Khi bị lừa, người tiêu dùng nên làm gì?

Thứ Sáu 17:55 31-07-2009
Bà Mỹ Loan, Cục trưởng Cục Quản lý Cạnh tranh (Bộ Thương mại) và ông Đỗ Gia Phan, Phó Chủ tịch Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam đã giải đáp hàng chục thắc mắc của độc giả về quyền lợi người tiêu dùng.
 
Trên khắp thế giới, chúng ta đã thấy những người khổng lồ như Nike hay McDonald bị trừng phạt như thế nào khi không làm tròn nghĩa vụ đối với người tiêu dùng. Tuy nhiên, ở Việt Nam, sức mạnh đó dường như còn ngủ quên.

Các hành vi hạn chế cạnh tranh và cạnh tranh không lành mạnh, nạn hàng giả, hàng không đạt tiêu chuẩn, chất lượng, vệ sinh, hàng hóa và dịch vụ thiếu độ an toàn, giá cả bất hợp lý, việc vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, vấn đề tiêu dùng gây nguy hại đến môi trường.

Vấn đề cung cấp cho người tiêu dùng các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu đặc biệt là điện, xăng dầu, khí đốt; vấn đề giá cả và độ an toàn của các dịch vụ tài chính, bảo hiểm, ngân hàng, giao thông, xây dựng… cũng đang gây bức xúc cho người tiêu dùng.

Trong năm 2005, các vụ việc về vệ sinh an toàn thực phẩm, ô nhiễm nước sinh hoạt, bán hàng đa cấp bất chính, rồi điện kế điện tử, trung tâm ngoại ngữ SITC… gây nhiều thiệt hại cho khách hàng.

Người tiêu dùng không biết bảo vệ mình?

 

Pháp lệnh về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 1999,  Luật Cạnh tranh  2004  là những công cụ pháp lý quan trọng để người tiêu dùng bảo vệ quyền lợi của mình. Đảm bảo môi trường cạnh tranh bình đẳng và lành mạnh để doanh nghiệp  thỏa mãn tốt nhất nhu cầu của người tiêu dùng bằng việc đưa ra các sản phẩm và dịch vụ có chất lượng cao, giá cả hợp lý, chủng loại đa dạng.

Bên cạnh đó, quyền lợi của người tiêu dùng còn được bảo vệ bởi nhiều quy định trong các văn bản pháp luật khác như Bộ Luật Dân sự, Bộ luật Hình sự, Luật Thương mại, Luật Bảo vệ sức khỏe nhân dân, Luật Bảo vệ môi trường, Pháp lệnh Chất lượng hàng hóa, Pháp lệnh Đo lường, Chất lượng…

Ngày Quyền của Người tiêu dùng Thế giới năm nay (15/3), tổ chức Quốc tế Người tiêu dùng (CI) lại một lần nữa phát đi lời kêu gọi đẩy mạnh công cuộc bảo vệ người tiêu dùng ở mỗi quốc gia, với chủ đề “Năng lượng cho mọi người”.

Hiện nay, Cục Quản lý cạnh tranh được giao chức năng nhiệm vụ giúp Bộ trưởng Bộ Thương mại thực hiện quản lý nhà nước về bảo vệ người tiêu dùng. Bên cạnh đó, Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam và 26 Hội địa phương tại các tỉnh, thành phố là những tổ chức đại diện cho người tiêu dùng. Đây sẽ là những cơ quan, tổ chức sẽ sát cánh hỗ trợ người tiêu dùng Việt Nam trong việc bảo vệ quyền lợi của họ. 

Ai sẵn sàng giúp đỡ người tiêu dùng?

Vậy người tiêu dùng biết gì về 8 quyền của mình, về các công cụ pháp lý bảo vệ quyền lợi của mình? Quyền của người tiêu dùng về năng lượng là thế nào? Họ có thể sử dụng những kênh khiếu nại nào khi quyền lợi bị xâm phạm? Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam khuyến cáo gì và sẽ giúp được gì người tiêu dùng? Cục quản lý cạnh tranh đang đưa ra biện pháp gì để giảm thiểu những những công ty kinh doanh bất chính?

Mời quý vị đặt thẳng những thắc mắc, câu hỏi của mình trong chương trình giao lưu trực tuyến với bà Mỹ Loan, Cục trưởng Cục Quản lý Cạnh tranh (Bộ Thương mại) và ông Đỗ Gia Phan, Phó Chủ tịch Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam.

Dưới đây là nội dung cuộc giao lưu

NguyenHuuThong - Nam 29 tuổi - 18 Tran Hung Dao - Hai Phong
- Xin Bà cho biết các văn bản cụ thể hiện hành qui định về việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Việt Nam.
 

