Tham gia ý kiến Dự thảo Thông tư

Thứ Sáu 13:43 16-05-2008


THAM GIA Ý KIẾN
DỰ THẢO THÔNG TƯ: “HƯỚNG DẪN THỦ TỤC HẢI QUAN, KIỂM TRA, GIÁM SÁT HẢI QUAN; QUẢN LÝ THUẾ ĐỐI VỚI HÀNG HOÁ XUẤT KHẨU, NHẬP KHẨU”
 
Nguyễn Thanh Hải


 
Sau khi nghiên cứu dự thảo thông tư, các văn bản quy định của pháp luật liên quan, tôi xin có một số ý kiến như sau:
 
1. Về cơ bản dự thảo Thông tư đã được soạn thảo công phu.
 
Với mong muốn đưa các nội dung hướng dẫn về thủ tục hải quan, kiểm tra sau thông quan, quản lý thu thuế đối với hàng hoá xuất nhập khẩu (hiện nay đang thực hiện theo các văn bản gồm: Thông tư 112/2005/TT-BTC ngày 15/12/2005 của Bộ Tài chính hướng dẫn về thủ tục hải quan, kiểm tra,  giám sát hải quan; Thông tư 114/2005/TT-BTC ngày 15/12/2005 của Bộ Tài  chính hướng dẫn về kiểm tra sau thông quan đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu; một phần Thông tư 59/2007/TT-BTC ngày 14/6/2007 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, quản lý thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; Quyết định số 69/2004/QĐ-BTC ngày 24/8/2004 ban hành quy định về thủ tục hải quan đối với hàng hoá gia công với thương nhân nước ngoài...) vào một văn bản như dự thảo thông tư, nên có thể dẫn đến một số ưu, nhược điểm sau:
 
- Về ưu điểm: Có thể giúp cho việc cải cách hành chính, giảm đầu mối văn bản, việc gộp 4 văn bản thành dự thảo thông tư như nêu trên sẽ thuận lợi hơn trong quá trình áp dụng, nhưng với điều kiện là các nội dung của văn bản tổng hợp (khi dự thảo Thông tư được ban hành) này phải đầy đủ, chi tiết tránh việc phải dẫn chiếu với các văn bảnh khác, hoặc một số nội dung của văn bản phải sửa đổi, bổ sung trong quá trình thực hiện.
 
- Nhược điểm: Hiện nay các nội dung về: (i) thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan; (ii) kiểm tra sau thông quan đã có văn bản hướng dẫn thực hiện của cấp Bộ (thông tư BTC, quyết định của Bộ trưởng Bộ Tài chính). Trong quá trình thực hiện các văn bản này chắc chắn sẽ phát sinh những vướng mắc và cần có sự sửa đổi, bổ sung hoặc thậm chí thay thế văn bản mới, nhất là những nội dung liên quan đến kiểm tra sau thông quan là những nội dung mới triển khai, cần đúc rút thực tế. Như vậy, nếu gộp chung các nội dung trên vào một văn bản sẽ có nguy cơ sẽ phải sửa đổi, bổ sung trong tương lai, và như thế lại xảy ra tình trạng phải tìm hiểu nhiều văn bản hướng dẫn.
 
2. Về bố cục của dự thảo:
Đề nghị đưa phần I: Hướng dẫn chung vào các phần sau và hướng dẫn cụ thể để giúp quá trình thực hiện được thuận lợi.
 
3. Về thời hạn nộp thuế 30 ngày (mục VIII chương I Phần II dự thảo):
Cần cân nhắc lại nội dung hướng dẫn này, có biện pháp xử lý phù hợp (không chỉ của ngành hải quan mà còn cả các ngành có liên quan khác) đối với các trường hợp nhập khẩu hàng hoá cho các đối tượng sử dụng có nhiều nhạy cảm (quốc phòng, an ninh...) để tránh phiền hà nhưng cũng tránh sự lợi dụng để trốn thuế.
 
4. Về quyền ấn định thuế của cơ quan hải quan (hướng dẫn tại khoản 4, 5 Mục IX chương I Phần II dự thảo Thông tư):
- Cần nghiên cứu lại nội dung quy định này, đề nghị bổ sung các cơ sở, tiêu chí và các nguyên tắc để cơ quan hải quan ấn định thuế, tránh các khiếu kiện từ phía đối tượng nốp thuế.
- Cần bổ sung các hướng dẫn nhằm thực hiện hợp lý quan hệ giữa cơ quan hải quan và đối tượng nốp thuế như: cần quy định việc thông báo trước khi ấn định thuế, hoặc tư vấn cho đối tượng nốp thuế thông qua các đại lý hải quan, tư vấn thuế trước khi ra quyết định ấn định thuế.
 
Trên đây là một số ý kiến cá nhân, đền nghị ban soạn thảo tham khảo để hoàn thiện dự thảo Thông tư./.

Các văn bản liên quan