Trích ý kiến của Đại biểu Vũ Duy Hòa – Thanh Hoá về Dự thảo Luật bồi thường nhà nước.

Thứ Ba 13:41 26-05-2009

Thực tiễn thi hành pháp luật trong lĩnh vực bồi thường thiệt hại do hành vi của người thi hành công vụ gây ra còn nhiều bất cập chưa đầy đủ và đồng bộ, thiếu cụ thể và thiếu tính khả thi. Do vậy việc ban hành Luật bồi thường nhà nước lần này là cần thiết, đồng thời việc ban hành Luật bồi thường nhà nước cũng nhằm thực hiện Nghị quyết 48 ngày 24/5/2005 của Bộ Chính trị về chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020.

Dự án Luật bồi thường nhà nước được ban hành và thực hiện chính là một trong những điểm nhấn quan trọng trong quá trình xây dựng của Nhà nước pháp quyền phấn đấu vì mục tiêu dân chủ công bằng.

Về tên gọi của dự án luật thì chỉ nên gọi là Luật bồi thường thì nó vừa ngắn gọn, vừa đầy đủ mà trong đó Nhà nước là chủ thể bình đẳng với các chủ thể khác khi tham gia quan hệ pháp luật về bồi thường.

Về phạm vi điều chỉnh dự án luật, nên quy định điều chỉnh toàn diện từ quản lý hành chính, quản lý kinh tế, quản lý xã hội đến hoạt động tố tụng hình sự, dân sự, hành chính, thi hành án và cả hoạt động xây dựng pháp luật. Vì trên thực tế các tổ chức và cá nhân bị thiệt hại về vật chất, tinh thần do hoạt động của Nhà nước gây ra ở tất cả các lĩnh vực nêu trên. Đặc biệt việc ban hành văn bản pháp luật không đúng dẫn đến thiệt hại nhiều đơn vị, tập thể, cá nhân trên diện rộng và hệ lụy rất phức tạp. Do đó nếu dự án luật không điều chỉnh toàn diện sẽ không đạt được yêu cầu bình đẳng công bằng và dân chủ trong việc bồi thường thiệt hại, đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho công dân, tổ chức và cá nhân.

Trường hợp người thi hành công vụ thi hành nhiệm vụ nhưng vi phạm pháp luật hoặc làm oan đã gây ra thiệt hại cho cá nhân và tổ chức phải bồi thường, trường hợp người thi hành công vụ không thực hiện nhiệm vụ được giao do đó đã gây nên thiệt hại cho tổ chức và cá nhân cũng nên được quy định phải bồi thường nhằm bảo vệ triệt để quyền và lợi ích hợp pháp của công dân và tổ chức. Điều kiện cần và đủ để xác định trách nhiệm bồi thường là có hành vi vi phạm pháp luật hoặc đã làm oan, đã gây ra thiệt hại về mặt vật chất hoặc tinh thần cho công dân hay tổ chức trong trường hợp có hành vi vi phạm pháp luật. Nhưng không gây ra thiệt hại thì không xác định trách nhiệm bồi thường, chỉ có hành vi vi phạm pháp luật gây ra thiệt hại mới phải bồi thường. Đối với trường hợp mặc dù không có hành vi vi phạm pháp luật, nhưng đã làm oan cho cá nhân, tổ chức cũng cần xác định trách nhiệm bồi thường. Việc bồi thường trong lĩnh vực tố tụng hình sự, tố tụng dân sự, tố tụng hành chính và thi hành án nên quy định cụ thể, chi tiết và toàn diện. Theo đó các hành vi, hành động hay không hành động trái với quy định của pháp luật hoặc làm oan những người tiến hành tố tụng từ việc khám xét, kê biên, thu giữ, tịch thu, bắt, tạm giữ, tạm giam, khởi tố, điều tra truy tố xét xử giải quyết vụ việc dân sự, giải quyết vụ án hành chính và thi hành án đã gây thiệt hại vật chất hoặc tinh thần cho cá nhân và tổ chức thì đều phải bồi thường.

Hoạt động tố tụng hình sự là một hoạt động đặc thù có tính nhạy cảm cao, trực tiếp liên quan đến sinh mạng, tài sản danh dự của cá nhân và tổ chức. Do đó cần có quy định cụ thể, chặt chẽ về thương lượng bồi thường khi người có thẩm quyền thi hành tố tụng vi phạm pháp luật hoặc làm oan từ việc khám xét kê biên thu giữ, tịch thu tài sản đến việc bắt tạm giữ, khởi tố, tạm giam điều tra truy tố xét xử và thi hành án hình sự. Quyết định như vậy nhằm nâng cao trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng, tránh oan sai và bảo vệ lấy lợi ích hợp phátp của cá nhân, tổ chức.

Tuy nhiên, không nên quy định trách nhiệm bồi thường của Viện kiểm sát khi phê chuẩn các quyết định của cơ quan điều tra. Vì Viện kiểm sát chỉ phê chuẩn trên cơ sở hồ sơ, tài liệu báo cáo của cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát không có thẩm quyền tự điều tra để xác định tính hợp pháp của hoạt động điều tra, lại càng không có thẩm quyền kiểm soát hoạt động trinh sát của cơ quan công an. Viện kiểm sát cũng không được quy định là cơ quan chỉ đạo hoạt động điều tra, do đó việc phê chuẩn nếu có oan sai Viện kiệm sát có chịu trách nhiệm, nhưng chỉ chịu trách nhiệm một phần còn việc bồi thường phải do cơ quan điều tra chịu trách nhiệm khi tiến hành các hoạt động tố tụng để xảy ra oan sai.

Vì việc phê chuẩn là hoạt động thực hiện công vụ của kiểm sát viên, nhưng dựa trên kết quả hoạt động thực hiện công vụ của điều tra viên. Do đó nên quy định người có thẩm quyền thi hành tố tụng của cơ quan, đơn vị nào mà vi phạm pháp luật hoặc làm oan, gây thiệt hại cho cá nhân, tổ chức thì cơ quan, đơn vị đó có trách nhiệm bồi thường. Vì nếu chúng ta quy định cơ quan phê chuẩn phải bồi thường thì còn rất nhiều cơ quan phê chuẩn phải quy định là bồi thường.

Cùng với việc xây dựng Luật bồi thường Nhà nước cần kịp thời sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật có liên quan để đảm bảo tính tương thích và khả thi trong quá trình thực hiện như Bộ luật hình sự, Bộ luật tố tụng hình sự, Bộ luật tố tụng dân sự v.v...

Về cơ quan có trách nhiệm bồi thường nên xác định là cơ quan, tổ chức, đơn vị trực tiếp quản lý người thi hành công vụ có hành vi vi phạm pháp luật hoặc làm oan đã gây thiệt hại đối với công dân, tổ chức. Trường hợp cơ quan, tổ chức, đơn vị nêu trên không thực hiện nghĩa vụ bồi thường thì cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp của cơ quan, tổ chức, đơn vị đó, có trách nhiệm chỉ đạo và tổ chức việc bồi thường, do vậy cho nên không nên quy định cơ quan quản lý Nhà nước về bồi thường. Xin cảm ơn Quốc hội.

 

Các văn bản liên quan