTSG ngày 30/4/2008

Các văn bản liên quan