Dự thảo Nghị định về các Tập đoàn kinh tế nhà nước: Khẳng định vai trò của chủ sở hữu nhà nước!

Thứ Năm 10:19 04-09-2008

Dự thảo Nghị định về các Tập đoàn kinh tế nhà nước: Khẳng định vai trò của chủ sở hữu nhà nước!

 

 

 

 

Hội thảo "Hình thành và quản trị tập đoàn kinh tế ở Việt Nam - Đổi mới khung pháp luật và cơ chế quản lý đối với tập đoàn kinh tế nhà nước" do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương vừa tổ chức tại Hà Nội. Theo đó một Dự thảo Nghị định về các tập đoàn kinh tế nhà nước đã đưa ra lấy ý kiến. TS Trần Tiến Cường - thành viên Ban soạn thảo - Trưởng ban nghiên cứu chính sách phát triển doanh nghiệp - Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho biết:

Dự thảo Nghị định về các Tập đoàn kinh tế nhà nước sẽ nhằm mục tiêu tạo ra hành lang pháp lý, hướng dẫn cụ thể hơn cho các cơ quan thực hiện thẩm quyền quản lý của nhà nước. Bên cạnh đó những quy định tại Nghị định sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp (DN) thí điểm chuyển thành các tập đoàn kinh tế có cơ sở để vận dụng một số quy định mang tính chất không chỉ là hướng dẫn mà còn đảm bảo thực hiện quyền của người đại diện chủ sở hữu nhà nước, bảo vệ cho quyền và lợi ích chính đáng cho chủ sở hữu tập đoàn kinh tế nhà nước. Các quy định cũng khẳng định vai trò của chủ sở hữu nhà nước được rõ ràng tách bạch đối với quản lý nhà nước. Như vậy nó sẽ tạo điều kiện cho các tập đoàn kinh tế có sơ sở pháp lý hoạt động minh bạch và tốt hơn. Đồng thời các cơ quan Nhà nước sẽ làm rõ trách nhiệm quản lý của mình đối với các tập đoàn và không lẫn lộn với các chức năng quản lý nhà nước.

PV: Theo ông khi xây dựng Dự thảo chúng ta sẽ gặp vướng mắc gì không? 

TS Trần Tiến Cường: Như tôi đã nói vướng mắc khi xây dựng dự thảo đó là một số vấn đề mang tính kỹ thuật như tiêu chí để hình thành các công ty mẹ hay tập đoàn kinh tế là gì? Vốn hiện nay là bao nhiêu để các tập đoàn kinh tế có đủ nguồn lực để hoạt động và phát triển. Những quy định mang tính hướng dẫn cần rà soát lại cho phù hợp với quy định của pháp luật. Hay những quy định về sự giám sát của chủ sở hữu cần phù hợp với quyền của các doanh nghiệp đã được pháp luật quy định. Khi nghiên cứu các ngành nghề kinh doanh chính là đối tượng áp dụng của Nghị định này trong danh mục của Dự thảo cần có sự xem xét đánh giá thêm. Hoặc chọn các ngành nghề kinh doanh nên căn cứ vào tiêu chí phải đảm bảo được việc nhà nước quản lý đối với các tập đoàn kinh tế và sử dụng các tập đoàn kinh tế đó như một doanh nghiệp trực tiếp phục vụ  nền kinh tế nhà nước.   

PV: Nhiều ý kiến cho rằng để xác định được tiêu chí thành lập tập đoàn kinh tế là một điều khó khăn. Theo ông nên có những tiêu chí nào làm căn cứ để thành lập tập đoàn kinh tế?

TS Trần Tiến Cường: Dự thảo đang được xây dựng nhưng chúng tôi đã đưa ra một vài tiêu chí, dự kiến để xem xét. Theo tôi, trước hết là các ngành nghề đó phải đang nằm trong danh mục ngành nghề kinh doanh của 8 tập đoàn kinh tế đang thí điểm (Dầu khí; Bưu chính viễn thông; Điện lực; Công nghiệp tàu thuỷ; Cao su; Dệt may; Than - Khoáng sản và Tổng công ty Bảo hiểm Việt Nam). Nghĩa là nó phải dựa trên tiêu chí, mục tiêu của nhà nước áp dụng đối với các tập đoàn kinh doanh trong những ngành nghề quan trọng này là nhằm đảm bảo chiến lược kinh tế của đất nước, hoặc nằm trong các lĩnh vực ảnh hưởng đến an ninh kinh tế quốc gia. Hoặc dựa trên một tiêu chí nữa là tập trung vào những ngành nghề có hướng phát triển quy mô lớn, có sức lôi cuốn các thành phần kinh tế khác cùng phát triển. Đó là một vài ý kiến, tiêu chí mà chúng tôi đưa ra xem xét để tổng hợp thành ý kiến cuối cùng để trình Chính phủ.

PV: Một trong những nội dung của Dự thảo Nghị định có đưa ra  là "giám sát đối với các tập đoàn kinh tế". Nhiều ý kiến cho rằng quy định như vậy sẽ  siết chặt DN chứ không tạo điều kiện cho DN phát triển. ông có nhận xét gì về điều này?

TS Trần Tiến Cường: Nghị định này nhằm hướng dẫn trong thẩm quyền quản lý nhà nước được pháp luật quy định đảm bảo cho các doanh nghiệp có quyền quy định ai là chủ sở hữu, và các chủ sở hữu thực hiện quyền đó như thế nào. Nội dung của Nghị định thực chất là cụ thể hoá những quyền của chủ sở hữu để các DN thực hiện quyền theo những quy định của pháp luật nên không có sự kiềm chế nào cả. Những hoạt động giám sát, quản lý hoàn toàn theo quy định của pháp luật hoặc những thoả thuận dự kiến đưa vào nội dung quản lý của các tập đoàn kinh tế, hoặc những vấn đề liên quan đến thẩm quyền do các DN tự quyết định.  

PV: Theo ông, đến năm 2010 khi các DN hoàn thành cổ phần hoá thì cần có một cơ chế  quản lý như  thế nào?

TS Trần Tiến Cường: Tôi nghĩ rằng đến lúc đó cần có các văn bản pháp luật khác bổ sung để hướng dẫn các quyền sở hữu của các DN nhà nước. Hiện nay, các quy định rải rác ở nhiều văn bản khác nhau. Sau khi cổ phần hoá chắc chắn phải có văn bản hướng dẫn thay thế để nhà nước quản lý và hướng dẫn để các DN sử dụng có hiệu quả nguồn vốn.

PV: Xin cảm ơn ông!

Thứ Năm, 14/08/2008 -Theo Đời sống pháp luật - Trần Hương (thực hiện)

Các văn bản liên quan