Tổng hợp ý kiến của doanh nghiệp, chuyên gia tại Vũng Tàu góp ý Dự thảo Luật Dầu khí

Thứ Ba 10:51 08-04-2008

TỔNG HỢP Ý KIẾN GÓP Ý DỰ TH ẢO LUẬT DẦU KHÍ TẠI VŨNG TÀU     

      Nằm trong chương trình Xây dựng và phổ biến pháp luật năm 2008, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại Vũng Tàu đã tổ chức Hội thảo Lấy ý kiến cho Dự thảo Luật Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dầu khívào ngày 28/03/2008. Sau Hội thảo, VCCI Vũng Tàu đã tổng hợp các ý kiến đóng góp của cá nhân, Doanh nghiệp và có báo cáo như sau:

    Về cơ bản là thống nhất với ý kiến của Ban Soạn thảo về sự cần thiết lấy ý kiến rộng rãi của các Doanh nghiệp, cơ quan để trình lên Chính phủ dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dầu khí.

Thống nhất với bố cục và nội dung của Dự thảo. Tuy nhiên, bên cạnh đó các cá nhân, doanh nghiệp tham dự Hội thảo cũng đã có những ý kiến đóng góp, bổ sung cho Dự thảo cụ thể:

1.     Đoàn Luật sư Tỉnh BRVT:
- Tại Điều 3, Khoản 1: Trong khái niệm về hoạt động dầu khí mới chỉ đề cập đến việc thăm dò, khai thác, vận chuyển dầu thô mà chưa đề cập đến hoạt động chế biến dầu khí, vậy hoạt động chế biến dầu khí được điều chỉnh ở đâu
- Cần xem xét nên đưa yêu cầu kỹ thuật về giàn khoan vào trong luật.

2.     Công ty Vận tải Dầu khí Vũng Tàu:
- Tại Khoản 12, Điều 3: Nên giữ nguyên “Dự án khuyến khích đầu tư Dầu khí” như Luật cũ hơn là sửa thành “Dự án ưu đãi đầu tư Dầu khí” như Dự thảo, đồng thời sẽ mâu thuẫn với Điều 17 vì vẫn dùng cụm từ “… đối với các dự án khuyến khích đầu tư dầu khí…” như Dự thảo;
- Cũng tại Khoản 12, Điều 3 ở phần cuối nên sửa là “… do Thủ tướng chính phủ quyết định và dự án thăm dò, khai thác khí thiên nhiên” hơn là viết “… thăm dò, khai thác khí than”.

3.     Văn phòng Luật sư Ngô Chí Đan:
- Điều 16: Nên giữ lại như Luật cũ câu “Tổ chức cá nhân tham gia đấu thầu phải có khả năng tài chính, trình độ kỹ thuật, kinh nghiệm chuyên môn trong lĩnh vực hoạt động dầu khí”

- Cũng trong Điều 16, phần được bổ sung trong Dự  thảo là “Chính phủ quy định về kế hoạch đấu thầu, tiêu chuẩn nhà thầu, hình thức lựa chọn nhà thầu, quy trình đấu thầu, phê duyệt kết quả đấu thầu và các nội dung khác có liên quan đến hoạt động đấu thầu lô dầu khí” nên tách thành một Điều hoặc một Khoản riêng.

- Điều 24: Nên tách ra làm 4 Khoản chứ không nên gộp thành 3 Khoản như Dự thảo, cụ thể:
+ Việc chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần hợp đồng dầu khí của các bên tham gia hợp đồng chỉ có hiệu lực sau khi được Thủ tướng Chính phủ chuẩn y.
+ Các điều kiện chuyển nhượng:
a)    Hợp đồng đã có hiệu lực mới được phép chuyển nhượng
b)    Bên nhận chuyển nhượng cam kết thực hiện các nội dung của hợp đồng dầu khí đã được bên chuyển nhượng ký kết.
c) Bảo đảm các điều kiện về chuyển nhượng vốn, dự án theo quy định của pháp luật về đầu tư.
+ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam được quyền ưu tiên mua lại một phần hoặc toàn bộ hợp đồng được chuyển nhượng.
+ Trường hợp chuyển nhượng có phát sinh lợi nhuận thì bên chuyển nhượng phải nộp thuế thu nhập theo quy định của pháp luật về thuế.

- Điều 26: Đã là Luật thì không nên viết là “…nhưng phải ưu tiên ký kết những hợp đồng đó với tổ chức, cá nhân Việt Nam”, vì trong luật không nên ưu tiên cho bên A hay bên B để tránh những trường hợp lách luật.
- Nên để Bộ trưởng chịu trách nhiệm chính thay vì để Thủ tướng quyết định, phê chuẩn.

4.     Công ty Liên doanh Đại Hùng – PVEP Dai Hung:
- Điều 3, Khoản 14: Khái niệm công trình biển phải bổ sung thêm khái niệm công trình biển di động (không cố định).

- Điều 13: Cần phải bổ sung thêm quy định về việc dọn mỏ, đưa khái niệm dọn mỏ vào luật để tránh việc nhà thầu trốn tránh trách nhiệm sau khi kết thúc hợp đồng.

- Điều 16: Đồng ý với ý kiến của luật sư Trần Mai về việc phần được bổ sung trong Dự  thảo là “Chính phủ quy định về kế hoạch đấu thầu, tiêu chuẩn nhà thầu, hình thức lựa chọn nhà thầu, quy trình đấu thầu, phê duyệt kết quả đấu thầu và các nội dung khác có liên quan đến hoạt động đấu thầu lô dầu khí” nên tách thành một Điều hoặc một Khoản riêng, đồng thời cần bổ sung thêm về uy tín đối với nhà thầu lô.

- Điều 24: Nên bổ sung thêm tỷ lệ chuyển nhượng để tránh thất thoát cho nhà nước.

- Điều 26: Ngành Dầu khí cần phải có quy định riêng về việc đấu thầu, vì Luật Đấu thầu 2005 hiện nay rất bất cập và gây rất nhiều rắc rối cho các doanh nghiệp đang hoạt động trong ngành Dầu khí

- Điều 32: Nên bỏ cụm từ “Xí nghiệp liên doanh dầu khí” trong Dự thảo thành “các nhà thầu dầu khí và nhà thầu phụ phải nộp các khoản thuế theo quy định …” hoặc cụm từ khác thể hiện một cách khách quan hơn vì trong Luật Doanh nghiệp không có khái niệm cụm từ “xí nghiệp”.

- Điều 38, Khoản 9: Đề nghị sửa thành “Quyết định cho phép đốt bỏ hoặc sử dụng khí đồng hành”

5.     Cục Hải quan Tỉnh BRVT:

Điều 3, Khoản 15: Hiện nay Cục Hải quan đang gặp nhiều khó khăn trong việc xác định tính thuế cho hàng hóa nhập khẩu phục vụ ngành dầu khí (nếu hàng hóa xác định là vật tư thì phải chịu thuế nhập khẩu, nhưng hàng hóa xác định là thiết bị thì được miễn thuế nhập khẩu), vì vậy đề nghị bổ sung làm rõ các khái niệm vật tư, thiết bị, dụng cụ phụ tùng.

6.     VCCI Vũng Tàu:
Ngành Dầu khí là ngành mũi nhọn và hoạt động rất mạnh trên địa bàn tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu. Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dầu khí ảnh hưởng rất mạnh đến tình hình hoạt động, sản xuất kinh doanh của các Doanh nghiệp Dầu khí trên địa bàn tỉnh nói riêng và cả nước nói chung.

Các văn bản liên quan