Dự án Luật Bồi thường nhà nước: E bồi thường không xuể!

Thứ Ba 14:36 24-06-2008

Dự án Luật Bồi thường nhà nước: E bồi thường không xuể!

23-06-2008 23:31:03 GMT +7

TRỌNG MẠNH

 

Theo các đại biểu, những người bị oan sai phải được cấp giấy chứng nhận để khôi phục danh dự. Trong ảnh: Đại diện VKSND TP.HCM xin lỗi một trường hợp bị truy tố oan. Ảnh: VI TRẦN

Vẫn kiến nghị cấp giấy chứng nhận cho người bị oan, sai. Với tình hình cán bộ, công chức còn nhiều bất cập như hiện nay, sợ sẽ bồi thường không xuể.

Nếu như trước đây, Nghị quyết 388 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ bồi thường thiệt hại do oan thì nay dự luật đã mở rộng theo hướng nhà nước phải bồi thường cả do sai trong tố tụng hình sự nữa”. Ông Dương Đăng Huệ, Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự-kinh tế (Bộ Tư pháp), nêu quan điểm như trên tại hội thảo lấy ý kiến dự án Luật Bồi thường nhà nước do Bộ Tư pháp phối hợp với chi nhánh Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại TP.HCM tổ chức sáng qua (23-6).

Sai cũng phải bồi thường

Theo ông Huệ, pháp luật hiện hành còn hạn chế các hành vi nhà nước phải bồi thường. Vì vậy, dự luật cần mở rộng phạm vi trách nhiệm bồi thường của nhà nước, nhất là trong hoạt động tố tụng hình sự.

Hiện có hai văn bản quy định về bồi thường nhà nước là Nghị quyết 388 và Nghị định 47 năm 1997 của Chính phủ (bồi thường do cán bộ, công chức, viên chức nhà nước, người có thẩm quyền của cơ quan tiến hành tố tụng gây ra). Theo ông Huệ, dự luật sẽ thống nhất “gom” bồi thường nhà nước về một mối. Đồng thời, dự luật cũng xác định cụ thể các lĩnh vực mà nhà nước phải bồi thường, gồm 10 hành vi trong quản lý hành chính nhà nước, hoạt động thi hành án (hình sự, dân sự) và tố tụng hình sự. “Các thiệt hại gây ra bởi công chức trong hoạt động xây dựng pháp luật (lập pháp, lập quy) và tố tụng hành chính, dân sự sẽ chưa được bồi thường theo luật này” - ông Huệ nói.

Thạc sĩ Phan Văn Cành (Tòa hình sự TAND TP.HCM) cho rằng nếu chỉ đóng khung trong 10 hành vi như thế thì khi xảy ra các hành vi trái pháp luật khác, người bị dân sẽ thiệt thòi. Ông Cành dẫn chứng: “Tạm giữ hành chính đối với xe máy, ôtô... nhưng chủ xe phải để xe ngoài trời vì công an không có kho lưu giữ, mưa nắng dãi dầu làm xe bị xuống cấp. Khi người vi phạm nộp phạt xong, lấy được xe ra thì đa phần bị hỏng hóc, không còn như lúc ban đầu. Như vậy, quyền sở hữu của chủ phương tiện đã không được cơ quan nhà nước tôn trọng, gây thiệt hại cho chủ xe”.

Bồi thường tổn thất tinh thần: Không quá 200 triệu đồng

Chuyện bồi thường tổn thất tinh thần cũng được nhiều đại biểu quan tâm. Theo khoản 2 Điều 15 dự luật, nếu người được bồi thường chết thì vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi, người trực tiếp nuôi dưỡng của họ được bồi thường chung một khoản tiền bù đắp về tinh thần là 360 tháng lương, tính theo mức lương tối thiểu chung tại thời điểm giải quyết bồi thường. Như vậy, với mức lương tối thiểu hiện hành là 540.000 đồng/tháng thì số tiền bồi thường tổn thất tinh thần sẽ không vượt quá 194,4 triệu đồng.

Luật sư Nguyễn Bính Châu (Đoàn luật sư TP.HCM) kiến nghị không nên hạn chế số tiền bồi thường thiệt hại do tổn thất tinh thần. Bởi “điều này sẽ làm cho cán bộ, công chức có hành vi oan, sai với người dân “yên tâm” vì đã có sẵn mức trần bồi thường thiệt hại, không thấm gì với mức độ thiệt hại mà người dân phải chịu đựng”. Ông Châu nói thêm: “Công chức cố tình ký quyết định gây oan, sai phải chịu hoàn toàn trách nhiệm cao nhất đối với tổn thất mà mình gây ra. Đồng thời, họ còn phải chịu những chế tài nghiêm khắc để họ phải hết sức cân nhắc, có trách nhiệm khi ký các quyết định gây khổ cho dân”.

Tuy nhiên, thạc sĩ - luật sư Phan Thông Anh, Giám đốc Công ty Luật hợp danh Việt Nam, lại không đồng tình với ông Châu. Ông Thông Anh cho rằng không có cơ sở để “cân đo, đong đếm” các thiệt hại xảy ra về tinh thần. “Đã gọi là tổn thất tinh thần thì khó có thể phân biệt lĩnh vực nào nghiêm trọng hay ít nghiêm trọng. Do đó, theo tôi nên giữ nguyên theo nội dung dự luật” - ông Anh đề nghị.

Cấp chứng nhận cho người bị oan, sai?

Theo các đại biểu, việc làm thế nào để khôi phục danh dự cho người bị oan, sai cũng rất quan trọng. Ông Thông Anh đề xuất bổ sung thêm việc cơ quan nào gây oan, sai phải cấp giấy chứng nhận cho người bị oan, sai để họ có thể tự sử dụng để minh oan cho mình khi cần thiết. Bởi vì việc xin lỗi, cải chính của cơ quan nhà nước trên các phương tiện thông tin đại chúng không phải mọi người hay các cơ quan liên quan đều biết.

Ông Dương Đăng Huệ đồng ý với hầu hết những ý kiến đóng góp và hứa sẽ đưa những quan điểm này vào nội dung dự luật lần tới. Lý giải về việc chỉ có 10 hành vi trong quản lý hành chính gây oan, sai mới được bồi thường, ông Huệ thừa nhận là chưa đủ, chưa bao quát hết. “Dự luật đầu tiên chúng tôi đưa ra hướng mở, nghĩa là trừ một số hành vi không phải bồi thường thì những hành vi còn lại phải bồi thường hết. Nhưng với tình hình cán bộ, công chức còn nhiều bất cập như hiện nay thì sẽ bồi thường không xuể. Thế nên quan điểm của chúng tôi là thà gói gọn mà làm được còn hơn mở ra mà không hiệu quả” - ông Huệ lập luận.

 

Các văn bản liên quan