Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại Việt Nam

Thứ Hai 11:24 21-06-2010

Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại Việt Nam

Khoa Diễm, phóng viên RFA
2010-06-07

Theo Wikipedia, tự điển bách khoa mở được sử dụng trên mạng internet, thì luật bảo vệ người tiêu dùng được thiết kế để đảm bảo cạnh tranh công bằng và tự do những thông tin xác thực trên thị trường.

Hàng điện gia dụng General Electric tại một trung tâm mua sắm ở Hà Nội, ảnh chụp hôm 25/04/2010.

Việt Nam chưa có luật bảo vệ người tiêu dùng, nhưng vào ngày 3/6 vừa qua, Bộ Công Thương đã trình lên dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại kỳ họp Quốc Hội khóa XII. Khoa Diễm có bài viết tìm hiểu về dự luật này như sau:

Cần cơ chế cụ thể

 Luật Bảo vệ người tiêu dùng đã được nhiều nước trên thế giới áp dụng và có hiệu quả rất tốt. Tuy nhiên, ở Việt Nam hiện nay vẫn chưa có một đạo luật như thế để bảo đảm việc người tiêu dùng được bảo vệ khi sử dụng các sản phẩm do các tổ chức cá nhân kinh doanh.

Vào năm 1999, Việt Nam có ban hành Pháp lệnh Bảo vệ người tiêu dùng. Song song với pháp lệnh trên, quyền lợi của người tiêu dùng được nhắc trong các đạo luật khác như Bộ luật Dân sự, Hình sự, Thương mại, luật Tiêu chuẩn về quy chuẩn kỹ thuật nhưng chưa có những cơ chế cụ thể để thực thi các quyền này.

Khi người tiêu dùng bị thiệt hại, trên nguyên tắc, họ có quyền gởi khiếu nại đến nhà sản xuất, kinh doanh, văn phòng khiếu nại, hay những cơ quan liên quan. Tuy nhiên thực tế cho thấy chưa có trường hợp nào nhà sản xuất bồi thường và cũng chưa có trường hợp nào người tiêu dùng lên tiếng khiếu kiện được chấp nhận.

Nhiều ý kiến cho rằng, với các cách họat động chưa có luật pháp bảo vệ như hiện nay, dù những nhà kinh doanh hay ví von gọi khách hàng của họ là thượng đế thì người tiêu dùng vẫn bị thiệt hại.

Anh Hoàng Thọ, cư ngụ tại quận 4, TPHCM cho biết.

Mình mua rồi thì mình ráng chịu. Ví dụ như một món đồ họ bán, mình đồng ý mua, mua về ăn mà có vấn đề gì thì mình ráng chịu. Nhiều khi những đồ quá đát, họ ướp lại bằng hàng the hay gì đó cho tươi lại, mình không biết, ăn nhầm vào, nếu có chuyện gì cũng không thể thưa kiện được.”

Anh Thọ nói thêm, anh nghĩ có thể khi một tập thể lớn như nhân viên của một xí nghiệp gặp vấn đề gì đó thì họ có thể thưa nhưng từ trước đến nay anh chưa nghe trường hợp nào thắng cả mà chỉ thấy đăng báo “đang còn trong vòng điều tra.”

Người tiêu dùng thuộc giới bình dân tại Việt Nam thường không được thay đổi ý kiến, trả lại sản phẩm bị hư hại, cũng không được đối xử nhã nhặn khi họ không mua một món đồ nào đó sau khi coi xét sản phẩm.

Chị Phụng, một cư dân của quận 7, TPHCM nói về suy nghĩ của chị.

“Ghét nhất một cái là mua đồ không được trả lại, họ chửi mình đó.”

Khi được hỏi chị nghĩ sao về dự án Luật Bảo vệ người tiêu dùng, chị Phụng nói.

“Bảo vệ người tiêu dùng thì rất tốt.”

Lợi ích của hai phía

Theo báo Lao Động, tại kỳ họp Quốc Hội, Bộ trưởng Bộ Công Thương, ông Vũ Huy Hoàng, cho rằng thực trạng vi phạm  quyền lợi người tiêu dùng ngày càng gia tăng với mức độ nghiêm trọng. Các quy định của pháp luật còn nhiều bất cập, chỉ mang tính tuyên ngôn khó có thể thực hiện được, chưa có những chế tài đặc thù để xử lý các hành vi vi phạm.

 

Ông Hoàng nói việc xây dựng bộ luật mới này để Bảo vệ người tiêu dùng sẽ đảm bảo sự cân bằng trong giao dịch giữ người tiêu dùng và các tổ chức kinh doanh. Nhà nước sẽ là trung tâm trong họat động này khi tích cực bảo vệ cả người tiêu dùng và công ty kinh doanh trong vấn đề lợi ích hợp pháp của hai phía.

 

Theo dự thảo thì người tiêu dùng có quyền được bảo đảm an tòan về tính mạng, sức khỏe, tài sản; có quyền được cung cấp các thông tin chính xác và đầy đủ về cơ sở kinh doanh, nội dung giao dịch; có quyền được bồi hoàn khi sản phẩm hay dịch vụ không đúng tiêu chuẩn. Đồng thời họ có quyền khiếu nại, tố cáo, khởi kiện mà không cần phải đưa ra chứng cứ chứng minh lỗi thuộc về tổ chức hay cá nhân kinh doanh.

 

Hàng điện tử được bán tại một trung tâm mua sắm ở Hà Nội, ảnh chụp hôm 25/04/2010. Photo by Tyler Chapman/RFA.

Nhiều đại biểu quốc hội nhất trí việc ban hành bộ luật này là cần thiết nhưng cũng có những ý kiến cho rằng trong dự thảo này còn có quá nhiều quy định chưa thỏa đáng.

Một số đại biểu cho rằng dự luật này, khi cho phép người tiêu dùng không cần chứng minh lỗi của doanh nghiệp mà các doanh nghiệp phải chúng minh rằng mình không có lỗi, thì đã mâu thuẫn với luật Dân sự vì theo luật Dân sự thì cả hai bên, người buộc tội và kẻ bị kiện, đều phải chứng minh sự vi phạm.

Một ý kiến khác cho rằng dự thảo luật cần bổ sung trách nhiệm của doanh nghiệp khi sản phẩm của họ bị nhái, làm giả, kém chất lượng, gây thiệt hại cho người tiêu dùng. 

Dự luật Bảo vệ người tiêu dùng đang còn gây nhiều tranh cãi tại cuộc họp Quốc Hội vì theo ông phó chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Đức Kiên, nội dung dự luật cần nghiên cứu rõ hơn các điều khoản để người tiêu dùng có thể tự bảo vệ mình. Dự luật này dự kiến sẽ thông qua năm 2010.

Không phải chỉ có chị Phụng là tán thành dự luật Bảo vệ người tiêu dùng, mà hầu hết những ai được hỏi cũng rất mong mỏi việc này được thông qua càng nhanh càng tốt. Họ ngỏ ý họ hy vọng là tiếng nói và vai trò quan trọng của người tiêu dùng cần được quan tâm hơn.

Các văn bản liên quan