- Bà Đinh Thị Mỹ Loan: Hiện nay chúng ta đã có Pháp lệnh Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. được ban hành năm 1999 và Luật cạnh tranh có hiệu lực từ 1/7/2005. Đây là 2 văn bản pháp luật cơ bản nhất để bảo vệ người tiêu dùng. Ngoài ra, trong các văn bản pháp luật khác như Hiến pháp, Luật Dân sự, Luật Thương mại, các pháp lệnh về đo lường chất lượng quảng cáo... cũng có những nội dung liên quan đến bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Lương Mỹ Nga - Nữ, 46 tuổi - Long Xuyên, An Giang
- Xin vui lòng cho biết các buớc chuẩn bị ra đời Hội Bảo vệ nguời tiêu dùng? Cơ quan quản lý Nhà nuớc sẽ đóng vai trò như thế nào đối với hoạt động này?
- Ông Đỗ Gia Phan: Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là tổ chức tự nguyện của những người có tâm huyết bảo vệ người tiêu dùng. Muốn thành lập hội, những người có ý định sẽ báo cáo với cơ quan tổ chức của tỉnh, sau đó thành lập một ban trù bị để vận động thành lập hội. Khi đã chuẩn bị xong, sẽ triệu tập đại hội thành lập. Hội cần được sự cho phép của chính quyền tỉnh.

Thông thường, các sở thương mại hoặc chi cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng là các cơ quan có liên quan nhiều đến vấn đề bảo vệ người tiêu dùng. Những cơ quan này có thể đứng ra vận động thành lập hội. Nên liên hệ với hội tiêu chuẩn và bảo vệ ngươì tiêu dùng Việt Nam để được hướng dẫn và giúp đỡ.

Phạm Trung Kiên - Nam, 23 tuổi - 304 Ngõ Quỳnh
- Trước tiên tôi xin cảm ơn VietNamNet đã tổ chức buổi giao lưu này. Tôi cũng như rất nhiều người tiêu dùng Việt Nam thường xuyên gặp phải những vấn đề liên quan đến lợi ích người tiêu dùng, đôi khi giá trị hàng hóa không lớn nhưng nó gây ra sự bực mình cho người tiêu dùng. Điều tôi muốn trao đổi ở đây là: 1. Người tiêu dùng sẽ được bảo vệ quyền lợi như thế nào, cơ quan nào sẽ đứng ra giải quyết và quá trình giải quyết có kịp thời không? 2. Những kết quả mà chúng ta trao đổi trong buổi giao lưu ngày hôm nay liệu có tính khả thi không, hay rồi nó lại bị quên lãng ngay? Xin cảm ơn.
- Bà Đinh Thị Mỹ Loan: Tôi xin trả lời câu hỏi của bạn như sau: 1. Theo quy định của Pháp lệnh về bảo vệ người tiêu dùng, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng là trách nhiệm chung của toàn xã hội. Cũng theo quy định của Pháp lệnh thì người tiêu dùng có 8

Ngô Thị Thanh Huyền - Nữ 19 tuổi - Truờng ĐH Ngoại thuơng Hà nội
- Gửi tới Bác Phan: Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ NTD. Hiện này Tổng CTy Điện lực Việt Nam đang có phuơng án tăng giá điện. Không biết Hội đã làm gì để lên tiếng cho động thái trên của Tổng CTy Điện lực? Thực tế, điện lực đang giữ vị trí độc quyền, việc làm này có bị coi là vi phạm Luật Cạnh tranh Việt Nam không? với tư cách là nguời tiêu dùng, cháu rất bức xúc với cách làm trên. Lương của các nhân viên điện lực thì cao vời vợi. Công việc của họ là giấc mơ của bao người, sao họ không bớt mỗi nguời 1 chút, bớt các khoản "chìm" đầu tư cho đất nước hơn là làm 1 việc xáo trộn nền kinh tế như vậy?
- Ông Đỗ Gia Phan: Từ 15/3/2006 Bộ Công nghiệp đã đưa lên mạng lấy ý kiến mọi người về các phương án tăng giá điện. Đây là vấn đề bức xúc của rất nhiều người. Hội đã có ý kiến trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng. Tuy nhiên đây cũng chỉ là một ý kiến như tất cả các ý kiến khác. Việc tăng giá điện sẽ kéo theo sự tăng giá của nhiều hàng hoá và dịch vụ khác. Đây là một gánh nặng cho người tiêu dùng nên sự lo lắng của mọi người là chính đáng.

Theo ý kiến của tôi thì phương án thích hợp nhất là chưa nên tăng giá vào lúc này. Nếu ngành điện cần đầu tư để phát triển thì có thể vay của dân, vay ngân hàng, vay nước ngoài... chứ không nên lấy ở túi tiền ít ỏi của người tiêu dùng.

L­uong Viet Sang - Nam 41 tuổi - 826, CT4, Khu do thi Mi Dinh - Me Tri, Ha Noi
- Lệ phí ở khu chung cư tôi đang ở cao hơn so với các khu khác (45.000 đồng/xe máy, 80.000 đồng phí chạy thang máy và vệ sinh, cây cảnh...). Người dân sống ở đây không được thảo luận về mức lệ phí, không được chọn người cung cấp dịch vụ. Có phải là chúng tôi đã tự bỏ rơi mình?
- Ông Đỗ Gia Phan: Ông và những người cùng nơi ở cần có ý kiến với những người có trách nhiệm để thảo luận một mức thích hợp cho cả hai bên. Đây là một trong những quyền của người tiêu dùng: quyền được có ý kiến.

