Dự thảo Luật Bảo vệ người tiêu dùng: Doanh nghiệp lo ngại!

Thứ Hai 11:22 21-06-2010

Dự thảo Luật Bảo vệ người tiêu dùng: Doanh nghiệp lo ngại!

 

Luật nhấn mạnh đến việc bảo vệ người tiêu dùng, ông Cường cho rằng, nếu có tranh chấp thì doanh nghiệp lại yếu thế hơn người tiêu dùng.

 

 

Dự thảo Bảo vệ người tiêu dùng được thiết kế để có thể đi vào cuộc sống và trở thành một phần không thể thiếu trong hoạt động của doanh nghiệp. Nhưng chính các doanh nghiệp lại e ngại, dự luật chưa công bằng, khó khả thi!

 

Trong thời gian gần đây, ngày càng gia tăng các vụ việc xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng với qui mô và mức độ nghiêm trọng ngày một lớn hơn. Đặt trong bối cảnh ấy, việc hình thành luật bảo vệ người tiêu dùng là một việc làm cấp bách. Thứ trưởng Bộ Công Thương Lê Danh Vĩnh nhìn nhận, cộng đồng doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng đối với sự ra đời của luật này.

 

Quyền lực thị trường

 

Ông Đặng Hoàng Hả - Phó Cục trưởng cục Quản lý cạnh tranh, thành viên ban soạn thảo, tổ phó tổ biên soạn Luật bảo vệ người tiêu dùng nhấn mạnh, luật này coi người tiêu dùng là trung tâm và là một bên yếu thế trong quan hệ với thương nhân.

 

Do vậy, định hướng xây dựng Luật bảo vệ người tiêu dùng lần này sẽ sử dụng quyền lực thị trường nhằm nâng cao lợi ích người tiêu dùng. Cách tiếp cận này có thể “tiếp thêm sức mạnh” cho bên yếu thế. Vậy nên, có thể hiểu vì sao các doanh nghiệp cảm thấy có phần bất an với những gì mà “quyền lực thị trường” có thể đem lại một khi dự luật được thực thi.

 

Chia sẻ với việc luật phải cân bằng lợi ích giữa người tiêu dùng và doanh nghiệp, ông Phạm Chí Cường - Chủ tịch Hiệp hội thép Việt Nam nhìn nhận, xây dựng Luật này là rất khó.

 

Trong khi ban soạn thảo nhấn mạnh đến việc bảo vệ người tiêu dùng, ông Cường cho rằng, nếu có tranh chấp thì doanh nghiệp lại yếu thế hơn người tiêu dùng.

 

Thực tế, khi xây dựng một thương hiệu, doanh nghiệp rất lo sợ mỗi khi người tiêu dùng phản hồi và kiện cáo vì nó ảnh hưởng tới uy tín của chính thương hiệu.

 

Chỉ cần một va vấp nhỏ của doanh nghiệp, người tiêu dùng kiện là ảnh hưởng ngay tới thương hiệu được gìn giữ và xây dựng bao lâu của chính doanh nghiệp đó. Do vậy, muốn bảo vệ người tiêu dùng phải có cơ chế pháp lý xử phạt hợp lý, đảm bảo lợi ích cho người tiêu dùng và cho cả doanh nghiệp nữa. Cũng cần xem xét tới quyền lợi của doanh nghiệp, đặc biệt là trong những vụ tranh chấp, kiện tụng, bởi trên thực tế cũng còn nhiều vụ kiện chưa được minh bạch, ông Cường kiến nghị.

 

Ông Hoàng Văn Hạnh - đại diện của Hiệp hội kinh doanh vàng Việt Nam góp ý, nên bổ sung một chương bảo vệ người sản xuất trước người tiêu dùng trong quá trình sản xuất.

 

Ở góc độ của một doanh nghiệp có lợi thế độc quyền tự nhiên và thường xuyên là đối tượng của những lời than phiền từ phía khách hàng, ông Vũ Khắc Thư - đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam có mối lo rất cụ thể.

 

Chẳng hạn như, về quyền khởi kiện của tổ chức người tiêu dùng (đại diện bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng), ông Thư cho rằng, không phải là quyền đương nhiên mà chỉ nên hiểu trong trường hợp quyền của người tiêu dùng bị xâm phạm không thể đứng ra bảo vệ mình được thì tổ chức đại diện đứng ra. Nếu không sẽ khó tránh được việc bị lạm dụng.

 

Còn về trách nhiệm của nhà cung cấp (thương nhân), ông Thư đặt vấn đề, dự thảo chưa quy định trường hợp bất khả kháng với thương nhân. Do đó, cần phải xem xét bổ sung.

 

Cần sự minh bạch

 

Luật gia Vũ Xuân Tiền - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tư vấn quản lý và đào tạo VFAM Việt Nam cho rằng, Luật Bảo vệ người tiêu dùng cần phải được xem xét toàn diện hơn nhằm bảo đảm sự hài hòa về lợi ích giữa người sản xuất, kinh doanh với người tiêu dùng. “Các thương nhân - người sản xuất, kinh doanh hàng hóa và cung ứng dịch vụ là đối tượng quan trọng nhất trong việc thực hiện Luật Bảo vệ người tiêu dùng. Vì vậy, các quy định của Luật cần bảo đảm sự minh bạch đến mức cao nhất về quyền và nghĩa vụ của thương nhân” - ông Tiền nói.

 

Chẳng hạn, về hành vi ép buộc người tiêu dùng, ông Tiền nhìn nhận, quy định như dự thảo không hợp lý và vi phạm quyền của thương nhân trong mua, bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ quy định trong Luật Doanh nghiệp, Luật Dân sự và Luật Thương mại. Hay như về quy định đối với hợp đồng theo mẫu, thì chính việc yêu cầu “Thương nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thiết yếu cho người tiêu dùng có sử dụng hợp đồng theo mẫu phải đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ người tiêu dùng trước khi sử dụng” được ông Tiền nhìn nhận là không cần thiết và về bản chất là làm phát sinh thêm một “giấy phép con”.

 

Để hoá giải mối quan hệ giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng trong các trường hợp xung đột lợi ích, Trung tâm hòa giải là một điểm thu hút sự quan tâm.

 

Theo Mặc San

 

DDDN

 

Các văn bản liên quan