Quản tập đoàn bằng mệnh lệnh hành chính hay đầu tư tài chính?

Thứ Năm 10:34 04-09-2008

Quản tập đoàn bằng mệnh lệnh hành chính hay đầu tư tài chính?

 

 

 

 

 

 

 

Theo các chuyên gia Harvard, "từ kinh nghiệm của chính Việt Nam trong hai thập kỷ qua cũng như của các nền kinh tế từng dựa vào DNNN cho thấy, mặc dù có thể tiếp thêm nguồn lực để duy trì hoạt động của khu vực này nhưng cuối cùng thì nỗ lực này cũng không thành, để lại những hậu quả nặng nề cho nền kinh tế".

 

 

 

 

Sau gần 2 năm hoạt động thử nghiệm, đã đến lúc các tập đoàn kinh tế cần được trao một cơ chế pháp nhân chính thức, trong một khung pháp lý hoàn chỉnh, để quản lý và đảm bảo hiệu quả hoạt động, nhất là trong bối cảnh mặt trái trong hoạt động của TĐKT đang bộc lộ rõ trong bối cảnh kinh tế gặp khó. Tuy nhiên, dự thảo Nghị định về hình thành, tổ chức, hoạt động và giám sát đối với các tập đoàn kinh tế nhà nước ra mắt lần đầu tuần qua còn gây nhiều tranh cãi.

Dân lo quản lý lỏng, tập đoàn kêu bị "siết"
Thời gian qua, dư luận quan ngại nhiều về hiệu quả hoạt động của các TĐKT nói riêng và DNNN nói chung. Báo chí đã dành khá nhiều trang viết để bàn về cơ chế hoạt động của các tập đoàn, nhất là khi các DN này bành trướng ra ngoài trong khi bản thân các lĩnh vực kinh doanh chủ đạo, được nhà nước giao cùng với đặc quyền họ được hưởng, chưa thực hiện tốt.

Báo cáo của nhóm Harvard gửi Thủ tướng vài tháng trước đã lưu ý: "khu vực kinh tế nhà nước, dẫn đầu là các tập đoàn, được nuôi dưỡng bởi một cơ chế đầu tư công lỏng lẻo đã gây nên biết bao thất thoát và lãng phí. Lợi ích kinh tế và xã hội do các DNNN được bảo hộ tạo ra thường thấp tới mức không thể biện minh cho những ưu đãi được ban phát hết sức rộng rãi dành cho chúng".

Theo các chuyên gia Harvard, "từ kinh nghiệm của chính Việt Nam trong hai thập kỷ qua cũng như của các nền kinh tế từng dựa vào DNNN cho thấy, mặc dù có thể tiếp thêm nguồn lực để duy trì hoạt động của khu vực này nhưng cuối cùng thì nỗ lực này cũng không thành, để lại những hậu quả nặng nề cho nền kinh tế".

Sẽ cần nhiều thời gian để kiểm chứng được những nhận định này. Tuy nhiên, tính thiếu hiệu quả của các tập đoàn kinh tế là một thực tế rõ ràng. Giấc mơ về "những Thánh Gióng hiện đại", chỉ vài năm mới ra đời nhưng có thể đóng vai trò chủ đạo, làm trụ cột cho nền kinh tế có vẻ xa vời...

Dư luận mong muốn các cơ quan chức năng nhà nước sẽ giám sát chặt, quản lý tốt, đánh giá chính xác hoạt động của các tập đoàn kinh tế. Trong khi đó, Việt Nam vẫn chưa xác định được quy chế điều hành, quản lý nhà nước bằng một văn bản pháp quy.

Và Nghị định về hình thành, tổ chức, hoạt động và giám sát đối với TĐKT nhà nước được giao cho Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế trung ương CIEM, Bộ Kế hoạch - Đầu tư nghiên cứu, đề xuất là một cơ hội để hiện thực hóa mong muốn ấy.

Tuy nhiên, với Dự thảo nghị định mới được công bố, các tập đoàn nhất loạt kêu về việc bị "siết". Theo điều 22 của dự thảo Nghị định, quyền và trách nhiệm giám sát TĐKT nhà nước được trao cho rất nhiều Bộ, ngành khác nhau cùng thực hiện: Bộ Kế hoạch - Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ, Bộ quản lý với ngành nghề kinh doanh chính, cơ quan hoặc tổ chức do Chính phủ thành lập có chức năng chuyên trách thực hiện quyền sở hữu nhà nước với các TĐKT nhà nước, các tổng công ty lớn.

Theo một chuyên gia kinh tế, các tập đoàn cũng có cái lý của riêng họ. Có quá nhiều đầu mối cho việc quản lý một tập đoàn, khiến họ có cảm giác bị "một cổ nhiều tròng", phải chịu quá nhiều kênh giám sát, kiểm tra.

