Góp ý của Đại biểu Quốc hội Cao Sĩ Kiêm – Thái Bình

Thứ Hai 14:02 24-05-2010

Kính thưa Đoàn Chủ tịch,

Kính thưa Quốc hội,

Qua giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các vấn đề được chỉnh sửa trong luật này tôi thấy giải trình khá rõ ràng, chỉnh lý rất hợp lý. Nó phù hợp với thực tế của đất nước chúng ta, kể cả sự phát của các tổ chức tín dụng hiện tại và hướng đang phát triển theo tương lai. Nó cũng phù hợp với thông lệ quốc tế mà chúng ta đã cam kết và thực hiện.

Quan sát lần sửa này chúng tôi thấy khá nhiều điều chúng ta sửa được, chắc chắn nó sẽ tạo điều kiện tốt hơn cho các tổ chức tín dụng tự chủ, năng động trong kinh doanh và quản trị của mình. Cũng tạo điều kiện cho Ngân hàng Nhà nước kiểm soát và quản lý, giám sát các hoạt động của các tổ chức tín dụng chặt hơn và hiệu lực hơn. Mặc dù chọn và sửa đặt ra những vấn đề cụ thể, nghiêm túc và tiến một bước để cụ thể hóa các điều mà chúng ta phải thực hiện. Nhưng tôi quan sát thấy vẫn còn mắc phải 2 khuyết điểm vốn có của cách làm luật của chúng ta, luật này cũng như các luật khác:

Một, một số nội dung vẫn mang tính định hướng.

Hai, những vấn đề xử lý, nhất là vấn đề cụ thể liên quan đến định lượng vẫn phải chờ hướng dẫn của Chính phủ, của Ngân hàng nhà nước. Đặc biệt 2 vấn đề này đối với Luật tổ chức tín dụng, một luật mà có nhiều hành vi, có nhiều động tác về nghiệp vụ buộc các ngân hàng thương mại phải được thực hiện nghiêm, thống nhất, hai điều này cản trở trong việc triển khai, thực thi, đưa luật này vào cuộc sống. Tôi xin bổ sung 3 ý nhỏ:

Thứ nhất, về phạm vi điều chỉnh. Phạm vi điều chỉnh lần này thu gọn đối tượng điều chỉnh và hoạt động của luật này là đúng và hợp với tình hình của chúng ta và các nước trên thế giới đang quản lý hệ thống ngân hàng và tổ chức tín dụng. Lần này chúng ta khoanh lại đối tượng, phạm vi chủ yếu là tổ chức tín dụng, đây là điều tôi cho là tốt. Nhưng còn một số đối tượng phi ngân hàng, nhưng có hoạt động ngân hàng, hay các đối tượng có hành vi liên quan, tác động trực tiếp đến việc thực thi chính sách tiền tệ thì chưa được đưa vào đây và cũng chưa được một luật nào khác chi phối, cho nên có thể có những lỗ hổng, có thể có những hành vi chưa được kiểm soát, chưa được một số luật hoặc chưa được luật này kiểm soát thì cũng có thể gây ra những điều không tốt hoặc là không lành mạnh cho hoạt động tài chính tiền tệ đối với chúng ta. Cho nên, nếu chúng ta vẫn giữ như thế này, thì tôi đề nghị phải có những cách để chúng ta chỉ đạo đưa những quy định có liên quan vào các luật khác thích hợp. Chúng ta xác định tổ chức tín dụng chỉ có ba nội dung rất quan trọng: một là cấp tín dụng, hai là nhận tiền gửi, ba là công tác thanh toán qua tài khoản. Còn các lĩnh vực khác một số chưa được điều chỉnh. Đấy là vấn đề thứ nhất.

Vấn đề thứ hai là dự thảo luật lần này có hai điểm mới:

Một là Điểm 41 là thành lập bộ phận kiểm toán trong Ban kiểm soát của tổ chức tín dụng. Theo ý kiến tôi, đây là một tổ chức cần làm trong tình hình hiện nay và việc chúng ta rất chú ý nhất là sau khi khủng hoảng tiền tệ rồi dẫn đến khủng hoảng kinh tế thế giới và hoạt động ngân hàng đòi hỏi phải kiểm soát chặt chẽ hơn, thì thành lập bộ phận này là đúng và rất hợp lý. Tuy trong này đã quy định được quyền hạn và nội dung hoạt động, nhưng chưa quy định được trách nhiệm của bộ phận này, chúng ta phải gắn rất chặt quyền hạn với trách nhiệm thì mới có khả năng thực thi cao.

Cũng như vậy, tại Điều 51 chúng ta có một điểm mới là có thành viên Hội đồng quản trị độc lập trong Hội đồng quản trị của các tổ chức tín dụng để đảm bảo khả năng khách quan và khả năng điều hành quản trị tốt hơn, cũng là đúng. Nhưng ngoài việc quy định quyền hạn, nội dung hoạt động phải rất chú ý quy định trách nhiệm. Vì đây là một tổ chức mới, chúng ta chưa có tiền lệ, chúng ta chưa có kinh nghiệm thì những vấn đề gì chúng ta có thể đặt ra để đảm bảo hiệu lực thực hiện cho tốt thì chúng ta cố gắng đặt ra để chúng ta thực hiện.

Vấn đề thứ ba, như đã nêu trên, hiện nay còn một số vấn đề rất cụ thể và rất cần phải cụ thể để đảm bảo cho hoạt động của các ngân hàng thương mại có điều kiện ngay, các tổ chức tín dụng căn cứ vào đây triển khai ngay thì còn đang đọng lại và phải chờ hướng dẫn, như vấn đề giới hạn sở hữu cổ đông, như vấn đề điều kiện để các ngân hàng cổ phần được mua, tham gia vốn lẫn nhau, như là giới hạn để cấp tín dụng với một khách hàng của chi nhánh ngân hàng nước ngoài, như là vấn đề giới hạn cho vay của tổ chức tín dụng đối với các hệ thống phi ngân hàng hay khách hàng có liên quan. Đây là những quy định đòi hỏi các ngân hàng thương mại, các tổ chức tín dụng phải thực hiện rất nghiêm và đây cũng là một yếu tố an toàn cho các ngân hàng thương mại hay cũng là yếu tố mà trong này có tính chất thông thoáng hơn, mở ra hơn theo thông lệ quốc tế thì phải được phổ biến cụ thể và kịp thời. Cho nên chúng tôi đề nghị kèm theo luật này, ngay từ bây giờ đề nghị Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ khẩn trương soạn thảo những văn bản, những hướng dẫn kể cả nghị định, kể cả văn bản, thông tư hướng dẫn trước ngày có hiệu lực thi hành của luật này, tức là trước 01/01/2011 để khi đưa vào thực hiện luật này có hiệu lực thi hành thì tất cả các yếu tố thực hiện đã được đầy đủ để luật này đưa vào cuộc sống nhanh, vì cái này nó đòi hỏi tính pháp luật rất cao và tính an toàn rất cao. Cho nên những văn bản này phải được hướng dẫn, nếu không thì một là hiệu lực triển khai rất kém. Hai là dẫn đến các Ngân hàng thương mại, các tổ chức tín dụng vi phạm luật mà vi phạm luật ngay khi chúng ta thực hiện là điều không nên. Tôi xin hết, xin cám ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan