Không cần nghị định riêng để quản lý các tập đoàn

Thứ Năm 10:28 04-09-2008

 

 

 

Không cần nghị định riêng để quản lý các tập đoàn

(TBKTSG) - Điều 149 của Luật Doanh nghiệp (2005) nói về tập đoàn kinh tế như sau: “Tập đoàn kinh tế là nhóm công ty có quy mô lớn. Chính phủ quy định, hướng dẫn tiêu chí, tổ chức quản lý và hoạt động của tập đoàn kinh tế”. Cho đến lúc đó, đấy là văn bản luật duy nhất chứa cụm từ “tập đoàn kinh tế”.

Ngày 12-8-2008 vừa qua dự thảo “Nghị định về hình thành, tổ chức, hoạt động và giám sát đối với tập đoàn kinh tế nhà nước” được mang ra thảo luận và bị các tập đoàn phản ứng dữ dội. Có lẽ đây chính là văn bản mà điều 149 kể trên nhắc tới. Luật này được thông qua ngày 29-11-2005 và đã có hiệu lực từ 1-7-2006.

Như thế gần ba năm sau khi luật ra đời và hơn hai năm sau khi luật có hiệu lực vẫn chưa có quy định, hướng dẫn tiêu chí, tổ chức quản lý và hoạt động của tập đoàn kinh tế (trừ điều 26 của Nghị định 139/2007/NĐ-CP ngày 5-9-2007 có hướng dẫn bổ sung về tập đoàn kinh tế với nội dung chính gần như điều 3 và điều 4 của dự thảo được đưa ra thảo luận).

Thế nhưng các tập đoàn kinh tế nhà nước lại được “thí điểm” thành lập trước khi luật có hiệu lực gần nửa năm và đến nay đã có tám tập đoàn như vậy. Các công ty tư nhân cũng noi theo tự xưng mình là tập đoàn bằng cách đăng ký lại với tên “công ty cổ phần tập đoàn X, Y, Z”. Từ đó sinh ra loạn “tập đoàn”.

Có sự hiểu lầm, ngộ nhận về tập đoàn?

Tập đoàn là một khái niệm để chỉ một nhóm công ty có quan hệ mật thiết về mặt sở hữu, chiến lược, thị trường, công nghệ hay sản phẩm... và chỉ có thế thôi. Không có cái gọi là tập đoàn kinh tế với tư cách một pháp nhân, nó không có vốn, không có tài sản, không có tư cách pháp nhân; ngược lại chỉ các công ty nằm trong cái nhóm được gọi là “tập đoàn” như thế mới có tư cách pháp nhân, mới có vốn và tài sản riêng. Đấy là điều được ghi nhận trong điều 26 của Nghị định 139/2007/NĐ-CP cũng như dự thảo nghị định mới.

Nói cách khác tập đoàn chỉ là một cái tên, một danh từ do người dân dùng để chỉ một nhóm công ty liên kết với nhau. Do không có tư cách pháp nhân, nên nó không có tư cách pháp lý gì trong các mối quan hệ kinh tế cả. Nhưng người ta đã thành lập chúng!

Cái khó, cái trái khoáy và mọi hệ quả khôn lường phát sinh từ đó. Làm sao có thể thành lập một cái không có tư cách pháp nhân, làm sao có thể quản lý một cái không có tư cách pháp nhân? Không thể. Đấy là lý do chính của sự chậm trễ trong việc ban hành nghị định về tập đoàn. Đó là việc bất khả thi, không thể làm được.

Ngược lại, nếu hiểu “tập đoàn” theo nghĩa thông thường như nói ở trên, thì việc quản lý cái “công ty mẹ” và các công ty con hay công ty thành viên của tập đoàn kinh tế không phải khó, có thể làm hoàn toàn đúng luật và thực ra các quy định của luật hiện hành cũng không thiếu để quản lý chúng: luật doanh nghiệp, luật phá sản, các luật thuế, luật cạnh tranh, luật kế toán, luật thương mại, luật thống kê...

Có thể nên sửa đổi các luật đó cho sát với cuộc sống hay có các quy định về việc mua bán công ty, sáp nhập công ty. Nói cách khác, một nghị định riêng về quản lý các tập đoàn kinh tế (tư nhân hay Nhà nước) là không có cơ sở pháp lý, khoa học và cũng không cần thiết.

Các doanh nghiệp nhà nước phải được Nhà nước quản lý như Nhà nước quản lý bất cứ doanh nghiệp nào, song với tư cách chủ sở hữu, Nhà nước có những quyền của chủ sở hữu và có toàn quyền dùng quyền chủ sở hữu mà pháp luật cho phép để đưa ra các quy định riêng đối với doanh nghiệp của mình.

Cái khó của Chính phủ là đã bị luật “bắt” phải “quy định, hướng dẫn tiêu chí, tổ chức quản lý và hoạt động của tập đoàn kinh tế”.

“Tập đoàn” là một khái niệm lành mạnh và bình thường, chúng ta đã làm méo mó khái niệm ấy, làm cho công chúng hiểu sai lạc về nó. Để khôi phục lại ý nghĩa bình thường của nó có lẽ cần quên nó đi trong một thời gian (bằng một lệnh hành chính cấm không cho bất cứ công ty nào được dùng tiền tố “tập đoàn” trong tên gọi của mình và các cơ quan nhà nước không nói đến “tập đoàn” nữa; sau một thời gian từ “tập đoàn” sẽ được tẩy sạch khỏi những lầm lẫn và lấy lại ý nghĩa bình thường của nó).

Chỉ cần vứt bỏ cái tư duy “tập đoàn”, thì chẳng có vấn đề nào để mà phải đau đầu, để mà phải giải quyết và có thể tập trung thời gian, trí lực vào những công việc thực chất như cai quản công ty (corporate governance), nâng cao trách nhiệm giải trình, nâng cao tính minh bạch, loại trừ sự mâu thuẫn lợi ích, nâng cao năng lực quản trị, nâng cao năng lực cạnh tranh, cải tiến sản phẩm, đổi mới công nghệ... của các công ty, tạo điều kiện cho các công ty cạnh tranh lành mạnh… tạo cơ sở pháp lý cho việc cai quản tốt hơn, quản trị và điều hành tốt hơn theo các thông lệ quốc tế tốt nhất, tạo điều kiện cho việc cổ phần hóa hữu hiệu.

Làm sao để quản lý các tập đoàn?

Trên đây chỉ là những nhận xét tổng quát. Tôi kiến nghị không nên có nghị định này nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc không cần quản lý gì thêm đối với các doanh nghiệp nhà nước, hay đối với các “tập đoàn” hiểu theo nghĩa thông thường (không phân biệt của Nhà nước hay tư nhân). Ngược lại, tôi nghĩ phải quản lý chúng chặt chẽ hơn.

Một mặt, các doanh nghiệp nhà nước phải được Nhà nước quản lý như Nhà nước quản lý bất cứ doanh nghiệp nào, song với tư cách chủ sở hữu, Nhà nước có những quyền của chủ sở hữu và có toàn quyền dùng quyền chủ sở hữu mà pháp luật cho phép để đưa ra các quy định riêng đối với doanh nghiệp của mình. Và với quyền của chủ sở hữu nhà nước có toàn quyền và có thể giải quyết một cách hữu hiệu những vấn đề nổi cộm hiện nay của các “tập đoàn” cũng như của các doanh nghiệp nhà nước khác, như những quyết định về nhân sự, về chiến lược kinh doanh, đầu tư dàn trải, về góp vốn chéo, về bán toàn bộ hay một phần vốn của mình... mà không cần phải có một nghị định riêng nào cả.

Điều quan trọng ở đây là Nhà nước dùng quyền hợp pháp của chủ sở hữu (22 quyền được nêu chi tiết tại điều 64 của Luật Doanh nghiệp), giống như các chủ sở hữu tư nhân khác, và việc sử dụng quyền này cũng phải tuân thủ các thủ tục pháp lý hệt như các chủ sở hữu tư nhân phải tuân thủ khi hành xử quyền sở hữu của mình, chứ không được dùng một cách tùy tiện.

Với tư cách chủ sở hữu, Nhà nước cũng có những nghĩa vụ của mình (điều 65 và 66 của Luật Doanh nghiệp) và phải thực hiện nghiêm túc các nghĩa vụ đó hệt như bất cứ chủ sở hữu nào khác. Đấy chính là cách Nhà nước nêu gương thượng tôn pháp luật và là cách hữu hiệu để tạo sân chơi thật sự bình đẳng cho các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế.

Mặt khác, cũng có thể cần có quy định pháp luật riêng để buộc các “tập đoàn” hiểu theo nghĩa một nhóm công ty có quan hệ mật thiết về mặt sở hữu, chiến lược, thị trường, công nghệ hay sản phẩm... phải tuân thủ (thí dụ: báo cáo kế toán hợp nhất đối với công ty mẹ, các vấn đề về thuế đối với các công ty con và công ty mẹ, thủ tục mua bán hay hợp nhất công ty, cấm câu kết hay lập ngân hàng...) nếu các quy định pháp luật hiện hành chưa có hay chưa rõ.

Điểm quan trọng ở đây là tất cả các công ty trong nhóm công ty như vậy, bất luận thuộc sở hữu nào, Nhà nước hay tư nhân, đều phải tuân theo quy định đó.

NGUYỄN QUANG A - Theo Thời báo kinh tế Sài gòn ngày 30/8/2008

 

 

Các văn bản liên quan