Hoàng Văn Chính - Nam 33 tuổi - Điện Biên
- Quý Quản lý cạnh tranh đã có những việc làm cụ thể, thiết thực gì để bảo vệ người tiêu dùng VN theo chức năng nhiệm vụ đã được giao phó?
- Bà Đinh Thị Mỹ Loan: Cục Quản lý cạnh tranh được giao nhiệm vụ quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng từ tháng 12/2004. Một năm qua kể từ khi nhận nhiệm vụ này, Cục đã triển khai nhiều hoạt động, cụ thể:

- Hướng dẫn, tuyên truyền, phổ biến pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

- Hướng dẫn triển khai nhiệm vụ công tác bảo vệ người tiêu dùng ở các địa phương.

Cục Quản lý cạnh tranh cũng đã tổ chức các buổi tập huấn cho Sở Thương mại/Sở Thương mại Du lịch các tỉnh, thành phố trên cả nước, Hội Bảo vệ người tiêu dùng địa phương về các vấn đề liên quan tới pháp luật cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng; gửi công văn hướng dẫn các Sở Thương mại/Sở Thương mại Du lịch triển khai công tác này;
- Xây dựng phương án hỗ trợ văn phòng khiếu nại của người tiêu dùng Bên cạnh đó, Cục đang từng bước xây dựng và mở rộng quan hệ hợp tác với các cơ quan và tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của các nước trên thế giới như Tổ chức Quốc tế Người tiêu dùng, CUTS International, Ủy ban Thương mại liên bang Hoa Kỳ…

Cục Quản lý cạnh tranh đang hợp tác với các cơ quan bảo vệ người tiêu dùng các nước ASEAN xây dựng chương trình hành động bảo vệ người tiêu dùng trong khu vực và thiết lập một mạng lưới bảo vệ người tiêu dùng cho các thành viên ASEAN.

Trần Thị Thuận - Nữ 45 tuổi -
- Xin ông cho biết, tôi muốn tham gia Hội thì ở Hải Dương liên hệ với đơn vị nào? Hải Dương đã có Hội này chưa?
- Ông Đỗ Gia Phan: Hải Dương đã có hội bảo vệ người tiêu dùng. Bà có thể liên hệ với hội ở địa chỉ Chi cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng tỉnh Hải Dương.

Nguyen Huu Thong - Nam 29 tuổi - 18 Tran Hung Dao - Hai Phong
- Thua Ba My Loan, Ba co the cho biet mot so qui dinh phap luat hien hanh ve viec bao ve quyen loi nguoi tieu dung Viet Nam ?
- Bà Đinh Thị Mỹ Loan: Ngày 27/04/1999, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã thông qua Pháp lệnh về bảo vệ người tiêu dùng. Pháp lệnh quy định rõ các quyền và trách nhiệm của người tiêu dùng, tổ chức cá nhân sản xuất kinh doanh hàng hóa, dịch vụ, các quyền khiếu nại, tố cáo của người tiêu dùng.

Ngày 2/10/2001, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 69/2001/2001/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, Luật Cạnh tranh mới ra đời cũng là một công cụ pháp lý quan trọng để bảo vệ người tiêu dùng. Một trong những mục tiêu quan trọng của Luật Cạnh tranh là bảo vệ người tiêu dùng chống lại các tác động tiêu cực của các hành vi hạn chế cạnh tranh và cạnh tranh không lành mạnh trên thị trường làm phương hại tới quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của người tiêu dùng.

Thông qua việc điều chỉnh các hành vi, Luật hướng tới khuyến khích cạnh tranh lành mạnh. Theo đó, các doanh nghiệp sẽ phải cạnh tranh với nhau để thỏa mãn tốt nhất nhu cầu của người tiêu dùng bằng việc đưa ra các sản phẩm và dịch vụ có chất lượng cao, giá cả hợp lý, chủng loại đa dạng.

Ngoài ra, quyền lợi của người tiêu dùng còn được bảo vệ bởi nhiều quy định trong các văn bản pháp luật khác như Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự, Luật Thương mại, Luật Bảo vệ sức khỏe nhân dân, Luật Bảo vệ môi trường, Pháp lệnh Chất lượng hàng hóa, Pháp lệnh Đo lường… Đây là hành lang pháp lý quan trọng để các cơ quan chức năng thực hiện công tác bảo vệ người tiêu dùng.

Đặng Trần Quang - Nam 35 tuổi - Thanh Xuân - Hà Nội
- -Xin ông Phan cho biết, hiện nay Hội Bảo vệ người tiêu dùng đã có bao nhiêu chi hội tại các địa phương? Nguồn kinh phí hoạt động của hội lấy từ đâu khi tôi biết rằng người dân không phải nộp bất kỳ một khoản phí nào khi đến khiếu nại?
- Ông Đỗ Gia Phan: Hiện nay hệ thống Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của nước ta gồm có hội tiêu chuẩn bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam ở cấp trung ương, có 26 hội ở các tỉnh và thành phố từ Bắc vào Nam.

Hội là một tổ chức phi lợi nhuận, không được Nhà nước cấp kinh phí. Nguồn kinh phí do những người thoạt động hội tạo ra nhờ những dự án, và một số nguồn thu khác. Hiện nay vì muốn khuyến khích người tiêu dùng khiếu nại nên hội chưa thu lệ phí khiếu nại.

Bùi Mai Anh - Nữ 28 tuổi - Hà Nội
- Như nhiều nguời tiêu dùng, tôi không biết chúng tôi có những quyền gì? Tôi thấy mặc dù chúng ta có khẩu hiệu "Khách hàng là thượng đế" nhưng khi mua bán, chúng tôi vẫn cảm thấy không được tự do lựa chọn sản phẩm mà mình thích. Ví dụ, tôi vào hiệu sách để mua 1 chiếc bản đồ TP.HCM, cô bán hàng đưa cho tôi một chiếc bản đồ to. Tôi hỏi: "Có loại nào nhỏ hơn không?" Cô bán hàng trả lời "Không". Tôi trả tiền cho chiếc bản đồ to. Lúc sau tôi nhìn thấy có loại nhỏ hơn ở phía dưới, tôi đòi đổi lại nhưng không đuợc chấp nhận. Vì đã mua rồi không đuợc trả lại nữa do đã in hóa đơn. Vậy trong trường hợp này tôi nên xử lý như thế naò?
- Theo quy định của Pháp lệnh Bảo vệ người tiêu dùng, người tiêu dùng có 8 quyền cơ bản sau đây:
1. Quyền được thoả mãn những nhu cầu cơ bản.
2. Quyền được an toàn
3. Quyền được thông tin
4. Quyền được lựa chọn
5. Quyền được lắng nghe
6. Quyền được khiếu nại và bồi thường
7. Quyền được giáo dục, đào tạo về tiêu dùng
8. Quyền được có môi trường sống lành mạnh Trong trường hợp của bạn, cửa hàng đã vi phạm.

PHAN PHẠM THẠCH THẢO - Nữ 27 tuổi - Chung cư Bình Trưng Đông, Q.2
- Khoảng năm 2002, cha tôi có gửi bưu kiện ảnh sang dự thi ở nuớc ngoài qua đường chuyển phát nhanh của DHL. DHL cam kết là sẽ gửi ảnh đó đến kịp truớc hạn chót dự thi. Nhưng sau đó thì DHL nói là địa chỉ đó là hộp thư và nguyên tắc là giao hàng phải có ký nhận nên không gửi ảnh được và yêu cầu chúng tôi trả tiền cước trả hàng về. Chúng tôi cho là quá vô lý, sau đó có lên DHL ở Tân Sơn Nhất để nhờ giải đáp: Vì sao cty lúc nhận bưu phẩm chúng tôi gửi đi không nói đó chỉ là địa chỉ hộp thư và không thể gửi đến đúng ngày được mà lại đi cam kết ngược lại? Đại diện cty nói là cước phí trả hàng về đã được quy định rõ trong hợp đồng với khách hàng. Tôi muốn hỏi là liệu những điều mà cty DHL nói là đã thoả thuận với khách hàng (in sau lưng tờ giấy biên nhận thu cuớc, hoàn toàn bằng tiếng Anh) có được chấp nhận ở VN không? Chúng tôi không biết tiếng Anh nên không thể đọc được những điều đó thì sao có thể gọi là thoả thuận?
- Ông Đỗ Gia Phan: Việc cung cấp các dịch vụ như điện nước, viễn thông... thường đều có hợp đồng do nhà cung cấp thảo sẵn. Người tiêu dùng không được có ý kiến nên đây là một việc không bình đẳng giữa người cung ứng và người tiêu dùng trong việc giao kết hợp đồng.

Theo quy định thì khi giao dịch với đối tượng là người Việt Nam, hợp đồng phải làm bằng tiếngViệt, là ngôn ngữ chính thức của nước ta.

Vũ Quốc Thịnh - Nam, 30 tuổi - Hạ long, Quảng Ninh
- Hiện tôi đang dùng nước sạch nhưng tôi cảm thấy không được sạch lắm, tôi muốn kiểm trỗưem nguồn nước có đủ tiêu chuẩn không thì kiểm tra ở đâu? (Tôi ở Hạ Long).
- Ông Đỗ Gia Phan: Ông có thể liên hệ với Chi cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng tỉnh Quảng Ninh để nhờ giúp đỡ.

Nguyễn Viết Cầu - Nam 36 tuổi - Buôn Ma Thuột
- Nếu hàng bán không đúng chất lượng như quảng caó, nhà sản xuất phải chịu những trách nhiệm như thế naò?
- Bà Đinh Thị Mỹ Loan: Trước hết, nếu không đúng uy Pháp lệnh Quảng cáo và Luật Thương mại

Đinh Văn Tiến - Nam 25 tuổi - Hà Tây
- Cục quản lý Cạnh tranh đã và đang có biện pháp gì để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng khi họ là nạn nhân của hàng kém chất lượng hay chưa? Xin cho biết người tiêu dùng dựa vào đâu để xác định được hàng kém chất lượng?
- Bà Đinh Thị Mỹ Loan: Trước hết, người tiêu dùng mua phải hàng kém chất lượng cần khiếu nại trực tiếp đến người bán hoặc nhà sản xuất.

