Dự án Luật Bảo vệ người tiêu dùng: Người tiêu dùng không phải chứng minh lỗi

Thứ Hai 11:19 21-06-2010

Dự án Luật Bảo vệ người tiêu dùng: Người tiêu dùng không phải chứng minh lỗi

Trách nhiệm chứng minh thuộc về phía người kinh doanh. Nếu không chứng minh được mình không có lỗi thì phải bồi thường cho người tiêu dùng.

Tổ chức, cá nhân kinh doanh nếu vi phạm quyền lợi người tiêu dùng (NTD) sẽ bị đưa vào danh sách công khai; trách nhiệm bồi thường thiệt hại do khuyết tật của hàng hóa gây ra kể cả trong trường hợp tổ chức, cá nhân kinh doanh không biết hoặc không có lỗi trong việc phát sinh khuyết tật. Đó là một trong những điểm mới của dự án Luật Bảo vệ NTD được nhiều người quan tâm tại buổi góp ý sáng 29-4 do Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM tổ chức.

Hợp đồng mẫu phải được đăng ký

“Nhìn đâu cũng thấy hàng độc và kém an toàn, hàng giả tràn lan, thậm chí tem chống hàng giả cũng bị làm giả!” - luật sư Nguyễn Văn Hậu, Đoàn Luật sư TP, nhận xét về mặt trái của thị trường hiện nay. Theo luật sư Hậu, tổ chức, cá nhân kinh doanh phải có nghĩa vụ đưa thông tin về hàng hóa để NTD biết hàng hóa đó có được lưu thông trên thị trường hay không. Đồng thời cũng phải đưa thông tin cảnh báo đối với loại hàng hóa gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Ví dụ như ở nước ngoài, họ cảnh báo vật liệu xây dựng gây nhiễm xạ, hút thuốc lá gây bệnh ung thư…

Dự luật quy định tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thiết yếu phải đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền mẫu hợp đồng theo mẫu. Luật sư Trương Thị Hòa cho rằng hợp đồng theo mẫu phải được đăng ký để cơ quan có thẩm quyền xem xét cái nào gây bất lợi cho NTD.

“Theo tôi, dự thảo nên dành hẳn một chương riêng để quy định rõ quyền và nghĩa vụ của NTD” - luật sư Hòa bày tỏ. Theo phân tích của bà, nên quy định nghĩa vụ của NTD phải đòi hóa đơn thì họ sẽ được trừ đi những phần chi theo hóa đơn đó để tính thuế thu nhập cá nhân. Quy định liên quan đến thuế thu nhập của chính họ thì NTD sẽ tự khắc phải quan tâm đến việc lấy hóa đơn.

Đảm bảo quyền lợi cả hai phía

Bà Phan Thị Việt Thu, Phó Văn phòng Khiếu nại, Hội Bảo vệ NTD TP.HCM, cho rằng quy định trách nhiệm bồi thường thiệt hại do khuyết tật của hàng hóa gây ra kể cả trong trường hợp tổ chức, cá nhân kinh doanh không biết hoặc không có lỗi trong việc phát sinh khuyết tật như trong dự luật là ép doanh nghiệp. Bởi có những trường hợp nhà sản xuất mua linh kiện từ một đơn vị khác để làm ra sản phẩm thì họ không lường hết được.

Tuy nhiên, có ý kiến phản bác lại cho rằng quy định như vậy thì tổ chức, cá nhân kinh doanh mới có trách nhiệm cao hơn trong việc cung cấp sản phẩm ra thị trường và tránh việc đùn đẩy trách nhiệm khi phát sinh tranh chấp từ khuyết tật của sản phẩm.

Theo dự luật, tổ chức, cá nhân kinh doanh nếu vi phạm quyền lợi NTD sẽ bị đưa vào danh sách công khai. “Thực hiện quy định này nếu không cẩn thận thì có khi lại phạm luật. Vì vậy, dự luật nên quy định khi nào và mức độ vi phạm đến đâu thì mới bị công khai. Đương nhiên phải bảo vệ NTD nhưng cũng phải đảm bảo cả quyền lợi hai bên” - ông Lê Minh Dũng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP, nhấn mạnh.

Tin nhắn rác là quấy rối

Theo dự luật, trong vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi NTD, NTD và tổ chức bảo vệ quyền lợi NTD không phải đưa ra chứng cứ để chứng minh lỗi của tổ chức, cá nhân kinh doanh. Nghĩa vụ chứng minh không có lỗi thuộc về tổ chức, cá nhân kinh doanh.

Dự luật cũng quy định việc miễn tạm ứng án phí, lệ phí đối với NTD khi đòi bồi thường thiệt hại. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng quy định như vậy là không hợp lý. “Luật quy định như vậy là không khả thi. Bởi nếu không có tiền thì tòa không thể ra công bố trên các báo theo quy định, mà không công bố được thì thẩm phán cũng không thể ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự” - ông Nguyễn Hoàng Đạt, Phó Chánh Tòa Dân sự TAND TP.HCM, cho hay.

Có ý kiến cho rằng dự luật cũng chưa tính đến việc bảo vệ NTD trước sự xâm hại của NTD khác. Dự luật cần bổ sung hành vi gửi email, tin nhắn quảng cáo trái với ý muốn của NTD là hành vi quấy rối NTD; nhà nước cần có biện pháp hỗ trợ tổ chức bảo vệ NTD hoạt động trong khi NTD chưa có ý thức tự bảo vệ mình…

NHẪN NAM Theo Pháp luật thành phố ngày 30/4/2010

Các văn bản liên quan