Xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng là tội ác

Thứ Tư 10:21 23-06-2010

Xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng là tội ác

 

TT - Chiều 18-6, Quốc hội thảo luận nội dung dự án Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Đa số đại biểu nhất trí về sự cần thiết phải ban hành luật này nhưng cho rằng dự luật phải quy định thật cụ thể, rõ ràng trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước và đưa ra chế tài thật nặng đối với những kẻ xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng.

“Những hành vi xâm phạm nghiêm trọng quyền lợi người tiêu dùng phải được coi là tội ác. Khi nào chúng ta nhận thức được như vậy thì quyền lợi của người tiêu dùng mới có thể được bảo vệ thỏa đáng” - đại biểu Trần Văn Tấn (Tiền Giang) đề nghị.

Theo ông Tấn, trong nhiều trường hợp người tiêu dùng không tự nhận biết được chất lượng hàng hóa: không thể biết trong xăng có aceton, trong sữa có melamin... Vì vậy, cần quy định rõ trách nhiệm cung cấp, công bố thông tin của cơ quan quản lý nhà nước, nhất là trách nhiệm của Bộ Công thương.

Đại biểu Lê Kiều Vân (Quảng Trị) cho rằng thời gian qua tình trạng hàng nhái, hàng kém chất lượng, thông tin sai sự thật về hàng hóa, đong gian đếm lận xảy ra khá phổ biến nhưng quyền lợi người tiêu dùng chưa được bảo vệ đến nơi đến chốn. “Mất điện tràn lan nhưng người tiêu dùng chưa được bảo vệ. Ban hành luật này thì người tiêu dùng có được bảo vệ không?” - bà Vân trăn trở. Theo bà Vân, để luật đi vào cuộc sống, cần quy định rõ trách nhiệm cơ quan quản lý nhà nước, chế tài mạnh đối với các hành vi làm ảnh hưởng quyền lợi người tiêu dùng.

Nhiều đại biểu không đồng tình với quy định giao cho chính quyền địa phương giải quyết khiếu nại của người tiêu dùng đối với người cung cấp hàng hóa, dịch vụ. Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) phân tích: “Luật tổ chức HĐND và UBND không quy định cho cơ quan hành chính giải quyết tranh chấp trong giao dịch dân sự. Tôi cho rằng không nên hành chính hóa việc giải quyết quan hệ dân sự, chỉ cần quy định ba phương thức giải quyết tranh chấp là hòa giải, trọng tài và tòa án”.

Nhiều đại biểu đồng tình quy định việc thành lập tổ chức bảo vệ người tiêu dùng để đại diện bảo vệ người tiêu dùng trong các trường hợp người tiêu dùng bị xâm phạm lợi ích. Tổ chức bảo vệ người tiêu dùng có quyền đại diện người tiêu dùng khởi kiện các tổ chức, cá nhân xâm hại lợi ích người tiêu dùng.

LÊ KIÊN – Theo Tuổi trẻ ngày 19/6/2010

 

Các văn bản liên quan