Trong trường hợp khiếu nại không được giải quyết hoặc giải quyết không thoả đáng, người tiêu dùng có thể gửi khiếu nại cho Văn phòng Khiếu nại của Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Trung ương hoặc địa phương, hoặc có thể phản ánh cho Cục Quản lý cạnh tranh.

Bên cạnh đó, người tiêu dùng cũng có thể gửi đơn kiện lên toà án các cấp theo thủ tục Tố tụng dân sự. 

Bùi Văn Tới - Nam 22 tuổi - Hà Nội
- Khi bị lừa, chúng tôi không biết gặp ai và kêu ai để giải quyết cho mình. Xin cho chúng tôi lời khuyên.
- Bà Đinh Thị Mỹ Loan: Bạn cần cho chúng tôi biết "bị lừa" là trong trường hợp nào? Về nguyên tắc, bạn có thể trình bày vấn đề của mình với Văn phòng Khiếu nại của Hội Bảo vệ người tiêu dùng, Sở Thương mại Du lịch tại các tỉnh, thành phố hoặc phản ánh tới Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Thương mại).

Hoàng Minh Thảo - Nam 32 tuổi - Hà Nội
- Bản thân tôi thấy lực luợng của các cơ quan chức năng về bảo vệ nguời tiêu dùng hiện nay rất mỏng, xin bà cho biết một số biện pháp để phát triển cơ quan và mạng luới bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng trong tương lai?
- Bà Đinh Thị Mỹ Loan: Cục Quản lý cạnh tranh đã tích cực triển khai một số biện pháp để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Ví dụ:

- Tổ chức hướng dẫn, tuyên truyền phổ biến pháp luật bảo vệ người tiêu dùng.

- Hướng dẫn triển khai công tác bảo vệ người tiêu dùng tại các tỉnh, thành phố.

- Xây dựng phương án hỗ trợ văn phòng khiếu nại của người tiêu dùng.

- Phối hợp chặt chẽ với Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Trung ương và các Hội địa phương để đẩy mạnh hoạt động bảo vệ người tiêu dùng.

Một số biện pháp để phát triển cơ quan và mạng luới bảo vệ quyền lợi của nguời tiêu dùng trong tương lai: Bộ Thương mại tiếp tục hướng dẫn và kiểm tra việc triển khai công tác của các Sở Thương mại/ Sở Thương mại Du lịch Tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền pháp luật bảo vệ người tiêu dùng... thông qua các phương tiện thông tin đại chúng mà cuộc giao lưu trực tuyến tại VietNamNet là một ví dụ.

Xây dựng và cung cấp thông tin về công tác bảo vệ người tiêu dùng trên website của Cục Quản lý cạnh tranh. Thúc đẩy việc đưa nội dung tiêu dùng tiết kiệm bền vững vào chương trình giáo dục trong trường học.

Để làm được những điều này, bên cạnh những nỗ lực của Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Thương mại và các Sở Thương mại/Sở Thương mại Du lịch, chắc hẳn sẽ cần sự phối hợp tích cực của các Bộ/ngành, cơ quan báo chí, các tổ chức bảo vệ người tiêu dùng cũng như chính bản thân người tiêu dùng.

NGUYEN MINH TRÍ - Nam 28 tuổi - ctim
- Xin hỏi: Trong vụ điện kế điện tử TP.HCM và gần đây nhất là chuyện cấp nước của Công ty cấp nước TP.HCM, quyền lợi của người tiêu dùng được bảo vệ thế nào?
- Ông Đỗ Gia Phan: Về vụ Công tơ điện tử và Đồng hồ đo nước tại TP.HCM, sau khi người tiêu dùng phản ánh, Hội đã liên hệ với cơ quan chức năng và các cơ quan thông tin đại chúng để thông tin và làm rõ vấn đề. Hiện nay vụ việc đang được các cơ quan chức năng xử lý, sẽ có kết luận trong thời gian gần đây.

Hoàng Văn Diểm - Nam 50 tuổi - phường Hồng Hà TP Yên bái, tỉnh Yên bái
- Tết vừa qua tôi vào một cửa hàng tư nhân mua một chai ruợu tây có dán tem hàng hoá, khi mở ra uống, phát hiện là ruợu dởm. Tôi mang đến của hàng đã mua, họ trả lời là chính họ cũng không biết, thấy có tem thì mua về bán chứ không thể mở ra để kiểm tra đuợc. Tôi nghĩ đây là sự cố nhiều nguời gặp phải chứ không phải riêng tôi. Xin hỏi bà: ai sẽ bảo vệ quyền lợi cho khách hàng như tôi, hay cũng đành chấp nhận mất tiền?
- Ông Đỗ Gia Phan: Ông có thể liên hệ với Cục quản lý thị trường hoặc các cơ quan quản lý thị trường địa phương để phản ánh và nhờ giải quyết.

Hoàng Minh Thảo - Nam 32 tuổi - Hà Nội
- Tôi thấy nhận thức về quyền và lợi ích của nguời tiêu dùng Việt Nam và trách nhiệm của nhà sản xuất hàng hoá, cung cấp dịch vụ của các doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn rất thấp so với các nước khác. Bà có ý kiến gì về vấn đề nâng cao văn hoá tiêu dùng ở Việt Nam?
- Bà Đinh Thị Mỹ Loan: Các doanh nghiệp sản xuất hàng hoá và cung cấp dịch vụ ở Việt Nam đã có những khẩu hiệu như "Khách hàng là thượng đế", "Khách hàng luôn luôn đúng"...

Tuy nhiên, trên thực tế cũng vẫn còn những doanh nghiệp không tôn trọng khách hàng, vô trách nhiệm với sản phẩm hàng hoá và dịch vụ của mình, coi khẩu hiệu trên chỉ là hình thức mà chưa thật sự có trách nhiệm với người tiêu dùng.

Để nâng cao văn hoá tiêu dùng ở Việt Nam, người tiêu dùng phải có những hiểu biết cơ bản về quyền và nghĩa vụ của mình như đã trình bày ở phần trên. Các doanh nghiệp sản xuất và cung ứng dịch vụ cũng cần phải tuân thủ pháp luật bảo vệ người tiêu dùng như bảo đảm tiêu chuẩn, chất lượng của hàng hoá, dịch vụ...; phải thông tin, quảng cáo chính xác và trung thực; phải giải quyết kịp thời mọi khiếu nại của người tiêu dùng; tiếp thu ý kiến đóng góp của người tiêu dùng; bồi thường thiệt hại cho người tiêu dùng theo quy định của pháp luật.

Nâng cao văn hoá người tiêu dùng cũng đòi hỏi những kiến thức về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng nên đưa vào chương trình giáo dục tại các trường học.

Thu Hằng - Nữ 32 tuổi - Hà nội
- Gửi bà Loan: Xin bà cho biết khả năng thực thi của Pháp lệnh Bảo vệ người tiêu dùng ở Việt Nam. Liệu có khả năng đây chỉ là một luật trên giấy hay không? Vì kể từ khi ra đời đến giờ, tôi chưa thấy Luật này phát huy được vai trò của nó.
- Bà Đinh Thị Mỹ Loan: Xin hoan nghênh bạn đã biết đến Pháp lệnh Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Nhà nước ban hành Pháp lệnh này là thể hiện sự quan tâm đến lợi ích chính đáng của người tiêu dùng.

Tôi không nghĩ đây chỉ là một "luật trên giấy" bởi thực tế cho thấy, kể từ khi Pháp lệnh ra đời, đã có nhiều sự chuyển biến trong công tác bảo vệ người tiêu dùng.

Ví dụ: Nhà sản xuất và cung ứng dịch vụ đã ý thức được trách nhiệm của mình đối với người tiêu dùng; người tiêu dùng cũng đã biết sử dụng các quyền của mình; nhận thức của xã hội về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã được nâng lên một bước...

Tuy nhiên, chúng ta còn rất nhiều việc phải làm để thực thi Pháp lệnh có hiệu quả hơn nữa và cần phải ý thức được rằng, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng là trách nhiệm chung của toàn xã hội.

Phuơng Cuờng - Nam 48 tuổi - Báo Thái Nguyên
- Tôi thấy nguời tiêu dùng Việt Nam chúng ta đang bị coi thuờng. Bằng chứng là tại Thái Nguyên có một gia đình mua phải Coca Cola có mùi thối. Báo chí nêu khá nhiều mà không ai đứng ra can thiệp, bảo vệ, nhất là cơ quan có thẩm quyền về bảo vệ nguời tiêu dùng Việt Nam. Bà cho biết thế là thế nào? Và bà có biết điều này không? Theo bà nên xử lý vấn đề này thế nào?
- Bà Đinh Thị Mỹ Loan: Trong trường hợp cụ thể này, người mua cần trực tiếp khiếu nại với nơi bán và nhà sản xuất. Việc người tiêu dùng khiếu nại đúng đối tượng sẽ được giải quyết nhanh chóng chứ không có chuyện không có ai bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam.

Trường hợp người bán hoặc người sản xuất không chịu giải quyết thoả đáng, người tiêu dùng có thể gửi khiếu nại tới Văn phòng Khiếu nại của người tiêu dùng tại địa phương hoặc các cơ quan chức năng như chúng tôi đã trình bày ở trên.

Thư Ngân - Nữ 55 tuổi - Ngõ 9 phố Vương Thừa Vũ Hà nội
- Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam do ai thành lập và các vị do ai bầu ra? Hội có quyền hạn gì để có thể bảo vệ người tiêu dùng hay cũng chỉ nói theo người tiêu dùng?
- Ông Đỗ Gia Phan: Hội tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam nguyên là hội khoa học kỹ thuật về tiêu chuẩn hoá đo lường chất lượng, được thành lập năm 1988.

Nhận thấy các vấn đề trên có liên quan mật thiết đến quyền lợi người tiêu dùng nên năm 1990, Hội đã đưa nội dung bảo vệ người tiêu dùng vào tôn chỉ mục đích của Hội và đổi tên thành Hội tiêu chuẩn và bảo vệ ngươi tiêu dùng Việt Nam.

Đây là một tổ chức tự nguyện của những người công tác trong lĩnh vực tiêu chuẩn đo lường chất lượng và có tâm huyết với việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Hội không phải là một cơ quan Nhà nước nên không có quyền hạn về mặt Nhà nước. Hội tiến hành bảo vệ người tiêu dùng theo cách của mình, chủ yếu là tác động đến đường lối chính sách của Nhà nước trong vấn đề quyền lợi người tiêu dùng đồng thời vận động người tiêu dùng đứng lên tự bảo vệ quyền lợi của mình.

Thư Ngân - Nữ 55 tuổi - Ngõ 9 phố Vương Thừa Vũ Hà nội
- Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam do ai thành lập và các vị do ai bầu ra ? Hội có quyền hạn gì để có thể bảo vệ người tiêu dùng hay cũng chỉ nói theo người tiêu dùng ?
- Ông Đỗ Gia Phan: Hội tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam nguyên là hội khoa học kỹ thuật về tiêu chuẩn hoá đo lường chất lượng, được thành lập năm 1988. Nhận thấy các vấn đề trên có liên quan mật thiết đến quyền lợi người tiêu dùng nên năm 1990, Hội đã đưa nội dung bảo vệ người tiêu dùng vào tôn chỉ mục đích của Hội và đổi tên thành Hội tiêu chuẩn và bảo vệ ngươi tiêu dùng Việt Nam.

Đây là một tổ chức tự nguyện của những người công tác trong lĩnh vực tiêu chuẩn đo lường chất lượng và có tâm huyết với việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Hội không phải là một cơ quan Nhà nước nên không có quyền hạn về mặt Nhà nước. Hội tiến hành bảo vệ người tiêu dùng theo cách của mình, chủ yếu là tác động đến đường lối chính sách, thúc đẩy các  cơ quan chức năng của Nhà nước trong vấn đề bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đồng thời vận động người tiêu dùng đứng lên tự bảo vệ quyền lợi của mình.

Phạm Anh Đào - Nữ 19 tuổi -
- Tôi mua phải hàng mỹ phẩm rởm gây dị ứng toàn thân, không biết nhờ cơ quan nào can thiệp.
- Bà Đinh Thị Mỹ Loan: Bạn cần khiếu nại với nơi bán, hoặc phản ánh với cơ quan Quản lý thị trường tại địa phương.

Tuy nhiên, để bảo vệ mình, người tiêu dùng cũng cần cân nhắc kỹ càng trước khi mua những hàng không rõ nguồn gốc hay có những dấu hiệu của hàng giả, hàng không đảm bảo chất lượng.

Hàng năm, Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam đều phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức các cuộc triển lãm hàng thật - hàng giả. Bạn có thể tham dự để biết thêm thông tin.

Nguyen Thu Lan - Nữ 32 tuổi - Hà Nội
- Đã có những hoạt động tích cực, xây dựng khung pháp lý để bảo vệ nguời tiêu dùng, song Hội và cơ quan hữu quan đã có những động thái gì nhằm tuyên truyền rộng rãi cho nguời dân biết về những hoạt động đó? Nguời tiêu dùng Việt Nam không phải ai cũng có trình độ và điều kiện để biết và vận dụng Luật. Nếu như Luật Giao thông đường bộ đã tiếp cận một cách gần gũi với nguời dân qua chuơng trình "Tôi yêu VN" thì các Luật về quyền lợi người tiêu dùng đã được chuơng trình nào phổ cập chưa?
- Ông Đỗ Gia Phan: Hội rất quan tâm đến vấn đề nâng cao hiểu biết cho người tiêu dùng về vị trí của mình về quyền và trách nhiệm của mình về các kỹ năng tiêu dùng để có thể tự bảo vệ mình.

Hội đã mở nhiều cuộc hội thảo, lớp tập huấn cho các hội người tiêu dùng; tổ chức nhiều cuộc triển lãm như triển lãm hàng thật hàng giả đẻ giúp người tiêu dùng phân biệt được hàng thật hàng giả... Hội rất muốn tổ chức các sự kiện nhưng vì nguồn lực hạn chế nên chưa làm được nhiều.

nguyẽn thu lan - Nữ 32 tuổi - hà nội
- Đã có những hoạt động tích cực, xây dựng khung pháp lý để bảo vệ nguời tiêu dùng xong Hội và cơ quan hữu quan đã có những động thái gì nhằm tuyên truyền rộng rãi cho nguời dân biết về những hoạt động đó? NGuời tiêu dùng Việt Nam không phải ai cũng có trình độ và điều kiện để biết và vận dụng Luật. Nếu như Luật Giao thông đuờng bộ đã tiếp cận một cách gần gũi với nguời dân qua chuơng trình "Tôi yêu VN" thì các Luật về quyền lợi nguời tiêu dùng có chuơng trình nào phổ cập chưa?
- Ông Đỗ Gia Phan: Hội rất quan tâm đến vấn đề nâng cao hiểu biết cho người tiêu dùng về vị trí của mình về quyền và trách nhiệm của mình về các kỹ năng tiêu dùng để có thể tự bảo vệ mình. Hội đã mở nhiều cuộc hội thảo, lớp tập huấn cho các hội người tiêu dùng; tổ chức nhiều cuộc triển lãm như triển lãm hàng thật hàng giả đẻ giúp người tiêu dùng phân biệt được hàng thật hàng giả... Hội rất muốn tổ chức các sự kiện nhưng vì nguồn lực hạn chế nên chưa làm được nhiều.

