“Người tiêu dùng Việt Nam có quyền đòi hỏi ăn thịt sạch”

Thứ Sáu 17:47 31-07-2009

“Người tiêu dùng Việt Nam có quyền đòi hỏi ăn thịt sạch như các nước khác”, bà Trương Thị Kim Châu, chi cục trưởng chi cục Thú y TP.HCM tỏ rõ quan điểm tại cuộc họp có mặt trên 50 doanh nghiệp chuyên nhập khẩu thịt đông lạnh, diễn ra sáng 23.7 tại TP.HCM do Trung tâm thú y vùng VI tổ chức. Theo bà Châu, thời gian qua, với chức năng giám sát, quản lý tiêu thụ thịt nhập khẩu, đơn vị này phát hiện khá nhiều lỗi vi phạm…

Doanh nghiệp chống chế

Chỉ trong vòng một tháng trở lại đây, cơ quan chức năng tại TP.HCM và Bình Dương liên tục phát hiện nhiều vụ thịt nhập khẩu quá đát, tráo lận hạn dùng. Hàng trăm tấn thịt đông lạnh, dù đã bị lập biên bản, nhưng nhà nhập khẩu vẫn ngang nhiên tẩu tán, bán ra thị trường.

Thế nhưng, trong cuộc họp hôm nay (23.7), doanh nghiệp thay vì tìm cách sửa sai, khắc phục thì lại tỏ thái độ, ý kiến thiếu trách nhiệm, thiếu lương tâm.

Đại diện công ty Vissan cho rằng, hàng ngày người tiêu dùng vẫn phải sử dụng thực phẩm sản xuất trong nước nhiễm bụi, bẩn, vi khuẩn, vi sinh, kém an toàn ngoài chợ, trong các quán ăn, huống chi là thịt nhập khẩu (!). Trong khi đó, thịt nhập khẩu nếu có nhiễm khuẩn, vi sinh thì đã được cơ quan chức năng cho… chiếu xạ, nhiều nước trên thế giới cũng áp dụng phương pháp này.

Phản đối lại lối suy nghĩ này, bà Trương Thị Kim Châu dứt khoát: “Doanh nghiệp phải đặt quyền lợi sức khỏe người dân Việt Nam giống như các nước khác. Không thể đưa ra bất cứ lý do nào để biện minh cho việc nhập thịt nhiễm khuẩn, nhiễm vi sinh về bán”.

Theo bà Châu, từ trước đến nay, doanh nghiệp Việt Nam khi xuất sản phẩm động vật đi các nước cũng gặp nhiều khó khăn về rào cản kiểm dịch chất lượng. Trao đổi với SGTT bên lề buổi họp, đại diện Vissan cũng thừa nhận thực tế, nhiều lô hàng thịt đông lạnh khi xuất ra khỏi nhà máy của nước xuất khẩu thì an toàn, nhưng trong quá trình vận chuyển, lưu kho, trữ đông, phân phối… dễ bị nhiễm khuẩn, vi sinh hoặc giảm sút chất lượng nếu không thực hiện nghiêm ngặt đúng theo quy định bảo quản.

Bà Trần Đình Quốc Hương, đại diện công ty cổ phần thực phẩm Việt Nam (Vinafood), doanh nghiệp vừa bị buộc tiêu hủy nhiều tấn thịt nhập khẩu, còn biện minh: “Hàng của Vinafood nhập từ Mỹ, và quy định của Mỹ không cần ghi hạn sử dụng, nếu bảo quản ở nhiệt độ âm 18-200C thì sử dụng được… mãi mãi” (!?). Tuy nhiên, ông Nguyễn Xuân Bình, phó giám đốc trung tâm thu y vùng VI bác bỏ ngay: “Có giai đoạn, nhiều lô hàng thịt đông lạnh nhập khẩu từ Mỹ chỉ ghi ngày sản xuất mà không có hạn dùng. Doanh nghiệp nhập khẩu phải yêu cầu đối tác dán thêm nhãn hạn dùng cho phù hợp, vì khi quá hạn, cho dù hàng không nhiễm khuẩn, vi sinh thì chất lượng thịt cũng bị xuống cấp”.

