Góp ý của Đại biểu Quốc hội Nguyễn Đình Quyền – Hà Nội

Thứ Hai 14:03 24-05-2010

Kính thưa Quốc hội,

Về cơ bản khi nghiên cứu về dự án Luật các tổ chức tín dụng (sửa đổi) lần này thì chúng tôi thấy dự án lần này trình Quốc hội đã được tiếp thu khá đầy đủ các ý kiến của đại biểu Quốc hội phát biểu trước đây và tôi cho rằng có một số chế định mới mà như anh Cao Sỹ Kiêm đã nói. Tuy nhiên, còn một nhược điểm là còn khá nhiều những quy định giao cho Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước quy định, mà những quy định đó lại là những thể chế, những thiết chế rất quan trọng. Tôi xin đi vào một số vấn đề cụ thể sau đây:

Vấn đề thứ nhất, như Chủ tọa đã gợi ý đó là giới hạn sở hữu cổ phần của cá nhân, pháp nhân Việt Nam và của thể nhân và pháp nhân nước ngoài. Đây là một vấn đề tôi cho rằng nó liên quan về mặt chính sách. Lâu nay chúng ta vẫn nói hệ thống pháp luật Việt Nam thiếu thống nhất thì tôi cho rằng cái sợ của thiếu thống nhất đó đầu tiên là thiếu thống nhất về mặt chính sách. Hiện nay chúng ta qua nhiều năm hoạch định chính sách và qua nhiều năm lập pháp chúng ta đã có Luật doanh nghiệp để điều chỉnh doanh nghiệp có vốn của Nhà nước, doanh nghiệp của các thành phần kinh tế và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Chúng ta có Luật đầu tư để điều chỉnh đầu tư của tất cả các loại hình doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế cả trong nước và nước ngoài. Nhưng khi chúng ta quy định trong này tại Điều 55 và Điều 16 về giới hạn sở hữu cổ phần của cá nhân pháp nhân Việt Nam và của thể nhân pháp nhân nước ngoài thì chúng ta lại có sự phân biệt, tôi rằng chẳng nhẽ tối đa 30% mua cổ phần, sở hữu cổ phần của tổ chức nước ngoài để chúng ta phúc đáp yêu cầu của WTO. Vậy thì quy định WTO chỉ đối với nước ngoài lại không đối với doanh nghiệp Việt Nam, đấy là thứ nhất.

Thứ hai, rất nhiều năm rồi chúng ta phấn đấu đến sự bình đẳng một sân chơi của các doanh nghiệp thì bây giờ chúng ta lại phân biệt giữa doanh nghiệp cá nhân tổ chức Việt Nam và thể nhân pháp nhân nước ngoài. Tôi cho đây là một thể chế mà thụt lùi, chúng tôi đề nghị phải quy định một mặt bằng chung cho cả tổ chức cá nhân Việt Nam và tổ chức cá nhân nước ngoài về giới hạn sở hữu cổ phần của cá nhân pháp nhân Việt Nam và thể nhân pháp nhân nước ngoài thì mới bảo đảm tính nhất quán, tính thống nhất của hệ thống pháp luật trong việc hoạch định chính sách. Đấy là vấn đề thứ nhất. Tôi cho rằng việc quy định cá nhân Việt Nam thì 5%, pháp nhân Việt Nam 15% và thể nhân pháp nhân nước ngoài 30% là hoàn toàn không hợp lý.

Vấn đề thứ hai, liên quan như đồng chí Chủ tọa nói tới Điều 103 là góp vốn mua cổ phần. Tôi cho rằng quy định này cũng là một bước thụt lùi. Bởi vì luật hiện hành chúng ta đã ấn định số 11% của ngân hàng thương mại và công ty con của ngân hàng thương mại có thể được mua trong vốn điều lệ, nay chúng ta lại giao cho Ngân hàng Nhà nước quy định. Chúng tôi cho rằng đây là một bước thụt lùi. Chúng tôi đề nghị tỷ lệ này cần được xác định ngay trong luật để bảo đảm tránh tùy tiện.

Vấn đề thứ ba, liên quan tại Khoản 4, Điều 50 và Điều 48 về những tiêu chuẩn của Tổng giám đốc ngân hàng. Một tổ chức tín dụng có thể thuê Tổng giám đốc ngân hàng, tuy nhiên dự án luật không quy định rõ trong trường hợp đó thì tổ chức tín dụng có được thuê người nước ngoài làm Tổng giám đốc ngân hàng hay không? Tôi đề nghị trong dự án luật này khi người nước ngoài đó người ta đáp ứng mọi điều kiện quy định tại Khoản 4, Điều 50 thì tổ chức tín dụng đó có được thuê người nước ngoài làm Tổng giám đốc của tổ chức tín dụng đó hay không?

Vấn đề cuối cùng về mặt kỹ thuật. Tại Điều 3 về nguyên tắc áp dụng luật thì chúng ta quy định các bên được thỏa thuận áp dụng tập quán thương mại nếu tập quán thương mại đó không trái pháp luật Việt Nam. Nhưng trong một số văn bản khác lại quy định không trái với nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam và trong một văn bản khác lại không trái với lợi ích công. Vậy tôi đề nghị cũng cùng một nội dung cần có sự thống nhất về mặt ngôn từ và về mặt quy định cho chính xác. Tôi xin hết, xin cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan