Bao giờ người tiêu dùng sẽ được bảo vệ?

Thứ Sáu 17:49 31-07-2009
Vấn nạn hàng giả, hàng nhái trong suốt nhiều năm đã gây thiệt hại lớn không chỉ cho doanh nghiệp, người tiêu dùng mà cả nền kinh tế đất nước.

Giả nhiều hơn thật

Hàng giả, hàng nhái phổ biến ở nhiều mặt hàng, từ những mặt hàng thông thường như mỹ phẩm, quần áo, hàng hiệu túi xách; những mặt hàng liên quan đến sức khoẻ và tính mạng con người như tân dược, rượu, bột ngọt, một số thực phẩm; đến những mặt hàng có tính kỹ thuật, cao cấp, có giá trị lớn như phụ tùng xe máy, đầu VCD, DVD, cổ phiếu, tiền...

Ngay cả “Tem chống hàng giả” cũng bị làm nhái, làm giả.

Theo ông Lê Thế Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả, hàng nhát (VATAP), thời gian xuất hiện hàng giả, hàng nhái bây giờ rất nhanh. Nếu trước đây, phải trên nửa năm sau khi một doanh nghiệp cho ra đời sản phẩm mới thì hàng giả hàng nhái mới xuất hiện, thì hiện nay chỉ cần nửa tháng là hàng giả, hàng nhái đã tràn ngập ngoài thị trường.

Theo ông Nguyễn Hà Đức Minh, giám đốc tiếp thị của NOKIA khu vực Đông Dương, tất cả các nhãn hiệu, sản phẩm được công nhận và được ưa chuộng trên thị trường đều đang đối mặt với nạn hàng giả. Vì thế, nhiều khi hàng giả lại được tiêu thụ trên thị trường nhiều hơn hàng thật, gây thiệt hại về uy tín, doanh thu cho các nhà sản xuất chân chính.

Điển hình trong thời gian gần đây, các hãng như Pioneer, Sony, Philips, Casino... đã rất bức xúc khi các sản phẩm giả mang thương hiệu này xuất hiện tràn lan ở thị trường Việt Nam, nhất là tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.

Ông Minh cho biết: Riêng với NOKIA, bất cứ sản phẩm mới nào vừa được giới thiệu ra thị trường thì chỉ vài ngày sau có ngay hàng giả.

Theo ông Minh, chưa có con số thống kê cụ thể nhưng hầu hết các sản phẩm của NOKIA đều bị bủa vây bởi hàng giả. Thiệt hại là rất lớn, nhưng quan trọng hơn, sự mất niềm tin của người tiêu dùng vào thương hiệu không thể đo đếm.

Vừa rồi, NOKIA có thử làm cuộc “vi hành” thị trường TP. Hồ Chí Minh, kết quả là bất cứ cửa hàng nào, chỉ cần đưa ra yêu cầu, đều được đáp ứng các loại điện thoại NOKIA giả với giá chỉ bằng 1/3 so với hàng chính hãng.

Tương tự, ở mặt hàng mỹ phẩm, trên thị trường hiện nay có đến hàng trăm loại mỹ phẩm của các thương hiệu nổi tiếng như Lancôme, Loreal, Maybelline...bị làm giả.

Điều đáng nói, hàng mỹ phẩm giả, nhái không chỉ xuất hiện ở chợ, tại các thành phố lớn mà còn tràn vào các cửa hàng, siêu thị, shop sang trọng.

Bà Nguyễn Ngọc Tuyết Trinh, giám đốc đối ngoại Công ty Mỹ phẩm Loreal Việt Nam, cho rằng: Công nghệ làm giả hiện nay rất tinh vi, nhìn không khác hàng thật.

“Khi mang sản phẩm giả mua được từ các cửa hàng chính hãng này về công ty, nhiều nhân viên không phân biệt được vì mẫu mã bao bì rất giống nhau. Chỉ đến khi mở sản phẩm ra, mọi người mới phân biệt được đâu là hàng thật, đâu là hang giả”- bà Trinh nói.

Kiện củ khoai?

Để giải quyết nạn hàng giả, hàng nhái- theo các chuyên gia- cần có sự kết hợp từ nhiều phía: Cơ quan quản lý Nhà nước, nhà sản xuất, người tiêu dùng.

Nhận xét về người tiêu dùng, ông Nguyễn Mộng Hùng, Hội trưởng Hội Bảo vệ người tiêu dùng TP.Hồ Chí Minh, cho biết: Người tiêu dùng Việt Nam còn... hiền quá! Hàng giả, hàng nhái tràn lan như thế nhưng số người tìm đến với Hội rất ít. Cả nước có đến 87 triệu dân, nhưng mỗi năm Hội chỉ nhận chưa đầy 1.500 vụ khiếu nại từ người tiêu dùng.

Hàng mỹ phẩm giả, nhái không chỉ xuất hiện ở chợ, tại các thành phố lớn mà còn tràn vào các cửa hàng, siêu thị, shop sang trọng.

Theo số liệu của Hội Bảo vệ người tiêu dùng TP.Hồ Chí Minh, mỗi năm chỉ có khoảng 300 vụ khiếu nại gửi tới Hội. Trong khi đó, tại các quốc gia và lãnh thổ như Malaysia, với dân số khoảng 25 triệu người nhưng mỗi năm có đến 15.000 khiếu nại về hàng hoá gửi đến cơ quan chức năng. Ở Đài Loan, dân số khoảng 24 triệu người nhưng mỗi năm các cơ quan chức năng cũng đã tiếp nhận và xử lý 10.000 vụ khiếu nại về hàng giả, hàng nhái.

Theo quy định hiện nay, người tiêu dùng có quyền kiện nhà sản xuất, kinh doanh nếu sản phẩm không đúng như công bố, gây thiệt hại hoặc ảnh hưởng đến sức khoẻ của họ. Thế nhưng, hầu như chưa có người tiêu dùng nào đứng ra kiện doanh nghiệp làm ăn không chân chính. Bởi muốn kiện, người tiêu dùng phải chứng minh được hàng đó không đúng với công bố của doanh nghiệp. Để làm được điều này phải tốn rất nhiều chi phí và thời gian, có khi cả năm trời vẫn không có kết quả.

Trong khi ở ta nhiều thủ tục nhiêu khê như vậy, thì tại nhiều nước khác trong khu vực châu Á, người tiêu dùng rất được pháp luật bảo vệ. Chẳng hạn như Thái Lan có Hội đồng Người tiêu dùng do Thủ tướng đứng đầu. Ấn Độ và lãnh thổ Đài Loan, ngoài toà án dân sự còn có toà án tiêu dùng chuyên giải quyết các vụ kiện của người tiêu dùng về hàng hoá. Người kiện chỉ cần bỏ ra khoảng 10.000 đồng và biên lai mua hàng là được giải quyết.

Để giải quyết tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lương cũng như để bảo vệ người tiêu dùng, Dự thảo Luật Bảo vệ người tiêu dùng đang được soạn thảo.

Theo Dự thảo này, Luật sẽ làm rõ trách nhiệm của Nhà nước, doanh nghiệp, người tiêu dùng và quy định chế tài, nội dung bảo vệ người tiêu dùng.

Dự kiến Dự thảo Luật sẽ trình Chính phủ vào cuối năm nay trước khi trình Quốc hội vào năm 2010. Hy vọng, đến lúc đó người tiêu dùng sẽ được bảo vệ.

Nguyễn Nga

 

Các văn bản liên quan