Nâng thuế tiêu thụ đặc biệt ô tô để khuyến khích tiết kiệm nhiên liệu?

Thứ Hai 16:50 28-07-2008

Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB): Nâng thuế tiêu thụ đặc biệt ô tô để khuyến khích tiết kiệm nhiên liệu?

25/7/2008

Theo Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) sẽ được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 4 tới, xe ô tô du lịch từ 9 chỗ ngồi trở xuống có dung tích xilanh trên 2.000 cm3 sẽ bị tăng thuế. Ông Nguyễn Văn Phụng, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) trả lời phỏng vấn Báo chí về vấn đề này.

Thưa ông, đề xuất tăng thuế TTĐB của Bộ Tài chính nếu được Quốc hội chấp thuận liệu có ảnh hưởng đến tình hình sản xuất, lắp ráp xe ô tô trong nước?

Tất nhiên là có, nhưng không nhiều lắm. Hiện tại, ô tô du lịch từ 6 đến 9 chỗ ngồi phải chịu thuế TTĐB 30%; ô tô từ 5 chỗ ngồi trở xuống phải chịu thuế TTĐB 50%. Theo biểu thuế mới, các loại xe từ 9 chỗ ngồi trở xuống sẽ phải chịu 3 mức thuế suất là 50% với xe có dung tích xilanh dưới 2.000 cm3, 60% với xe có dung tích xilanh từ trên 2.000 cm3 đến 3.000 cm3 và 70% với xe có dung tích xilanh trên 3.000 cm3.

Tuy nhiên, theo số liệu của Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) hiện nay, chiếm trên 60% số xe chở người dưới 24 chỗ được sản xuất trong nước là xe có dung tích xilanh dưới 2.000 cm3, nhưng đây là đối tượng không bị điều chỉnh tăng thuế TTĐB. Còn loại xe dưới 24 chỗ có dung tích xilanh trên 3.000 cm3, đối tượng chịu mức thuế cao nhất, hiện chỉ chiếm 3% sản lượng sản xuất trong nước và 2,5% tổng số xe thuộc diện chịu thuế TTĐB.

Nhiều người cho rằng, việc Bộ Tài chính đề xuất tăng thuế TTĐB là do thuế nhập khẩu đã tăng “kịch trần” (83%) theo cam kết gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới?
Đây chỉ là sự suy luận, bởi chỉ có xe ô tô từ 9 chỗ ngồi trở xuống, có dung tích xilanh trên 2.000 cm3 mới bị điều chỉnh tăng thuế. Theo tính toán, số thuế tăng thêm (nếu có) không đáng gì so với tổng thu ngân sách.

Như vậy, việc tăng thuế TTĐB không hướng vào mục tiêu tăng thu ngân sách?
Đúng vậy! Việc nâng thuế TTĐB chỉ nhằm định hướng tiêu dùng theo hướng khuyến khích người dân bảo vệ môi trường và tiết kiệm, đặc biệt là tiết kiệm nhiên liệu. Theo đó, nếu lựa chọn sử dụng ô tô có dung tích từ 2.000 cm3 trở xuống, thì người dân vẫn chịu mức thuế TTĐB cũ là 50%. Ngược lại, nếu có nhu cầu và điều kiện mua xe đắt tiền, thường có dung tích xilanh lớn, tiêu hao nhiều nhiên liệu, thì người sử dụng phải trả mức thuế TTĐB cao hơn.

Chỉ có rất ít dòng xe mới bị điều chỉnh tăng thuế TTĐB. Như vậy, chính sách này không thể giải quyết được bài toán chống ùn tắc giao thông, thưa ông?
Giải bài toán chống ùn tắc giao thông là vấn đề của quy hoạch, phát triển hạ tầng… Không nên cho rằng, vì ùn tắc giao thông, nên phải tăng thuế phương tiện tham gia giao thông, chính sách thuế chỉ tham gia, góp phần chống ùn tắc giao thông mà thôi.

Theo ông, việc tăng thuế TTĐB liệu có tác động đến giá bán xe ô tô trên thị trường hay không?
Hiện tại, thuế TTĐB đối với xe từ 5 chỗ ngồi trở xuống cao hơn rất nhiều so với loại từ 6 đến 15 chỗ (50% so với 30%), nên các doanh nghiệp trong nước chỉ tập trung sản xuất loại xe từ 6 đến 9 chỗ. Nếu việc đánh thuế ô tô không còn phân biệt số chỗ ngồi, thì doanh nghiệp sẽ tập trung vào sản xuất loại xe dưới 5 chỗ, tạo điều kiện cho loại xe này giảm giá.

Nguồn:  Báo Điện tử  Đầu tư

 

Các văn bản liên quan