Lúng túng Nghị định quản lý Tập đoàn

Thứ Năm 10:21 04-09-2008

Lúng túng Nghị định quản lý Tập đoàn

(Toquoc)- Hàng loạt tranh cãi đã nảy sinh xung quanh dự thảo Nghị định “Về hình thành, tổ chức, hoạt động và giám sát đối với các tập đoàn kinh tế nhà nước”- khung pháp lý đầu tiên dành cho tập đoàn.

Có cần thiết phải có Nghị định về quản lý, giám sát tập đoàn khi bản thân tập đoàn không có tư cách pháp nhân và cơ sở pháp lý? Dự thảo Nghị định chỉ mới quy định với đối tượng các Tập đoàn kinh tế Nhà nước, vậy khung pháp lý nào sẽ dành cho các tập đoàn kinh tế tư nhân đang có xu thế ra đời trong tương lai? Tên gọi tập đoàn cần được quy định thế nào cho chính xác và hợp lý?

Dưới đây là ý kiến của một số chuyên gia nghiên cứu về dự thảo Nghị định này.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trung

Phải giải được bài toán chủ sở hữu là ai?

Riêng về tập đoàn kinh tế nhà nước (TĐKTNN), chưa có quốc gia nào xử lý thành công mô hình này. Ví dụ ở Pháp, sau khi thực hiện mô hình tập đoàn KTNN không thành công đã phải chuyển sang tư nhân hóa, nhưng vẫn phải quay về mô hình KTNN. Cái khó nhất hiện nay đối với tập đoàn KTNN là vướng vào quyền sở hữu Nhà nước, điều này sẽ được xử lý như thế nào?

Chưa kể, hiện nay nhiều tập đoàn đã “mượn” quy định được kinh doanh đa ngành để mở rộng hoạt động sang rất nhiều lĩnh vực trái ngành, gây rất nhiều khó dễ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ khác.

TS Nguyễn Quang A- Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển IDS

“Tập đoàn” phải công nhận chứ không tự xưng

Dự thảo Nghị định đã định nghĩa đúng về Tập đoàn là đơn vị không có tư cách pháp nhân, không có vốn, tài sản chung, các thành viên độc lập. Nhưng quy định dùng tên gọi nào bị nhiều ý kiến phản đối quyết liệt. Cụ thể, dự thảo cấm dùng từ Tập đoàn, Tổng công ty nhưng lại cho dùng với Công ty mẹ, như vậy ngay trong các quy định của dự thảo đã bộc lộ mâu thuẫn.

Sở dĩ khó khăn trong việc đặt tên hay quản lý như thế nào là do ta tự tạo ra. Trên thế giới, không phải doanh nghiệp thích là có thể tự xưng tập đoàn, quan trọng đối tác kinh doanh có coi mình là tập đoàn hay không.

Theo tôi, nên bỏ danh xưng Tập đoàn trong mọi văn bản chính thức, còn việc chuyển đổi doanh nghiệp Nhà nước đã có Nghị định 101/2006/NĐ-CP quy định. Đồng nghĩa với việc không cần có Dự thảo Nghị định này, nên để từ Tập đoàn như đúng với nghĩa của nó trên thế giới, tức là được công nhận chứ không phải tự xưng. Điều lạ là chúng ta thậm chí tuyên bố thành lập một Tập đoàn nào đấy, và Chính phủ bổ nhiệm luôn chức Chủ tịch HĐQT. Vô hình chung ta đang làm méo mó, hỏng nghĩa từ tập đoàn. Tất nhiên vẫn phải quản lý chặt hơn đối với các tổng công ty lớn từ góc độ chủ sở hữu. Vấn đề quan trọng không phải chủ sở hữu là Nhà nước hay tư nhân, mà các doanh nghiệp sẽ cạnh tranh như thế nào. Chúng ta nên học hỏi kinh nghiệm từ các nước như Hàn Quốc, nhà nước ràng buộc “Ngân sách cứng”, tức là không phải lúc nào cũng ra tay cứu doanh nghiệp nhà nước khi nó bị phá sản, mà phải để nó tự cạnh tranh để sống còn.

Tôi cho rằng nên đẩy nhanh cổ phần hóa, nhưng Nhà nước phải nắm giữ ít đi cổ phần, để sớm tư nhân hóa nền kinh tế.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan

Luật của ta vẫn đang chơi vơi

Không thể bỏ dự thảo Nghị định vì đây là khuôn khổ pháp lý đầu tiên, là hành lang để Nhà nước giám sát hoạt động của các tập đoàn. Hiện nay chưa có nghị định nên bản thân các tập đoàn cũng lúng túng không biết ai đúng, ai sai? Bởi thế, Nhà nước vẫn cần khuôn khổ pháp lý cho các tập đoàn kinh tế, đặc biệt tập đoàn KTNN. Song Nghị định cũng nên mở rộng khung pháp lý quy định với cả tập đoàn kinh tế tư nhân, bởi nếu không họ vẫn sẽ phải hoạt động “mò”.

Riêng về vai trò chủ sở hữu của Nhà nước, trong suy nghĩ nhiều người, kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo thì nhà nước phải có công cụ để thực hiện vai trò chủ đạo đó. Nhưng kinh tế nhà nước không chỉ đơn thuần là doanh nghiệp nhà nước, song vì nhà nước đã duy trì quá nhiều doanh nghiệp nhà nước, nên vô hình chung nhiều doanh nghiệp đã lạm dụng vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước. Theo tôi, sai lầm của nhiều doanh nghiệp nhà nước là coi mình giữ vai trò chủ đạo của nền kinh tế cần khắc phục. Bởi thực tế, rất nhiều doanh nghiệp tư nhân sản xuất hiệu quả, đóng vai trò quan trọng cả về cung ứng sản phẩm cho xã hội, lẫn giải quyết việc làm cho người lao động.

TS Đinh Văn Ân- Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế TW (CIEM)

Đổi mới khung pháp luật và cơ chế quản lý

Bản thân tên gọi của tập đoàn còn rất nhiều điểm trùng lặp đã tạo nên sự phức tạp, rối rắm. Do có vị trí và vai trò quan trọng, nên nhiều tập đoàn kinh tế muốn thể hiện vai trò quan trọng của công ty mẹ ngay từ tên gọi và dùng luôn thuật ngữ tập đoàn đặt cho công ty mẹ. Điều này có thể dẫn đến nhận thức lầm lẫn giữa một bên là tập đoàn mà bản chất là nhóm hay tổ hợp các doanh nghiệp liên kết với nhau và một bên là công ty mẹ - đơn vị hạt nhân, chủ chốt của nền kinh tế.

Vấn đề này cần được nghiên cứu và giải thích rõ hơn để tránh những lầm lẫn. Chúng ta nên nhìn bài học từ Trung Quốc, nước này muốn xác lập vai trò quan trọng của công ty mẹ bằng tên gọi, cũng chỉ đặt tên công ty mẹ là công ty tập đoàn chứ không muốn dùng thuật ngữ “tập đoàn”. Để làm rõ tên gọi tập đoàn, cần phải làm rõ mô hình tập đoàn. Chủ sở hữu là cha đẻ các tập đoàn. Ngoài ra, cần đổi mới khung pháp luật và cơ chế quản lý đối với các tập đoàn kinh tế nhà nước./.

Mai Thu (thực hiện) - Theo báo Tổ quốc ngày 27-8-2008

Các văn bản liên quan