Dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng: Bảo vệ người tiêu dùng bằng cơ chế hữu hiệu hơn

Thứ Hai 11:20 21-06-2010

Dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng: Bảo vệ người tiêu dùng bằng cơ chế hữu hiệu hơn

 

(Chinhphu.vn) –Việc xây dựng Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng nhằm tạo được một cơ chế giải quyết các khiếu nại, tranh chấp hữu hiệu để người tiêu dùng có thể tự bảo vệ mình.

Ngày 3/6, Quốc hội tiếp tục nghe Chính phủ báo cáo về dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đang thu hút được nhiều người quan tâm hiện nay.

Tờ trình của Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng trình bày cho hay,  các vụ vi phạm quyền lợi người tiêu dùng ngày càng gia tăng cả về số lượng và mức độ vi phạm, như vụ xăng pha aceton, vụ nước tương nhiễm chất 3-MCPD, vụ gian lận đo lường xăng dầu, mỡ động vật không rõ nguồn gốc…

“Những vụ việc này đã gây thiệt hại không chỉ về tài sản mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí là tính mạng của người tiêu dùng”, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nêu rõ.

Tuy nhiên, các quy định của Pháp lệnh bảo vệ người tiêu dùng năm 1999  mới chỉ ghi nhận các quyền của người tiêu dùng một cách chung chung mà chưa có những cơ chế cụ thể, hữu hiệu để thực thi các quyền của người tiêu dùng.

Đặc biệt, các quy định của pháp luật hiện hành nằm rải rác ở các văn bản quy phạm pháp luật khác chưa xây dựng được một cơ chế giải quyết các khiếu nại, tranh chấp hữu hiệu để người tiêu dùng có thể tự bảo vệ mình.

“Trong khi cần những quy định pháp lý đủ sức răn đe, phòng ngừa các hành vi vi phạm thì quy định bảo vệ người tiêu dùng hiện nay vẫn còn mang tính tuyên ngôn, khó thực hiện”, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nhận xét.

Việc xây dựng Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng phải khắc phục được những hạn chế, bất cập trên.

Tổ chức bảo vệ người tiêu dùng: Tổ chức xã hội đặc biệt

Thẩm tra Dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Báo cáo của Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường cho rằng, nội dung các quy định của dự thảo Luật được xây dựng từ những quy định được kiểm nghiệm trong thực tế, có tham khảo kinh nghiệm của các nước, đáp ứng đòi hỏi của cuộc sống, cơ bản là khả thi.

Báo cáo thẩm tra đồng tình với việc dự thảo quy định một số biện pháp giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh như khiếu nại bằng biện pháp hành chính, thủ tục xét xử rút gọn, quyền khởi kiện tại Tòa án và hòa giải… Trong đó, tạo cơ chế để cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ra quyết định hành chính, tham gia giải quyết tranh chấp để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.

Tuy nhiên, vẫn còn ý kiến chưa tán thành với các quy định về tổ chức bảo vệ người tiêu dùng, thủ tục xét xử rút gọn, giải quyết khiếu nại bằng con đường hành chính.

Xung quanh vai trò, vị trí của Tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đa số các thành viên của Ủy ban đều cho rằng, đây là tổ chức xã hội đặc biệt, bởi không phải bảo vệ quyền lợi của bản thân Hội mà bảo vệ lợi ích, hợp pháp, chính đáng của đông đảo người tiêu dùng.

“Chúng tôi kiến nghị dự thảo Luật cần làm rõ quyền hạn, nghĩa vụ của Tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Quy định giao cho tổ chức này thực hiện các hoạt động về thông tin, tuyên truyền về quyền và trách nhiệm của người tiêu dùng, giám định để kết luận có hay không hành vi vi phạm khi phát sinh tranh chấp làm căn cứ giải quyết”, GS. Đặng Vũ Minh nói.

Lê Sơn -Theo Chinhphu.vn ngày 03/06/2010

 

Các văn bản liên quan