Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên kết luận Hội nghị

Thứ Hai 14:10 24-05-2010

Xin cảm ơn đồng chí Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

Cho phép tôi có một số ý kiến kết thúc nội dung thảo luận dự án luật này.

Kính thưa Quốc hội!

Trên cơ sở ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội đã phát biểu hoặc chưa phát biểu nhưng sẽ có tham gia gửi bằng văn bản cho Đoàn thư ký. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo các cơ quan chức năng nghiên cứu tổng hợp để tiếp thu, chỉnh lý, giải trình kèm theo dự án luật đã được chỉnh lý để trình Quốc hội xem xét thông qua vào phiên họp sau. Để có điều kiện cho các cơ quan hữu quan chỉnh lý hoàn chỉnh dự án luật tôi xin nêu một số điểm qua ý kiến phát biểu của đồng chí Thống đốc Ngân hàng Nhà nước và các vị đại biểu Quốc hội.

Vấn đề thứ nhất, xoay quanh những vấn đề có ý kiến về một số nội dung còn quy định mang tính khung, mang định tính hướng, cũng báo cáo với các vị đại biểu Quốc hội là với tinh thần những vấn đề nào đã rõ, nó đã ổn định trong thực tiễn chúng ta khẳng định được thì chúng ta sẽ đưa vào trong luật. Còn vấn đề gì nó chưa thật rõ, chưa ổn định thì xin phép thể hiện thông qua các văn bản hướng dẫn thi hành luật của Chính phủ để nó uyển chuyển hơn, nó phù hợp với thực tế hơn khi cần phải thay đổi thì thay đổi nó cũng dễ dàng hơn so với phải thay đổi nội dung quy định ở trong luật. Đương nhiên chúng tôi sẽ rà lại nếu như vấn đề nào có thể đưa được thêm vào nó mang tính định lượng nó rõ thì sẽ cố gắng đưa vào.

Thứ hai, khi đề cập đến một chủ thể thì chúng tôi cũng nhất trí đã giao quyền thì phải đi liền với trách nhiệm thì chúng tôi sẽ rà lại các điều khoản ở trong luật này.

Thứ ba, xoay quanh vấn đề quy định cụ thể hay chưa quy định cụ thể ở trong luật mà giao cho Ngân hàng Nhà nước quy định về một số những vấn đề có liên quan đến điều kiện, đến giới hạn, đến tỷ lệ v.v... thì cũng xuất phát từ thực tiễn điều hành chính sách tiền tệ và chính sách lãi suất trong nhiều năm qua, đặc biệt là trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế - xã hội và cuộc sống thì vận động hàng ngày, chính sách tiền tệ với mục tiêu cuối cùng thì tương đối ổn định. Nhưng các công cụ, biện pháp nó phải uyển chuyển thì mới đáp ứng được mục tiêu cuối cùng ấy. Cho nên sẽ có những quy định chung giao cho Ngân hàng Nhà nước với chức năng và nhiệm vụ hoặc trực tiếp hoặc giúp cho Nhà nước thực hiện đảm bảo mục tiêu của chính sách tiền tệ quốc gia và những yêu cầu khác về phát triển kinh tế - xã hội để nó phù hợp với tình hình của từng thời kỳ.

Vấn đề thứ tư là về lãi suất cơ bản thì hôm qua tôi đã nói rồi, quan điểm của Thường vụ là không bỏ lãi suất cơ bản, nhưng nhận thức cho nó đúng hơn, thực chất hơn khái niệm này từ thực tiễn điều hành chính sách tiền tệ trong thời gian vừa qua, đặc biệt là trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế và kinh tế của các nước mà lãi suất cơ bản được hiểu là một số lãi suất chủ yếu, trong đó có một lãi suất mang tính chất chủ đạo để đáp ứng được hai yêu cầu là phục vụ cho mục tiêu thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia, vừa đảm bảo cho yêu cầu điều hành trong những hoạt động của tổ chức tín dụng theo nguyên tắc xây dựng nền kinh tế thị trường nhưng có định hướng xã hội chủ nghĩa, chứ không phải xây dựng nền kinh tế thị trường tự do hoàn toàn, thả một cách thoải mái.

Vấn đề thứ năm, về kiểm toán Nhà nước thì không đặt ra vấn đề này ở trong luật này. Bởi vì Kiểm toán Nhà nước thực hiện những chức năng kiểm toán tại các chủ thể đang sử dụng tiền và đang quản lý tài sản của Nhà nước. Trong Luật kiểm toán Nhà nước có quy định trong điều kiện cần thiết và tùy theo khả năng của mình mà có thể thuê kiểm toán độc lập với tư cách là các dịch vụ nhưng phải tuân theo các hệ thống về tiêu chuẩn của Nhà nước để thực hiện cho mình nhiệm vụ kiểm toán ở những đơn vị có thụ hưởng nguồn vốn của Nhà nước, quản lý tài sản của Nhà nước.

Còn đối với các tổ chức kinh tế mà không thụ hưởng nguồn vốn của Nhà nước, không quản lý tài sản của Nhà nước thì nay mai gắn liền với Luật về kiểm toán độc lập sắp tới Quốc hội sẽ trình thảo luận và thông qua. Tuy nhiên, chúng tôi cũng sẽ nghiên cứu để thể hiện rõ ràng hơn về mặt kỹ thuật để có sự kết hợp giữa Kiểm toán Nhà nước với kiểm toán độc lập trong việc thực hiện nhiệm vụ kiểm toán đối với các tổ chức kinh tế có sử dụng vốn Nhà nước và quản lý tài sản Nhà nước.

Vấn đề thứ sáu, về áp dụng các thông lệ quốc tế thì chúng tôi cũng rà lại để cách thể hiện làm sao cho thống nhất.

Vấn đề thứ bảy, để tạo điều kiện cho các Hội thực hiện một số nhiệm vụ của cơ quan Nhà nước, chúng tôi sẽ rà lại trong điều kiện hoạt động của các tổ chức tín dụng là những hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh tiền tệ, lĩnh vực kinh doanh có điều kiện, việc thực hiện một số nhiệm vụ của cơ quan Nhà nước giao cho các hội như thế nào cho phù hợp.

Cuối cùng về khái niệm, chúng tôi cũng sẽ rà lại một số khái niệm, chị Hồng đã nêu ra một số khái niệm khác, chúng tôi tổng hợp, tiếp thu, chỉnh lý, hoàn chỉnh dự án luật này.

Xin cảm ơn Quốc hội.

 

Các văn bản liên quan