Và đổ thừa “tại, bị”

Cục thú y quy định: những lô hàng thịt đông lạnh nhập khẩu doanh nghiệp ký mua vào thời điểm sau ngày 14.7, xét nghiệm có nhiễm khuẩn, vi sinh sẽ bị buộc tái xuất, chuyển đổi sử dụng hoặc tiêu hủy. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp nói không thể thực hiện quy định này. Đại diện công ty TNHH Lộc Thịt Phát nêu lý do: hàng đã nhập về, có chứng thư của nước xuất khẩu, hơn nữa doanh nghiệp thanh toán tiền cho đối tác, khi về Việt Nam xét nghiệm ra vi phạm thì đối tác không chịu trách nhiệm, nên tái xuất là không thể thực hiện.

Đại diện công ty Cosemex (Bình Dương) cũng cho rằng, việc tái xuất lô hàng thịt bẩn là... cực khó. Vì kết quả xét nghiệm của cục Thú y Việt Nam không được quốc tế công nhận, nên đối tác sẽ không chấp nhận chứng thư yêu cầu đền bù thiệt hại và nhận lại lô hàng. Trả lời ý kiến này, ông Mai Văn Hiệp, phó cục trưởng cục Thú y khẳng định, phòng xét nghiệm Trung tâm thú y vùng VI là đơn vị được bộ Nông nghiệp phát triển nông thôn Việt Nam giao trọng trách đưa ra kết quả xét nghiệm cho những lô hàng nhập về qua cảng TP.HCM, nên hoàn toàn có đủ căn cứ pháp lý trước quy định quốc tế. Nếu đối tác không đồng tình, ông Hiệp nói doanh nghiệp có thể yêu cầu họ sang đối chứng. Đại diện công ty Đông Á vẫn chưa thỏa mãn với cách giải thích này, khi cho rằng, những lô hàng thịt bẩn bị phát hiện không phải… lỗi của doanh nghiệp. Vì thực tế, nó đã được cấp giấy chứng nhận an toàn từ nước xuất khẩu. Trong quá trình vận chuyển, về cảng, thú y lấy mẫu xét nghiệm, đạt hay không đạt doanh nghiệp hoàn toàn không biết. “Doanh nghiệp chỉ là người đi buôn”, ông này nói.

Nhóm phóng viên

Những phản ứng từ thị trường

Trước hàng loạt thông tin về thực phẩm đông lạnh quá hạn đã bị tuồn ra thị trường, các siêu thị Co-opmart, Big C, Maximart đều thông báo không bán thực phẩm đông lạnh quá hạn của Vinafood, hoặc thông tin sản phẩm chỉ mua từ những nhà cung cấp uy tín, qua kiểm tra kỹ càng...

Tuy nhiên với người tiêu dùng, mối lo bị mua lầm thực phẩm quá hạn sử dụng vẫn còn đó. Tại nhiều chợ, người nội trợ kiểm tra kỹ hơn bao bì đóng gói thịt gà, cũng như mua gà góc tư nhiều hơn thay cho đùi tỏi hoặc chân, cánh gà trữ lạnh, rửa sạch để trên khay. Bà chủ sạp bán gà ở chợ Hoàng Hoa Thám cho biết: từ đầu tuần đến giờ, mấy bà đi chợ mua gà săm soi dữ lắm, nhiều khách quen trước mua toàn đùi, nay mua nửa con hay 1/4 con gà tươi, họ bảo mua vậy cho chắc ăn. Bà A, chủ sạp bán gà thả vườn đông lạnhtại chợ Hà Tôn Quyền (Q.11) than, từ ngày có tin thịt gà bẩn nghe nói của Trung Quốc nhập qua thì bà bán chậm hẳn đi. Bà Thuần, bán thực phẩm tươi sống dạo cho biết, bà chỉ bán thịt gà tươi vì bán loại đông lạnh không ai mua.

Nhiều bà nội trợ cũng cho rằng, gà đông lạnh không ngọt thịt bằng gà tươi (gà nóng).

Ngoài ra, thịt heo quay tại chợ cũng là mối nguy tiềm ẩn. Bà Hoa ở quận 11 cho biết: “Tôi có người bà con làm heo quay cho biết, những con heo bị bệnh người ta thường đem bán để quay. Nếu để ý sẽ thấy thớ thịt heo quay không tươi mà có màu tái”.

Một số người thì mua gà làm sẵn như bà Nguyên ở quận 11. Bà cho biết, chỉ cần gọi điện thoại là người ta mang đến một con gà ta luộc sẵn còn nóng hổi chỉ có 160.000 đồng/con. Đã vậy còn khuyến mãi thêm cháo, rau, nước mắm… rất tiện lợi”.

 

Nguồn: Báo điện tử Sài Gòn tiếp thị

Các văn bản liên quan