Góp ý của Đại biểu Quốc hội Ngô Minh Hồng – TP Hồ Chí Minh

Thứ Hai 14:07 24-05-2010

Kính thưa Đoàn Chủ tich,

Thưa các vị Đại biểu Quốc hội.

Tôi có một số ý kiến nhỏ liên quan đến Dự thảo Luật Tổ chức tín dụng.

Trong Chương I có rất nhiều điều nhắc đến Tổ chức tín dụng và Chi nhánh ngân hàng nước ngoài có trách nhiệm này, có nghĩa vụ kia. Nếu theo cách thông thường thì quay trở lại điều giải thích từ ngữ thì Tổ chức tín dụng là gì, Chi nhánh ngân hàng nước ngoài là gì? Nhưng trong Khoản 8 thì ta lại có giải thích về tổ chức tín dụng nước ngoài. Không rõ những điều chúng ta nhắc ở đây là chỉ dành cho tổ chức tín dụng trong nước, chi nhánh ngân hàng nước ngoài hay là dành cho cả các tổ chức tín dụng nước ngoài. Đây là vấn đề tôi có thắc mắc. Vì theo thông thường thì chúng ta quay trở về tìm giải thích khái niệm như vậy. Đó là một.

Điểm thứ hai, là tại Khoản 5 của Điều 4 về giải thích từ ngữ thì vấn đề này không liên quan trực tiếp nhưng tôi thấy nó hơi lạ. Khi chúng ta giải thích từ ngữ về tổ chức tín dụng vi mô thì chúng ta có nhắc đến doanh nghiệp "siêu nhỏ". Chúng ta thường nhắc đến doanh nghiệp vừa và nhỏ, hộ gia đình. Bây giờ có doanh nghiệp "siêu nhỏ". Về vấn đề này chúng tôi cũng chưa rõ lắm, không hiểu "siêu nhỏ" là như thế nào.

Ý kiến thứ ba là tôi xin phát biểu về Điều 10 và Điều 14. Điều 10 về bảo vệ quyền lợi khách hàng. Điều 14 về bảo mật thông tin. Trong này có nói về vấn đề tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thì có trách nhiệm từ chối việc điều tra, phong tỏa, cầm giữ trích chuyển tiền gửi của khách hàng, trừ trường hợp có yêu cầu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Tương tự như vậy, Điều 14, Khoản 3 về bảo mật thông tin cũng nói có quyền từ chối yêu cầu về việc cung cấp thông tin liên quan đến khách hàng, trừ trường hợp có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc được sự chấp thuận của khách hàng. Chúng tôi thấy hiện nay chúng ta đang thí điểm, đang thực hiện xã hội hóa một số hoạt động bổ trợ tư pháp. Ngày hôm qua ở thành phố Hồ Chí Minh có ra mắt thành lập 5 Văn phòng thừa phát lại, Văn phòng thừa phát lại hoàn toàn được thành lập dưới hình thức doanh nghiệp tư nhân hoặc công ty hợp danh và được nhà nước giao cho một số việc có tính chất quyền lực của nhà nước. Ví dụ xác minh tài sản thi hành án, khi xác minh tài sản thi hành án nhất định phải có quyền để xác minh tài sản liên quan đến người phải thi hành án là ngân hàng, hay vấn đề được phép cưỡng chế thi hành, trong đó có những việc về phong tỏa tài khoản và cưỡng chế trích tiền đó để chuyển trả cho người được thi hành án.

Chúng tôi nghĩ đây là vấn đề Quốc hội và Chính phủ cho phép thí điểm 3 năm. Tuy nhiên chúng ta cần đặt vấn đề như thế nào đó để các tổ chức được thí điểm này có quyền hoạt động khi họ làm những việc đó, hành xử những quyền đó thì họ được phép hoạt động như một cơ quan thi hành án. Xin hết.

Các văn bản liên quan