Trước đây, đã có những ý kiến về việc "nâng cấp" SCIC, trao trọng trách cho cơ quan này thực hiện vai trò đại diện chủ sở hữu cho nhà nước trong quản lý và giám sát hoạt động của các DNNN, nhất là các tập đoàn kinh tế. Nhưng một chuyên gia kinh tế đặt vấn đề, SCIC dù sao cũng là một DN, do đó, không thể đứng trên để quản lý, giám sát hàng nghìn DN khác, những đơn vị có tư cách pháp nhân tương đương. Muốn quản lý DN phải bằng một cơ quan nhà nước.

Ông này khuyến nghị, nên chăng xem xét về kiến nghị của CIEM về một cơ quan/tổ chức chuyên trách thực hiện quyền sở hữu nhà nước, để thống nhất đầu mối quản lý. Tuy nhiên, theo ông, đây phải là một cơ quan độc lập, không chịu sự chi phối và ràng buộc lợi ích với các cơ quan khác, đảm bảo tính khách quan trong giám sát, đánh giá. Việt Nam có thể học tập mô hình Ủy quan quốc gia về quản lý tài sản nhà nước của Trung Quốc khi xem xét thành lập cơ quan này.

Dù dưới hình thức quản lý nào, cơ quan nào là đầu mối, thì điều cấp thiết nhất và là mục tiêu cao nhất là đảm bảo tính hiệu quả thực tế của DNNN, xóa đi ấn tượng về việc DNNN nhận quá nhiều ưu đãi nhưng lại bị xem là "tội đồ" của nền kinh tế khó khăn.

Mệnh lệnh hành chính hay đầu tư tài chính?
Liên quan đến hoạt động của từng tập đoàn kinh tế, tại hội thảo bàn về dự thảo Nghị định mới, ông Nguyễn Tiến Cường đặt vấn đề về việc thành lập một cơ quan quản lý bao trùm lên mỗi tập đoàn kinh tế, bao gồm Hội đồng quản trị của công ty mẹ và Chủ tịch Hội đồng quản trị của các công ty thành viên.

Các chuyên gia quan ngại, với kiến nghị này, liệu việc quản lý DNNN có quay trở lại con đường mệnh lệnh hành chính, thay vì cơ chế đầu tư tài chính do cơ chế công ty mẹ - công ty con đem lại.

Trước đó, quan hệ của công ty trong một tổng công ty nhà nước là quan hệ của người giao vốn và người sử dụng vốn, của cấp trên và cấp dưới. Do đó, cách thức quản lý điều hành là mệnh lệnh hành chính.

Điểm mới của bước chuyển sang mô hình công ty mẹ - công ty con là chuyển quan hệ giữa các DN này sang quan hệ đầu tư tài chính, mà công ty mẹ là người đầu tư vốn, do đó, quan hệ giữa các DN trong bản thân một tập đoàn là quan hệ giữa các nhà đầu tư. Nhờ đó, công ty mẹ không thể áp đặt ý chí của mình lên công ty con, mà phải thông qua Hội đồng quản trị, ban điều hành... của công ty con, và ý chí của công ty mẹ chỉ mang tính chất tham khảo. Đây đã từng được đánh giá là một cuộc cách mạng với quản lý DNNN.

Trong một nền kinh tế lành mạnh, mối liên hệ của DN phải thông qua sản xuất hoặc liên lạc kinh tế tài chính, ông Nguyễn Trần Bạt, Tổng Giám đốc Invest Consult Group nói.

Với việc thành lập một cơ chế bao trùm lên một tập đoàn nhà nước như đề nghị của ông Cường, ông Phạm Tuấn Anh, Văn phòng Chính phủ đặt vấn đề, liệu chức năng của cơ chế này có gì khác với Hội đồng quản trị của công ty mẹ, hay đơn giản đó chỉ là sự trùng lặp các chức năng?

Hơn nữa, bản thân cơ chế này có sự cơ cấu các thành viên, với nòng cốt là Hội đồng quản trị của công ty mẹ, quyền lực thực tế của cơ chế này sẽ như thế nào? Đặc biệt, khi người đại diện của các công ty con là người đứng đầu DN, do Hội đồng bầu ra, nhưng do công ty mẹ giới thiệu, do đó, lá phiếu của họ liệu có bị chi phối?

Ngoài ra, cơ chế này là một tập hợp của những thành viên không phải là nhà đầu tư, không có mối quan hệ về đầu tư tài chính, khả năng can thiệp, điều hành sẽ như thế nào? Liệu có quay trở lại với con đường mệnh lệnh hành chính thuần túy.

Dự thảo vừa được đưa ra vẫn đang trong giai đoạn tiếp tục nghiên cứu. Sẽ còn rất nhiều điều tranh cãi xung quanh câu chuyện quản lý tập đoàn kinh tế nói riêng và DNNN nói chung. Nhưng suy cho tới cùng, mục tiêu cao nhất, bao trùm là đảm bảo hiệu quả thực của DNNN, mang lại lợi ích thực cho nền kinh tế, đảm bảo DNNN thực hiện tốt được vai trò lịch sử: là chỗ dựa của nhà nước trong quá trình chuyển đổi nền kinh tế.



 

 

 

Theo vietnamweek ( 18/8/2008 )

 

 

 

Các văn bản liên quan