Những nội dung chính của Dự thảo Luật bảo vệ người tiêu dùng

Thứ Tư 12:04 05-08-2009

1.      Phạm vi điều chỉnh

Luật này quy định về bảo vệ người tiêu dùng, bao gồm:

-        Nguyên tắc bảo vệ người tiêu dùng;

-        Trách nhiệm của thương nhân đối với người tiêu dùng;

-        Giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và thương nhân

-        Các hoạt động bảo vệ người tiêu dùng

2.      Trách nhiệm của thương nhân đối với người tiêu dùng

Trong Dự luật này, trách nhiệm của thương nhân được thể hiện ở cả ba giai đoạn: trước khi giao dịch, trong giao dịch và sau khi giao dịch với người tiêu dùng.

a)      Giai đoạn trước khi giao dịch:

Ở giai đoạn này, thương nhân phải có những trách nhiệm:

-        Cung cấp đầy đủ, chính xác thông tin cho người tiêu dùng, những thông tin như: giá, các dịch vụ, tài liệu hướng dẫn, địa chỉ khiếu nại của thương nhân, cảnh báo những tác hại xấu của sản phẩm đến sức khoẻ của người tiêu dùng, …

-        Cấm thực hiện hành vi quấy rối người tiêu dùng như: nhiều lần tiếp xúc, liên hệ trái ý muốn của người tiêu dùng; liên hệ tiếp xúc với người tiêu dùng sau 22 giờ đêm và trước 6 giờ sáng hoặc các thời điểm không phù hợp với thuần phong mỹ tục …

-        Cấm thực hiện hành vi ép buộc người tiêu dùng như: yêu cầu người tiêu dùng thanh toán những hàng hoá, dịch vụ đã cung cấp mà không có thoả thuận với người tiêu dùng; từ chối giao dịch với một hoặc một số người tiêu dùng nhất định trong cùng cá điều kiện thương mại mà thương nhân đã thực hiện giao dịch với khách hàng khác; …

b)      Giai đoạn trong giao dịch:

Hợp đồng giao dịch giữa thương nhân và người tiêu dùng:

-        Nếu có nhiều cách hiểu khác nhau về nội dung của hợp đồng thì hợp đồng được giải thích theo hướng có lợi cho người tiêu dùng;

-        Hợp đồng được xem là vô hiệu nếu có một trong các điều khoản sau: loại trừ trách nhiệm của thương nhân đối với người tiêu dùng; loại trừ các quyền khiếu nại, khởi kiện của người tiêu dùng; cho phép thương nhân có quyền đơn phương thay đổi các điều kiện thương mại đã thoả thuận với người tiêu dùng.

Người tiêu dùng có quyền yêu cầu toà án tuyên bố hợp đồng vô hiệu nếu có một trong những điều khoản trên trong hợp đồng.

-        Thương nhân có trách nhiệm cung cấp cho người tiêu dùng hoá đơn hoặc các chứng từ liên quan đến giao dịch nếu người tiêu dùng có yêu cầu.

Trường hợp thương nhân và người tiêu dùng giao kết hợp đồng theo mẫu thì:

-        Người tiêu dùng có quyền yêu cầu sửa đổi hợp đồng trong trường hợp không đồng ý với nội dung của hợp đồng theo mẫu;

-        Nếu người tiêu dùng làm mất hợp đồng mẫu thì thương nhân phải cấp cho người tiêu dùng bản sao hợp đồng có giá trị như bản chính;

-        Thương nhân phải đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ người tiêu dùng trước khi sử dụng hợp đồng mẫu;

c)      Giai đoạn sau khi giao dịch

Thương nhân có trách nhiệm:

-        Bảo đảm an toàn cho người tiêu dùng: ngừng việc cung ứng hàng hoá, dịch vụ có nguy cơ gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ, tính mạng, tài sản của người tiêu dùng mà không thể khắc phục, thu hồi và thông báo công khai trên phương tiện thông tin đại chúng tại nơi hàng hoá, dịch vụ được cung ứng trong 5 số liên tiếp; tiến hành khắc phục thiệt hạn trong trường hợp có thiệt hại về sức khoẻ, tính mạng cho người tiêu dùng …

-        Trách nhiệm bảo hành: thương nhân phải đổi hàng hoá, linh kiện mới tương tự hoặc thu hồi hàng hoá và trả tiền cho người tiêu dùng trong trường hợp hết thời gian thực hiện bảo hành, thương thân không sửa chữa hoặc khắc phục được khuyết tật hoặc thương nhân đã thực hiện bảo hành quá 3 lần trong thời gian bảo hành mà vẫn không khắc phục được khuyết tật; …

-        Trách nhiệm sản phẩm: trong trường hợp sản phẩm có khuyết tật, trách nhiệm không chỉ thuộc về thương nhân cung cấp sản phẩm mà thương nhân kinh doanh nguyên vật liệu, phụ kiện hoặc bộ phận cấu thành của sản phẩm có khuyết tật cũng phải chịu trách nhiệm; thương nhân nhập khẩu sản phẩm có trách nhiệm bồi thường thiệt hại do khuyết tật của sản phẩm gây ra cho người tiêu dùng ngay cả trong trường hợp thương nhân đó không có lỗi …

3.      Giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và thương nhân

Khi xảy ra tranh chấp, người tiêu dùng có thể lựa chọn một trong 4 phương thức sau:

-        Thương lượng

-        Hoà giải và trọng tài (có trung tâm hoà giải, Biên bản hoà giải thành sẽ được Cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ người tiêu dùng tại địa phương buộc các bên thi hành)

-        Biện pháp hành chính (giải quyết theo trình tự khiếu nại)

-        Toà án

Trong phương thức giải quyết bằng toà án, người tiêu dùng dùng không phải đưa ra chứng cứ để chứng minh lỗi của thương nhân, nghĩa vụ chứng minh này thuộc về thương nhân.  Người tiêu dùng có quyền khởi kiện theo thủ tục rút gọn và bản án, quyết định của toà án theo thủ tục này có hiệu lực pháp luật ngay …

4.      Xử lý vi phạm pháp luật bảo vệ người tiêu dùng

Hình thức xử phạt chính:

-        Cảnh cáo;

-        Phạt tiền

-        Hình phạt bổ sung:

-        Thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề;

-        Buộc đình chỉ hoặc tạm đình chỉ hoạt động kinh doanh ngành nghề có hành vi vi phạm pháp luật;

-        Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm;

-        Tịch thu lợi nhuận thu được do hành vi vi phạm

-        Đưa vào danh sách công khai các doanh nghiệp vi phạm quyền lợi người tiêu dùng

Biện pháp khắc phục hậu quả:

-        Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm gây ra;

-        Buộc thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, lây lan dịch bệnh do vi phạm gây ra;

-        Buộc thu hồi để khắc phục, tiêu huỷ hoặc đưa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam hoặc hàng hoá, vật phẩm, phương tiện vi phạm;

-        Buộc cải chính công khai;

-        Các biện pháp cần thiết khác để bảo vệ người tiêu dùng.

Các văn bản liên quan