Nguyen Van Duyen - Nam 53 tuổi - 48, Nguyen Trai, Dong Ha, Quang Tri
- Đã có văn bản nào cấm quảng cáo sai sự thật trên các phương tiện thông tin đại chúng?
- Bà Đinh Thị Mỹ Loan: Luật Thương mại 2005, Điều 109 có quy định: Cấm quảng cáo sai sự thật về một trong các nội dung: số lượng, chất lượng, giá, công dụng, kiểu dáng, xuất xứ hàng hoá, chủng loại, bao bì, phương thức phục vụ, thời hạn bảo hành của hàng hoá.

Luật Cạnh tranh cũng quy định: Cấm doanh nghiệp thực hiện các hoạt động quảng cáo đưa thông tin gian dối hoặc gây nhầm lẫn cho khách hàng về một trong các nội dung: giá, số lượng, chất lượng, công dụng, kiểu dáng, chủng loại, bao bì, ngày sản xuất, thời hạn sử dụng, xuất xứ hàng hoá, người sản xuất, nơi sản xuất, người gia công, nơi gia công, cách thức sử dụng, phương thức sử dụng, thời hạn bảo hành.

Ngoài ra, ông có thể tham khảo thêm Pháp lệnh Quảng cáo, Pháp lệnh Bảo vệ người tiêu dùng và một số văn bản hướng dẫn quy định chi tiết về vấn đề này.

Pham Quoc Khanh - Nam 24 tuổi - Hanoi
- Đã có hình thức xử phạt nào đối với các DN tại VN thực hiện "chiêu" khuyến mãi bán hàng nhưng thực tế trúng thưởng không có hoặc ít hơn rất nhiều so với giá trị thực được công bố? Cơ quan chức năng có biết hiện tượng này rất phổ biến tại VN?
- Ông Đỗ Gia Phan: Doanh ngiệp muốn khuyến mại phải đăng ký và được phép. Khi đã đăng ký doanh nghiệp phải làm đúng những điều cam kết cuả mình. Luật thương mại và những văn bản tiếp theo có quy định về các chế tài khi doanh nghiệp vi phạm. Người tiêu dùng muốn không bị lừa cần nghiên cứu kỹ những quy định của doanh nghiệp khi đưa ra khuyến mại.

Trường hợp bị lừa có thể khiếu nại đến các văn phòng khiếu nại của người tiêu dùng hoặc Cục xúc tiến thương mại để được giúp đỡ.

Quang - Nam -
- Cái trò bán hàng đa cấp gây nhiều ảnh huởng xấu trong xã hội, sao Hội làm lơ??? 1 vạn học viên SITC bị lừa cũng do "đa cấp" đó.
-
Bà Đinh Thị Mỹ Loan: Bán hàng đa cấp là một trong các phương thức kinh doanh được quy định tại Luật Cạnh tranh. Vấn đề là trong thực tế có nhiều hiện tượng bán hàng đa cấp bất chính, gây nhiều ảnh huởng xấu trong xã hội. Vì vậy, Luật Cạnh tranh đã có quy định: Cấm doanh nghiệp thực hiện các hành vi nhằm thu lợi bất chính từ việc tuyển dụng người tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp, bao gồm:

- Yêu cầu người muốn tham gia phải đặt cọc, phải mua một số lượng hàng hoá ban đầu, hoặc phải trả một khoản tiền để được quyền tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp;

- Không cam kết mua lại với mức giá ít nhất là 90% giá hàng hoá đã bán cho người tham gia để bán lại;

- Cho người tham gia nhận tiền hoa hồng, tiền thưởng, lợi ích kinh tế khác, chủ yếu từ việc dụ dỗ người khác tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp;

- Cung cấp thông tin gian dối về lợi ích của việc tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp, thông tin sai lệch về tính chất, công dụng của hàng hoá để dụ dỗ người khác tham gia.

Doanh nghiệp vi phạm các quy định nói trên sẽ bị phạt 50 - 100 triệu đồng và có thể bị thu hồi giấy đăng ký tổ chức bán hàng đa cấp. Thậm chí, Cục Quản lý cạnh tranh còn có thể tịch thu khoản lợi nhuận thu được từ việc thực hiện hành vi vi phạm.

Cục Quản lý cạnh tranh và các Sở Thương mại cũng như các Hội Bảo vệ người tiêu dùng tại các tỉnh, thành phố sẵn sàng tiếp nhận và xử lý các thông tin liên quan đến hành vi bán hàng đa cấp bất chính.

VietNamNet

Các văn bản liên quan